Bài 1: Tuân thủ thỏa thuận quốc tế, bảo đảm ổn định môi trường đầu tư
Lời tòa soạn: Tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời đồng ý về chủ trương giao Chính phủ nghiên cứu thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư trong một số lĩnh vực ưu tiên và khẩn trương hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư. Hai quyết sách này được cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận, đánh giá cao, tiếp tục thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, sự chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp để ổn định và thúc đẩy môi trường đầu tư trong tình hình mới khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài để làm rõ hơn về hai quyết sách quan trọng này.
Với các quyết sách liên quan đến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội BÙI VĂN CƯỜNG khẳng định, chúng ta vừa tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các thỏa thuận quốc tế, đồng thời đặt ra các yêu cầu để ổn định và khuyến khích môi trường đầu tư trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Tạo niềm tin cho nhà đầu tư
- Tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã có 2 quyết sách cụ thể về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Xin ông chia sẻ thêm về hai quyết sách này?
- Tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội có 2 quyết sách hết sức quan trọng liên quan tới thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.
Một là, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Nghị quyết). Theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2024. Do đó, việc Quốc hội thông qua được Nghị quyết này ngay tại Kỳ họp thứ Sáu là hết sức kịp thời, thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thỏa thuận quốc tế, đồng thời, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của Thuế tối thiểu toàn cầu kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung.
Tuy nhiên, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu ở góc độ khác cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Điều này có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Việt Nam. Do đó, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã đồng ý về chủ trương giao Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành trong năm 2024 để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Quốc hội đồng thời cũng yêu cầu Chính phủ rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Các quyết sách nêu trên đã được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng và đạt được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thể hiện rõ nét sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các thỏa thuận quốc tế và khuyến khích môi trường đầu tư trong nước. Cả Nghị quyết về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và Nghị quyết về Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV đều được thông qua với tỷ lệ rất cao.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đột phá và hiệu quả hơn
- Ông đánh giá như thế nào về chủ trương thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác?
- Việc Quốc hội đồng ý về chủ trương, giao Chính phủ xây dựng Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp là nhằm ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Tôi cho rằng, việc thành lập Quỹ này sẽ có tác động tích cực đối với việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư, không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài mà còn với cả nhà đầu tư trong nước.
- Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ rà soát tổng thể để hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư trong thời gian tới. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
- Rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư để tiếp tục hoàn thiện đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới theo tôi là hết sức cần thiết và quan trọng. Trong giai đoạn vừa qua, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về khuyến khích thu hút đầu tư, trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài đã được ban hành, thực thi và phát huy hiệu quả, đóng góp quan trọng vào các thành tựu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, cũng còn những chính sách dàn trải, manh mún hoặc chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo ra được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn, chiến lược, nhất là trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các công cuộc chuyển đổi có tính toàn cầu như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh... đang đặt ra những yêu cầu rất mới về chiến lược phát triển của từng nước, trong đó tác động trực tiếp đến các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư để đạt được các mục tiêu đặt ra.
Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định nhiều nhiệm vụ liên quan đến việc đổi mới cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư; xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; phân biệt ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau; xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam...
Nghị quyết số 50-NQ/TW cũng đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam; xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác; nghiên cứu, thực hiện thí điểm đối với các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới để tận dụng cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư...
Như vậy, việc Quốc hội yêu cầu tiến hành tổng rà soát hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư là cơ sở để chúng ta đánh giá lại một cách tổng thể các chính sách hiện có, những vấn đề đang đặt ra và cần tiếp tục hoàn thiện để có một hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, đột phá hơn và hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.
- Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!