Bài 1: Vàm Thom, bến đò Nhuận Phú Tân dày đặc 'cát tặc' trong đêm…
19 giờ 30 phút, chúng tôi khởi hành từ sông Hàm Luông đi trong mưa, gió… của cơn áp thấp nhiệt đới. Tài công trẻ tên M. (25 tuổi) điều khiển phương tiện có khả năng di chuyển với tốc độ cao, từ vàm Cái Gà xuyên tuyến kênh tắt (xã Long Thới, H.Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) sang sông Cổ Chiên. Từ đây đến cầu Cổ Chiên, thủy trình dài hơn 30 km…
Trong tháng 6 vừa qua, báo điện tử Một Thế Giới đã có loạt phóng sự, phản ánh nạn “cát tặc” lộng hành trên sông Hàm Luông và sông Ba Lai (tỉnh Bến Tre). Loạt bài nêu về sự tồn tại 1 hầm cát bất hợp pháp của DNTN ngoài tỉnh (gọi tắt là Công ty Sông Lam) đang ung dung thu lợi cạnh cầu Hàm Luông; nêu việc Công an tỉnh Bến Tre chỉ đạo bơm hàng trăm mét khối cát “tang vật” lên hầm của doanh nghiệp này, trái với quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, hành vi “bảo kê” cho cát tặc của Trưởng và Phó Công an xã Thành Triệu, H.Châu Thành (Bến Tre), cũng bị vạch trần với nhiều chứng cứ… Qua thông tin bức xúc từ phía người dân, PV tiếp tục thực hiện loạt bài về lĩnh vực này. Để không bị lộ khi đi ghi hình “cát tặc”, chúng tôi đặt 2 quày dừa rất sai trái, trước mũi ghe, hy vọng có thể thoát khỏi sự nghi ngờ, đeo bám của các phương tiện canh đường cho “cát tặc”. Đêm đó, vì quyết định ghi hình công khai, chúng tôi đã bị truy đuổi suốt chiều dài gần 5km trên sông!
Mưa bão hay đêm sáng trăng, “cát tặc” vẫn hút ầm ầm dưới sông
Từng đi câu cá giải trí với nhóm bạn trên những nhánh sông lớn, M. rất rành các “điểm nóng” nơi “cát tặc” đang tập trung hoạt động. M. nói: “Chút nữa tới đoạn bến đò Nhuận Phú Tân (xã Nhuận Phú Tân) và Vàm sông Thom (xã Khánh Thạnh Tân), H.Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, sẽ thấy các phương tiện hút cát lậu dàn hàng ngang, hàng dọc ăn cắp cát, y chang như cái chợ nổi…”.
Những quày dừa ngụy trang trên phương tiện đi ghi hình “cát tặc” của PV - Ảnh: Huy Phương
Theo lời M: “Phải chờ sau 10 giờ đêm, lúc đó tàu sắt, ghe gỗ mới ra sông đông nghẹt. Chỉ một đoạn sông Cổ Chiên tiếp giáp với H.Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long (cạnh đuôi cù lao Dài), ban ngày phía bờ Bến Tre số phương tiện hút cát neo đậu san sát, chờ đêm đến tỏa ra hút trộm, nhìn thấy muốn choáng luôn”. M. cho ghe tăng tốc để kịp đến “điểm nóng”. Nước sông văng lên tung tóe, toàn thân chúng tôi ướt sũng. Chiếc áo khoác giữ ấm cũng ngấm đầy nước. Gió áp thấp quật qua từng cơn, lạnh run người...
Tôi hỏi M.: “Có khi nào đêm nay mưa bão mình bị “thất trận”, không ghi hình được “cát tặc” và chứng kiến cảnh “chợ nổi”… như lời M. kể không?” M. khẳng định chắc nịch: “Khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa tụi nó sẽ hút ầm ầm cho coi”. Đến nơi, chúng tôi bảo M. hướng ghe cập vào bến đò Nhuận Phú Tân, lên chợ Bang Tra mua chút gì lót bụng. Vì đoán chắc đêm nay nếu về đến nơi xuất phát, sớm cũng phải 2 giờ sáng. Có thức ăn, nước uống trong tay, M. cho ghe chạy qua phía cù lao Dài. Bãi sông đối diện, bên đó thưa vắng nhà dân, không có đèn thắp sáng dễ mật phục…
Trong lúc tắt máy, neo ghe để ăn uống và nghe ngóng động tĩnh, bất ngờ 1 ghe gỗ hút cát khá lớn (khoảng 30m3), lù lù xuất hiện rất gần phương tiện của chúng tôi. Trên ghe có 2 thanh niên cao to. Họ cẩn thận bật đèn pha đội đầu sáng choang, quét qua một vòng. Phát hiện ghe chúng tôi đang neo đậu, chiếc ghe gỗ nổ máy rời đi… 15 phút sau, quan sát trong bóng đêm mù mờ, thấy có những đốm đen xuất hiện ở xa kèm theo tiếng động cơ, chúng tôi quyết định cho ghe xuôi về hướng vàm sông Thom.
Ghe gỗ hút cát khẳm đừ gần bến đò Nhuận Phú Tân, bị ghi hình vẫn cố lì chưa chịu rút vòi rời đi - Ảnh: Huy Phương
Không thể tin vào mắt mình và lời tuyên bố của M. đúng 100%. Một khúc sông khoảng hơn 1km, chúng tôi chứng kiến có tới hàng chục phương tiện ghe gỗ, tàu sắt (trên 60 m3) thay nhau ăn cắp cát.
Đánh liều, chúng tôi lái ghe quay vòng quanh các phương tiện ở khoảng cách rất gần và bật đèn flash để ghi hình. Cùng lúc đó, nhóm “cát tặc” trên tàu đang ghim vòi hút cát, pha đèn trực diện vào chúng tôi. Một số tàu khác có thêm chiếc ghe canh đường neo cặp hông khi đang hút trộm.
Bị chúng tôi ghi hình, nhưng không có dấu hiệu bị bắt giữ, biết chắc đây không phải lực lượng chức năng, nhóm “cát tặc” tỏ ra hung hãn. Chiếc ghe canh đường liền nổ máy truy đuổi. Điều khiến PV lo ngại là bị chống trả. Nhiều lần đi trên sông, chúng tôi được chính giới “cát tặc” cảnh báo, phải dè chừng trong lúc đứng ghi hình. Vì đối phương sẽ dùng ná thun, bắn bi sắt trả đũa rất nguy hiểm, có thể vỡ sọ, mù mắt…!
Khi đã có đủ hình ảnh cảnh “chợ nổi cát tặc” ở khu vực trên, chúng tôi quyết định rời đi, liền bị đeo bám, truy đuổi rất quyết liệt. Ánh đèn pha chói mắt cứ vụt sáng, vụt tắt liên tục từ phía sau, càng lúc càng gần hơn. Kiểu pha đèn như cảnh cáo, hòng đuổi đối tượng lạ mặt ra khỏi địa bàn làm ăn “bất khả xâm phạm” của mình. M. tăng ga với vận tốc trên 60km/giờ, cho ghe chạy vòng xuống đuôi cù lao Dài, rời “điểm nóng” Bến Tre sang phía thủy phận tỉnh Vĩnh Long, nhằm cắt đuôi cuộc rượt đuổi kéo dài gần 5km…
Chủ tịch huyện than: “Bó tay trước nạn “cát tặc””!
Những ngày cuối tháng 8, PV trở lại điểm nóng trên một lần nữa bằng đường bộ và thuê phương tiện ra sông trong đêm. Cảnh ăn cắp cát vẫn nhộn nhịp không thua kém lần trước. Người dân gợi ý nên thuê 1 ghe hút cát tại địa phương sẽ an toàn. “Mối” của chúng tôi giới thiệu 1 “cát tặc” tại đây. Anh này đồng ý “hợp tác”, chở PV ra sông với giá 500.000 đồng, nhưng ra điều kiện phải giả vờ đi hút cát trộm và không được ghi hình. PV đồng ý trả tiền để ra sông chừng nửa giờ.
Đêm đó, chủ ghe “cát tặc” này chỉ hút lên ghe vài mét khối, rồi chở chúng tôi quay vào bờ. Trên sông tại khu vực phía dưới bến đò Nhuận Phú Tân, có hơn chục phương tiện (5 tàu sắt, 7 ghe gỗ) đang vô tư hút cát, không hề thấy bóng dáng công an xã, huyện hay lực lượng tuần tra của Công an tỉnh! Người dân 2 xã của “điểm nóng”, bức xúc về nạn sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Đồng thời đặt nghi vấn: “Có không nạn chung chi của các nhóm “cát tặc”, theo đường dây từ xã lên tới tỉnh? Vì sao công an và chính quyền địa phương ở “sát nách”, đều làm lơ để cát tặc hoạt động như cái “chợ nổi” suốt nhiều năm qua, không dẹp được?”.
Những “cát tặc” nổi cộm đang cày xới lòng sông và tỏ ra bất chấp pháp luật tại khu vực này, được người dân điểm mặt như: Chủ DN VLXD Vũ Sơn - có hầm cát khá quy mô tại địa phương, cùng nhiều tàu hút cát tải trọng lớn. Ngoài ra còn các nhóm: Ba Miều, Bảy Chiên, Bảy Phán… mỗi người 2 - 3 phương tiện. Lúc cao điểm có cả giới “cát tặc” bên H.Vũng Liêm tràn sang ăn theo… số lượng phương tiện ăn cắp cát đông tới gần 30 chiếc.
Những kẻ trộm cát dùng đèn pha rọi trực diện vào ống kính của PV tại “điểm nóng” trên sông Cổ Chiên - Ảnh: Huy Phương
Cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre cũng từng vây bắt, nhưng “cát tặc” chơi trò bất chấp, nhổ neo chạy sang phía Vĩnh Long, tìm cách đôi co để né bị xử phạt, do khác địa phương. Theo phản ánh của người dân, công tác phòng chống “cát tặc” tại đây thiếu quyết liệt và không tạo được mối quan hệ liên kết giữa các địa phương của 2 tỉnh. Ông Nguyễn Văn Bàn, Chủ tịch UBND H.Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) nhìn nhận: “Đúng là “điểm nóng” này hình thành nhiều năm rồi, nhưng không dẹp xuể. Tôi từng được luân chuyển về đây làm Bí thư Đảng ủy xã, người dân phản ứng rất dữ về tình hình trên, gây sạt lở dọc theo bờ sông từ Nhuận Phú Tân tới Khánh Thạnh Tân”.
PV hỏi: “Dư luận đặt vấn đề có dấu hiệu tiêu cực. Phải có chung chi, “điểm nóng” trên mới tồn tại, ông nghĩ sao?”. Ông Bàn nói: “Tôi cũng có nghe, nhưng không có chứng cứ để xử lý! UBND huyện luôn chỉ đạo công an huyện cử lực lượng xuống xã, tăng cường công tác tuần tra, bắt và xử phạt. Báo chí phản ánh, chúng tôi rất ủng hộ, đây cũng là cơ sở để lực lượng chức năng tỉnh giúp huyện “siết” chặt quản lý khu vực này…”.