Bài 1: Vắng đoàn viên tổ chức đoàn không thể mạnh

Đến thăm các bản làng khu vực biên giới của tỉnh, điều dễ nhận thấy là tình trạng người dân đi làm ăn xa diễn ra khá phổ biến, trong đó, phần lớn là lực lượng lao động trẻ đang ở độ tuổi đoàn viên. Điều này khiến cho việc tập hợp thanh niên, duy trì các hoạt động đoàn gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để tập hợp được đông đảo thế hệ trẻ, tạo sức mạnh cho đội dự bị của Đảng là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm.

Tăng cường sức mạnh cho “cánh tay đắc lực của Đảng” vùng biên giới:

Buổi tình nguyện sửa nhà văn hóa của Chi đoàn tổ dân phố Phố Thầu, thị trấn Si Ma Cai chỉ tập hợp được rất ít đoàn viên tham gia.

Buổi tình nguyện sửa nhà văn hóa của Chi đoàn tổ dân phố Phố Thầu, thị trấn Si Ma Cai chỉ tập hợp được rất ít đoàn viên tham gia.

Nhiều đoàn viên đi làm ăn xa

Xã Tả Gia Khâu những ngày giữa thu mà sương mù đã giăng kín núi. Mới hơn 6 giờ sáng, trời đất vẫn còn tối om, Bí thư Chi đoàn thôn Lao Chải Cư Seo Hòa ra ngã ba đầu thôn để chuẩn bị cho buổi tình nguyện của chi đoàn. Đã thành thông lệ, tuần nào cũng vậy bất kể ngày mưa, ngày nắng, chi đoàn vẫn giữ hoạt động “ngày thứ 7 tình nguyện”. Trong lúc chờ các cộng sự, anh Cư Seo Hòa ra mương nước tranh thủ mài lại chiếc dao phát, tiếng lưỡi dao cọ vào hòn đá mài ken két.

Buổi lao động công ích hôm ấy, cả chi đoàn có 15 đồng chí thì chỉ có 6 đồng chí tham gia. Công việc của mỗi buổi tình nguyện, chi đoàn sẽ quét dọn, phát quang và khơi thông cống rãnh 3 km đường trục thôn, do người ít nên đội tình nguyện chỉ thực hiện được nửa tuyến. Lấy tay gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, anh Cư Seo Hòa tâm sự: “Chi đoàn thường xuyên tổ chức các buổi tình nguyện vừa để đoàn viên, thanh niên góp sức trẻ vì cuộc sống cộng đồng lại tạo phong trào, sự đoàn kết trong tổ chức. Cái khó là có đến hơn 1/3 đoàn viên đi làm ăn xa, số còn lại bận rộn việc đồng áng, nương đồi nên chi đoàn thường tổ chức hoạt động tình nguyện vào ngày nghỉ, tranh thủ lúc sáng sớm hoặc chiều muộn”.

Câu chuyện thiếu vắng đoàn viên tại các chi đoàn không phải là cá biệt. Đoàn xã Tả Gia Khâu hiện có 8 chi đoàn thôn, bản với trên 100 đoàn viên. Những năm gần đây, số đoàn viên thường xuyên đi làm ăn xa là gần 70%, họ đi biền biệt từ tháng giêng đến gần Tết Nguyên đán mới về. Điển hình như Chi đoàn thôn Lao Tô có 10/14 đoàn viên, chi đoàn thôn Sín Pao Chải có 7/15 đoàn viên thường xuyên đi làm ăn xa. Thiếu đoàn viên nên hoạt động phong trào gặp nhiều khó khăn, thậm chí việc tổ chức sinh hoạt định kỳ phải thực hiện theo quý, có chi đoàn không tổ chức được vì trống đoàn viên. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Long Thị Thu Hà, Bí Thư Huyện đoàn Mường Khương cho biết: Ngoài lý do thiếu đoàn viên, việc tập hợp thanh niên ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, thiếu sáng tạo, ít hiệu quả, thiếu mô hình hay khiến nhiều thanh niên chưa thực sự mặn mà trong sinh hoạt đoàn.

Đoàn xã biên giới A Mú Sung, huyện Bát Xát cũng là ví dụ tương tự. Anh Đặng Thái Lâm, Bí thư Đoàn xã A Mú Sung chia sẻ: Hưởng ứng các chương trình tình nguyện của các cấp bộ đoàn, Đoàn xã thường xuyên phát động các đợt tình nguyện vì an sinh xã hội, nhưng hiệu quả không cao vì rất nhiều đoàn viên đi làm ăn xa. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng tình trạng thiếu vắng đoàn viên, thanh niên tại cộng đồng đang diễn ra ở hầu hết các địa phương vùng cao biên giới. Có những thôn, bản chỉ còn lại “người già và những đứa trẻ”, ruộng nương, đồng đất bỏ hoang. Không chỉ ảnh hưởng đến các phong trào đoàn, tình trạng này còn ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, gây khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Kinh phí hoạt động hạn hẹp gây khó khăn cho các hoạt động đoàn.

Kinh phí hoạt động hạn hẹp gây khó khăn cho các hoạt động đoàn.

Khó khăn về kinh phí hoạt động

Thời gian qua, ở các cấp bộ đoàn, nhất là các chi đoàn đều xảy ra tình trạng kinh phí hoạt động không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Ngoài việc phụ thuộc chủ yếu vào nguồn kinh phí khá ít ỏi do cấp ủy, chính quyền hỗ trợ, nhiều hoạt động của tổ chức đoàn, các chi đoàn phải vận động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đóng góp của đoàn viên, thanh niên. Chính sự eo hẹp về kinh phí đã phần nào hạn chế các chương trình hoạt động.

Theo khảo sát, hiện mỗi năm ngân sách “rót” cho đoàn cơ sở xã, thị trấn từ 7 - 10 triệu đồng. Nguồn kinh phí này chỉ đủ để chi cho các nội dung sơ kết, tổng kết, nên rất khó để đoàn cơ sở các địa phương đảm bảo các hoạt động. Với các chi đoàn thôn, bản những năm trước mỗi chi đoàn được cấp 500.000 đồng/năm để hoạt động; mỗi bí thư chi đoàn được trợ cấp 200.000 đồng/tháng, nhưng theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh khóa 14 ban hành quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố, thì từ năm 2020, hai mức hỗ trợ này đều bị cắt.

Anh Ly Seo Dế, Bí thư Đoàn xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai chia sẻ: Làm cán bộ đoàn ai cũng muốn tổ chức, xây dựng nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực cho đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, do kinh phí ít nên Đoàn xã chỉ có thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, vệ sinh môi trường, giao lưu các câu lạc bộ, đội, nhóm. Các phần việc đảm nhận công trình thanh niên, trao học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà cho người già neo đơn… đều phải trông chờ vào nguồn tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp hoặc phối hợp với các tổ chức, đoàn thể khác. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có thể huy động nguồn tài trợ, nhất là những xã vùng cao, biên giới.

Hạn hẹp về kinh phí đã khiến nhiều cơ sở đoàn phải giảm bớt hoạt động, hoặc rất “e dè” khi tổ chức phối hợp. Anh Sùng Seo Trang, Bí thư Đoàn xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương tâm sự: “Tả Gia Khâu lại thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh, huyện, công tác xã hội hóa hầu như không có. Nên hầu hết các hoạt động chúng tôi đều phải chọn cách tiết kiệm nhất”.

Đoàn xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai hiện nay có 231 đoàn viên, thanh niên. Hằng năm, đơn vị tổ chức hơn 20 hoạt động lớn, nhỏ như: Tuyên truyền, giáo dục chính trị, nhận thức cho thanh niên, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện xây dựng nông thôn mới… Anh Thền Văn Trai, Bí thư Đoàn xã Nàn Sán cho biết: “Trong năm, đơn vị được cấp kinh phí hoạt động là 10 triệu đồng, sau khi trừ các khoản văn phòng phẩm, công tác phí, còn lại 6 - 7 triệu đồng, chủ yếu dùng cho hoạt động sơ kết, tổng kết và một số hoạt động lớn như chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3, trung thu. Không những thế, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã cũng dùng chung kinh phí này, vì hội không có nguồn quỹ riêng. Với tần suất tổ chức các hoạt động nhiều, nhưng kinh phí hạn hẹp nên đơn vị gặp không ít khó khăn”.

Câu chuyện về những khó khăn trong hoạt động đoàn, việc tập hợp đoàn viên thanh niên tại cơ sở ở khu vực nông thôn, vùng cao, biên giới đang là thực trạng nổi cộm đặt ra cần có lời giải. Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ đề này trong các bài viết tiếp theo.

Bài 2: Khó khăn trong phát triển Đảng

Tô Dung - Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/giai-bua-liem-vang/bai-1-vang-doan-vien-to-chuc-doan-khong-the-manh-z91n20201010150810398.htm