Bài 1: Vì sao cần sớm sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu?

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp về việc sửa đổi Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự rút gọn.

Báo Công Thương có loạt bài khái quát bức tranh toàn cảnh để làm rõ vấn đề được bạn đọc quan tâm này!

Bộ Công Thương sớm đề nghị sửa đổi nghị định 95 từ đầu năm 2022

Nghị định 95/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 2/1/2022. Nếu trong điều kiện bình thường, Nghị định này được đánh giá là một Nghị định có độ phủ tốt với thị trường xăng dầu nước ta. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu từ cuối năm 2021 đến nay có nhiều diễn biến bất thường, dị biệt ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung xăng dầu trên thế giới và Việt Nam khiến một số vấn đề trong nghị định cần sớm được bổ sung, sửa đổi.

Thị trường xăng dầu từ cuối năm 2021 đến nay có nhiều diễn biến bất thường, dị biệt

Thị trường xăng dầu từ cuối năm 2021 đến nay có nhiều diễn biến bất thường, dị biệt

Nhận thấy những biến động đó gây ảnh hưởng mạnh đến thị trường xăng dầu trong nước, đặc biệt là tác động mạnh đến chi phí kinh doanh xăng dầu – một trong những yếu tố cốt lõi trong duy trì ổn định thị trường xăng dầu, năm 2022, đã có đến 5 lần Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính rà soát chi phí kinh doanh xăng dầu. Đây là một vấn đề quan trọng được quy định trong Nghị định 95.

Theo đó, ngay từ thời điểm tháng 2, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014; rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium và các loại thuế...

Đến tháng 7, Bộ Công Thương tiếp tục nêu quan điểm với Bộ Tài chính về công thức giá cơ sở, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoản Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.

Tháng 8 vừa qua, khi thị trường xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng… Bộ Công Thương tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài chính về việc điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng.

Ngày 31/8/2022, Tổ điều hành thị trường trong nước trong cuộc họp thường kỳ đã đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành. Liên tục trong các báo cáo Tổ điều hành gửi Thủ tướng Chính phủ trong các tháng 8,9,10 đều đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước.

Tháng 11, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam. Song song với đó, Bộ Công Thương cũng nhiều lần đề cập đến việc sửa đổi Nghị định 95 vì những biến động khó lường trên thị trường thế giới đã khiến một số quy định trong Nghị định này không còn phù hợp.

Cùng với Bộ Công Thương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số doanh nghiệp khác cũng liên tục đề nghị sửa đổi các nội dung trong Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Vấn đề này càng trở nên nóng hơn bao giờ hết khi thời điểm tháng 10, tháng 11, Chính phủ đã liên tục có các cuộc họp với Liên Bộ Công Thương – Tài chính và các doanh nghiệp xăng dầu khi doanh nghiệp đã lỗ hàng tỷ đồng, thậm chí doanh nghiệp nhà nước lỗ đến hàng trăm tỷ đồng chỉ vì chi phí kinh doanh xăng dầu không được tính đúng, tính đủ.

Trên cơ sở đề xuất nhiều lần của Bộ Công Thương, Chính phủ đã ban hành Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Tại Công điện này, Bộ Công Thương được Chính phủ giao khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ trong tháng 11 năm 2022.

Thủ tướng: Sửa đổi các quy định về xăng dầu để hoạt động đúng quy luật thị trường

Tại buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh ngày 27/11 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thể hiện sự đồng tình với những nhận định và đề xuất của Bộ Công Thương khi khẳng định, việc thiếu cục bộ như vừa qua do giá chưa phản ánh đúng quy luật thị trường, do đó cơ quan chức năng không thể điều hành bằng biện pháp hành chính.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải có lãi thì doanh nghiệp cung ứng mới làm và ngược lại. Nếu nhà nước dùng biện pháp hành chính kêu gọi trong bối cảnh kinh tế thị trường rất khó”. Do đó, giải pháp kêu gọi chính trị kiểu "hy sinh nhà ở, hiến ruộng, đất" phù hợp trong chiến tranh. Còn hiện nay, cốt lõi phải là đáp ứng quy luật cung cầu, cạnh tranh.

"Vừa qua, khi cơ quan quản lý tính thêm chi phí chiết khấu, vận chuyển vào giá, trở lại quy luật thị trường, người bán lẻ thấy có lãi nên đã bán ổn định lại", Thủ tướng nói. Từ đó, ông nhấn mạnh cần tuân thủ quy luật thị trường, quản lý nhà nước cần có chính sách để doanh nghiệp tiếp tục làm, không tạo ra khủng hoảng. Trước ngày 20/12, Bộ Công Thương phải hoàn thành sửa đổi các quy định về xăng dầu để hoạt động đúng quy luật thị trường.

Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai hàng loạt công việc

Chỉ đạo của Chính phủ cho thấy, việc sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu là việc cấp bách và Bộ Công Thương đã vào cuộc ngay lập tức để thực hiện nghiêm chỉ đạo này. Ngay sau khi Công điện số 1085 được ban hành, chỉ sau nửa ngày, ngày 12/11, Bộ Công Thương đã có Công văn số 7197 và 7198 về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Công văn số 7197 gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ và Công văn số 7198 gửi UBND các tỉnh, thành phố nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022, Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 và Nghị định số 95/202I/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong tháng 11 năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp (tại cuộc họp ngày 12/11/2021) rà soát và bước đầu đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi đối với các Nghị định nêu trên.

Cụ thể như: vấn đề chu kỳ điều hành giá xăng dầu; quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và thực tiễn quản lý mặt hàng xăng dầu trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, cơ quan ngang bộ tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, có ý kiến đối với các nội dung đề xuất sửa đổi nêu trên và các nội dung cần sửa đổi, bổ sung khác (nếu có).

Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ Công Thương đề nghị cử đại diện tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Ngay sau đó, ngày 14/11, Bộ Công Thương có Công văn số 7254/BCT-TTTN gửi thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu về việc rà soát, sửa đổi các quy định kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với các văn bản nêu trên (nêu rõ lý do, phương án đề xuất sửa đổi) bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Cuộc họp về phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2023 và sửa đổi nghị định 83, 95 do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì ngày 21/11

Cuộc họp về phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2023 và sửa đổi nghị định 83, 95 do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì ngày 21/11

Sau khi gửi văn bản lấy ý kiến, ngày 21/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tổ chức cuộc họp về phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2023 và sửa đổi nghị định 83, 95. Vấn đề sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp. Tại đây, Bộ Công Thương đã nghiêm túc ghi nhận ý kiến của Hiệp hội và các doanh nghiệp đầu mối về những nội dung cần sửa đổi của hai văn bản này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, rất cần sự khẩn trương và quyết liệt của các đơn vị có liên quan. “Ngay trong chiều ngày 21/11, Bộ Công Thương đã gửi Thủ tướng Chính phủ về Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, nêu cụ thể về đối tượng, phương thức và thời gian lấy ý kiến. Như vậy, có thể khẳng định, Bộ Công Thương đang rất tích cực trong việc sửa đổi 2 nghị định theo đúng tiến độ được Chính phủ giao”.

Làm rút gọn nhưng phải nghiêm túc, chặt chẽ

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, trình tự xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản theo thủ tục rút gọn được quy định tại khoản 3 Điều 147. Theo đó, trình tự xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản soạn thảo theo thủ tục rút gọn được thực hiện tương tự như văn bản soạn thảo theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, để bảo đảm văn bản sẽ được ban hành sớm nhất có thể, Luật quy định Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, thông qua các dự án, dự thảo văn bản tại Kỳ họp, Phiên họp gần nhất; Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, ký ban hành lệnh, quyết định ngay sau khi nhận được dự thảo lệnh, quyết định…

Việc sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu là cần thiết, nhưng không thể nóng vội

Việc sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu là cần thiết, nhưng không thể nóng vội

Trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản thì thời hạn lấy ý kiến trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn là không quá 20 ngày. Thời hạn thẩm định, thẩm tra theo trình tự, thủ tục rút gọn là 07 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản.

Như vậy, có thể thấy, việc sửa đổi Nghị định mặc dù được triển khai theo thủ tục rút gọn, song vẫn phải hoàn thiện một số bước quan trọng như phải đánh giá đầy đủ ưu điểm, hạn chế bất cập của Nghị định 95. Đặc biệt là phải lấy được ý kiến thực tế của các đối tượng bị tác động, nhất là những thành phần có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống phân phối như các doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối, các tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ. Với hệ thống 38 doanh nghiệp đầu mối (trong đó có 4 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nhiên liệu hàng không), 320 doanh nghiệp phân phối và gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, việc tổng hợp, xin ý kiến cần phải có thời gian.

Bên cạnh đó, từ trước đến nay, việc sửa đổi bất cứ một văn bản nào cũng sẽ gây ra nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi đó, các nghị định về xăng dầu lại là những nghị định đặc biệt quan trọng do quy định đối với mặt hàng có nhiều tác động đến đời sống, hoạt động sản xuất và sự phát triển của cả nền kinh tế. Do đó, cần tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập mấu chốt nhất để giải quyết những mâu thuẫn thực tế hiện nay. Đồng thời, tránh được những sai sót, lỗ hổng bất cập tồn tại khiến nghị định mới thiếu tính khả thi hoặc không giải quyết được tình hình.

Không giống những lần sửa đổi trước đây là có đủ thời gian để xin ý kiến, phân tích, chắt lọc kỹ càng các bài học thành công của quốc tế vào Việt Nam… việc sửa đổi Nghị định 83 và 95 lần này đòi hỏi vừa phải nhanh chóng, chính xác, phủ được tính dị biệt của thị trường lại vừa đảm bảo hài hòa với mục tiêu bình ổn giá, an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường xăng dầu thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Cho nên thiết nghĩ, việc sửa đổi các Nghị định này không thể nóng vội mà cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và cần sự vào cuộc của không chỉ Liên bộ Tài chính – Công Thương, các hiệp hội doanh nghiệp mà còn cả các chuyên gia kinh tế, các bộ ngành, địa phương… để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

Nhóm phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-vi-sao-can-som-sua-doi-nghi-dinh-kinh-doanh-xang-dau-229784.html