Sáng tạo sản phẩm theo xu hướng xanh

Kết quả khảo sát về tiêu dùng xanh 2024 của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho thấy, tiêu dùng của người Việt hiện nay đã thay đổi theo hướng chọn lựa sản phẩm xanh, thể hiện qua khả năng tài chính và mức độ sẵn sàng của người tiêu dùng trong việc chi trả cho các sản phẩm xanh.

Đây là những thông tin hữu ích giúp doanh nghiệp Việt định hướng chiến lược phát triển sản phẩm, tái thiết kế chiến lược phân phối trong thị trường biến động và đầy thử thách như hiện nay. Về chiến lược sản xuất xanh, ông Đặng Khánh Duy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (chuyên sản xuất bánh tráng siêu mỏng) chia sẻ, doanh nghiệp trong nước cần có sự sáng tạo, đưa tài nguyên bản địa vào sản phẩm để đáp ứng thị hiếu xanh của người tiêu dùng Việt. Theo ông Duy, công ty hiện làm sản phẩm bánh tráng với “3 không”: không hương liệu, không chất bảo quản, không phẩm màu. Đây là một khác biệt lớn với các loại bánh tráng trên thị trường. Nhờ vậy, sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, nâng tổng sản lượng của công ty lên đến 20 tấn/ngày.

Quy trình nuôi trồng sản xuất tảo xoắn spirulina thuộc dự án xanh hóa chuỗi chăn nuôi tại Việt Nam

Quy trình nuôi trồng sản xuất tảo xoắn spirulina thuộc dự án xanh hóa chuỗi chăn nuôi tại Việt Nam

Để gắn với xu thế tiêu dùng mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái thiết kế chiến lược để thích ứng tốt. Nhất là đầu tư vào công nghệ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thay đổi của thị trường và tăng thu hút người mua. Trên thực tế, đầu tư vào máy móc mới đắt tiền hơn, nhưng tiết kiệm năng lượng hơn, có tác động tích cực trong thời gian dài.

Doanh nghiệp xanh, sản xuất xanh, phát triển bền vững là xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu và đây cũng là hướng đi của kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Để thực hiện điều này, thành phố đã vạch ra định hướng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp thành phố chuyển đổi xanh, HUBA đang tổ chức chương trình kết nối với các nhà phân phối để làm tăng sự nhận diện và ủng hộ của người tiêu dùng; tăng sự kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất xanh và thị trường tiêu dùng. Trước mắt, HUBA đã kết nối các doanh nghiệp sản xuất xanh với các hệ thống phân phối chủ lực của thành phố như Satra, Saigon Co.op và nhà phân phối 100% vốn nước ngoài là MM Mega Market. Các nhà phân phối với thị phần lớn, mạng lưới bán hàng rộng khắp cả nước sẽ giúp doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất.

Các chuyên gia đều nhìn nhận, thành phố cần đẩy mạnh tiêu dùng xanh, gắn với nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp. Về lâu dài, cần tập trung vào các giải pháp để gia tăng nguồn lực, thay đổi hành vi người tiêu dùng hướng đến tiêu dùng xanh… Thành phố cần xây dựng và triển khai áp dụng các bộ tiêu chí tiêu dùng xanh cho từng đối tượng doanh nghiệp, người tiêu dùng; tích cực quảng bá các thực phẩm xanh; phối hợp với các siêu thị, nhãn hàng triển khai sử dụng bao bì từ thiên nhiên, sản phẩm hữu cơ, sinh thái.

Khẳng định vai trò doanh nghiệp trong phát triển xanh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, muốn phát triển các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng xanh rất cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Thành phố sẽ tạo ra cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững...

Minh Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/sang-tao-san-pham-theo-xu-huong-xanh-157602.html