Bài 1: Xây dựng và phát triển chủ thuyết đổi mới xã hội chủ nghĩa

Lời tòa soạn: Nhìn lại 40 năm trước, đặt mình vào những buổi đầu bắt tay thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986, khi '... Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã nỗ lực khắc phục khó khăn, kiên trì tìm tòi, khai phá con đường đổi mới chưa có một khuôn mẫu cho trước...', mới có thể thấy hết được tầm vóc, ý nghĩa của vấn đề giải phóng và tự giải phóng vào thời điểm phức tạp, cam go có tính chất bước ngoặt của tiến trình đổi mới, từng bước xây dựng và phát triển chủ thuyết đổi mới XHCN Việt Nam, với hệ thống lý luận đổi mới cách mạng, khoa học và phù hợp. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản xoay quanh chủ đề Thành tựu lý luận 40 năm Đổi mới: Chủ thuyết đổi mới XHCN Việt Nam.

TS. Nhị Lê

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Từ quy mô, tốc độ, tính chất và hiệu quả của gần 40 năm công cuộc đổi mới, một hệ thống lý luận từng bước hình thành, với tư cách là cương lĩnh chính trị - cương lĩnh hành động dẫn dắt công cuộc đổi mới phát triển đúng hướng và mạnh mẽ. Trên nền móng mấy nghìn năm đất nước, đó chỉ là một bước đi ngắn của cách mạng, nhưng là bước tiến dài của dân tộc Việt Nam trên con đường XHCN, đồng hành và phát triển cùng các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Và, trong lịch sử dân tộc mấy nghìn năm, "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"(1), tiếp tục phát triển và sánh vai cùng các nước trên thế giới.

Đổi mới tất yếu phải theo định hướng XHCN

Không có chủ thuyết đổi mới với hệ thống lý luận chỉnh thể và phù hợp, có thể nói, không thể có công cuộc đổi mới hiện thực thành công 40 năm qua ở Việt Nam. Đó là “con đường của những người mở đường mới mẻ trong lịch sử mà chưa một ai đi qua”(2).

Đó không chỉ là sự kết tinh tầm viễn kiến với tư cách cách là một cương lĩnh chính trị mà còn là cương lĩnh hành động chiến lược hiện thực chỉ đạo và quán xuyến sự vận độg cách mạng và khoa học, phù hợp với đất nước và tượng dung với thời đại của công cuộc đổi mới 40 năm qua.

Ai đó nói: Tư tưởng là chuyện viển vông. Nhưng, lịch sử thế giới mấy nghìn năm qua xác tín, bao giờ tư tưởng cũng dẫn đường nhân loại, tới ánh sáng hay tới vực thẳm. Từ thực tiễn đổi mới, càng thấy rõ điều mệnh hệ đó.

Qua 40 năm đổi mới, càng xác thực, mọi thách thức chỉ có thể khuất phục bằng tư tưởng, và nguồn gốc khởi thủy sức mạnh của đổi mới chỉ có thể khởi nguồn và nhân lên bằng tư tưởng, tầm nhìn và triết lý phát triển Việt Nam.

Trước hết, chủ thuyết đổi mới là quá trình phát triển độc lập, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, dưới tên gọi tư tưởng Hồ Chí Minh, trên nền móng lịch sử dân tộc và phù hợp với thời đại mới.

Nếu chỉ xét lịch sử đất nước trong vòng 5 thế kỷ trở lại đây thì đã có hàng loạt lý thuyết bàn định về sự cải cách, canh tân, khát vọng đưa dân tộc tiến lên. Đó là những cuộc cải cách của Hồ Quý Ly (thế kỷ XV), của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch (thế kỷ XIX) và những dự án canh tân của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và các chí sĩ yêu nước (đầu thế kỷ XX)...

Nhưng tất cả những lý thuyết, dự án về các cuộc cải cách, canh tân ấy đều thất bại hoặc vì chủ quan, khiếm khuyết hoặc duy chỉ hướng nội hoặc duy chỉ hướng ngoại hoặc bị cản trở bởi sự hẹp hòi của nhãn quan phong kiến chật hẹp và khuôn khổ trói buộc của xã hội thuộc địa, nửa phong kiến; tức là thiếu những điều kiện bảo đảm cần và đủ về tiền đề vật chất và tinh thần cho lý thuyết cải cách, canh tân thành công. Trước thềm đổi mới, những lời kêu gọi và cũng là hy vọng của Phan Bội Châu - một trong những yếu nhân của đất nước ở thập niên 20 của thế kỷ XX: “Nhật nhật tân, hựu nhật tân” là sự hối thúc và thách thức nghiệt ngã vào những năm 1980 sau đó: “Đổi mới hay là chết” thì chính là sự yêu cầu và lựa chọn sinh tử chứ không đơn thuần chỉ là khát vọng.

Vượt qua những khiếm khuyết đó, giữ vững tư duy độc lập, sáng tạo, vận dụng linh hoạt, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể nước ta, rút kinh nghiệm mấy thập niên qua, chủ thuyết đổi mới từng bước được xác lập một cách hệ thống. Đó là sự kết tinh những nhu cầu nội tại từ bên trong đất nước (đổi mới là vấn đề sống còn) đón gặp với xu thế phát triển (trên cơ sở không ngừng điều chỉnh) của thế giới, bằng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là cuộc tự vượt lên chính mình, dù là hoàn toàn khả thi nhưng không thực sự dễ dàng. Vì, đổi mới một cách có nguyên tắc XHCN là một cuộc giải phóng mình khỏi những tư duy cũ, hành động vừa nóng vội, chủ quan, vừa bảo thủ, trì trệ; từng bước thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa giáo điều đã kiềm tỏa mấy chục năm qua; là trở lại nhận thức chủ nghĩa xã hội một cách đúng đắn như nó cần phải có từ đó lựa chọn phương cách tiến hành đổi mới XHCN Việt Nam phù hợp, hiệu quả. Đổi mới là thách thức mọi giới hạn phát triển. Chủ thuyết đổi mới góp phần bác bỏ luận điểm trở thành cố hữu ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một lần chỉ trích, rằng người châu Á - tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu - nhưng vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại, một cách hợp quy luật. Đổi mới là tất yếu!

Bám sát thực tiễn đất nước và thời đại, không bảo thủ, không dao động

Mặt khác, chủ thuyết đổi mới chính là sự giải thoát khỏi những khuynh hướng giáo điều, bảo thủ, thực dụng và cơ hội đủ loại. Đảng ta khẳng định: Đổi mới là vấn đề sống còn của đất nước, qua thực tiễn lại càng khảng định rằng, nếu đổi mới chệch nguyên tắc XHCN, thì vận mệnh của đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội có khi không cứu vãn được. Vì vậy, đổi mới tất yếu phải theo định hướng XHCN. Tư duy độc lập và sáng tạo phải đặt trên nền móng của sự thông hiểu và nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn cách mạng đất nước, trông ra thế giới và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại. Điều cần khắc sâu là, bám sát được thực tiễn của đất nước và của thời đại trên cơ sở lập trường chính trị kiên định, không bảo thủ dừng lại và không dao động, ngả nghiêng trước thử thách mới.

Chủ thuyết đổi mới hàm chứa những vấn đề đó trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc hoạch định đường lối chính trị phù hợp, góp phần nhận thức đúng đắn và sâu sắc về chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đó là cuộc giải phóng có ý nghĩa cách mạng về mặt ý thức xã hội thông qua cuộc đổi mới về tư duy và cuộc giải phóng về phương diện lực lượng vật chất xã hội, mà trước hết là lực lượng sản xuất. Diễn đạt một cách khái quát rằng: Đổi mới là sự độc lập tìm ra mô hình phát triển phù hợp với tính cách riêng của Việt Nam, tức là sự tìm ra cho mình con đường tất yếu trong con đường thời đại tất phải đi một cách phù hợp với đất nước và điều kiện quốc tế.

Càng kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, càng xuất phát từ chính mình và thời đại, càng độc lập và sáng tạo, chúng ta càng nhiều cơ hội và khả năng tìm thấy con đường và phương pháp giải quyết thành công những vấn đề khó khăn, phức tạp. Đó là linh hồn, phương châm và phương pháp của công cuộc đổi mới mà khởi đầu từ giải phóng tư duy và kiên trì chuyển thành hành động của toàn thể dân tộc.

Trước sự đổ vỡ một bộ phận lớn của hệ thống XHCN thế giới và trước cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước, việc nhận thức mục tiêu, con đường đưa đất nước tiến lên và việc xác định đúng mô hình, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một vấn đề rất quan trọng và cấp bách, là trung tâm của chủ thuyết đổi mới. Chúng ta tiếp tục khẳng định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là sự lựa chọn duy nhất đúng của cách mạng nước ta. Chủ thuyết đổi mới thêm một lần nữa phân tích rõ tính tất yếu của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo phương thức rút ngắn ở nước ta. Việc Đảng ta và Nhân dân ta kiên trì mục tiêu XHCN là nội dung rất cơ bản của công tác tư tưởng lý luận, trực tiếp thuyết phục từ trong nội bộ Đảng khi không ít người dao động và một số người khác hoang mang trước sự tan rã của các quốc gia XHCN. Mặt khác, quan trọng hơn là đập tan mọi sự cổ xúy cho chủ nghĩa tư bản, âm mưuphủ nhận tương lai chủ nghĩa xã hội thế giới của không ít thế lực trong và ngoài nước.

Những quan niệm đúng đắn và phù hợp về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trên thực tế đã chứng tỏ sức sống của nó, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới tiến lên. Đảng ta xác định mô hình xã hội XHCN mà Nhân dân ta xây dựng gồm 6 đặc trưng, tiếp tục phát triển thành 8 đặc trưng và con đường để thực hiện gồm 7, tiến tới 8 phương hướng cơ bản; xử lý vấn đề tính quy luật gồm 8 mối quan hệ lớn (2011), tiến tới 10 mối quan hệ chiến lược (2016)... Đặc biệt, ở đây cần nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc tuân theo những quy luật phổ biến của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta khéo áp dụng chúng, cân nhắc đặc điểm của dân tộc và đồng thời xác lập những hình thức, bước đi cụ thể, với 3 khâu đột phá xung quanh các trụ cột đổi mới căn bản mang tầm chiến lược thúc đẩy công cuộc đổi mới phát triển đúng hướng và hiệu quả trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp. Đó chính là sự thể hiện phương pháp tư duy biện chứng mác-xít trong khi không được xa rời cái chung, cái phổ biến đồng thời phải nhận rõ cái đặc thù, cái riêng và đây chính là cơ sở của mọi sự sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta. Đến lượt nó, đây cũng chính là cơ hội, là môi trường đồng thời là thử thách, là trọng trách đối với Đảng ta trong việc kiên định, trung thành và độc lập, sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.

Dư luận quốc tế đánh giá: “Bất chấp những lời tuyên bố của chủ nghĩa đế quốc về “sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản” cách đây vài năm, ngày nay điều này càng rõ ràng là lý tưởng cộng sản vẫn rất sống động, vẫn có những nước như Việt Nam đang kiên trì đường hướng XHCN, có các lực lượng chính trị quan trọng trên tất cả các lục địa đang hướng tới việc xây dựng một xã hội mới không có người bóc lột người như là một mục đích thiết yếu của nền văn minh loài người”(3).

Đó là một trong những nét cơ bản nhất làm nên giá trị lịch sử của chủ thuyết đổi mới.

Với tất cả sự nỗ lực của Đảng và nhân dân ta, sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một đóng góp vào việc thúc đẩy chủ nghĩa xã hội khoa học phát triển độc lập ở Việt Nam, bằng phương pháp góp phần bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Các Mác ở thời mình không thể có được.

Đó chính là nét đặc sắc, là nguồn sức mạnh của chủ thuyết đổi mới.

(1) Nguyễn Phú Trọng: Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Báo Nhân dân, số ra ngày 31.1.2024, tr.1.

(2) U-cô-i-chi-ô: Đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là con đường phù hợp với thực tế Việt Nam, Báo Nhân dân, số ra ngày 21.4.2001, tr.6.

(3) Lời chào mừng Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.100.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/bai-1-xay-dung-va-phat-trien-chu-thuyet-doi-moi-xa-hoi-chu-nghia-i375041/