BÀI 1: Yếu tố 'sống còn'

Câu chuyện lao động ở các doanh nghiệp nói riêng và nguồn nhân lực cho chặng đường sắp tới cần một lời giải hữu hiệu, nhất là trong bối cảnh lao động được xác định là một trong những khâu đột phá của tỉnh Tiền Giang.

Lực lượng lao động lớn nhưng vẫn chưa tương đồng với chất lượng là vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh tỷ lệ lao động có tay nghề cao còn ở mức khiêm tốn so với nhu cầu tuyển dụng. Nâng cao chất lượng đào tạo là bước đi cần thiết đối với nguồn nhân lực trong bối cảnh tỉnh Tiền Giang cùng cả nước không ngừng hội nhập và thích ứng với “câu chuyện 4.0”.

NHU CẦU LỚN

Nguồn lực lao động, nhất là lao động có tay nghề đang là yếu tố mang tính “sống còn” nhằm góp phần đưa các dự án đầu tư phát huy hiệu quả nhanh và bền vững, nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang diễn ra và tác động lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Nếu nhìn thực tế một cách tổng thể về yếu tố nguồn lực lao động thì chất lượng lao động của Tiền Giang thời gian qua có nhiều thay đổi, khả năng tiếp cận nhanh với cái mới, đi cùng với tính kỷ luật và siêng năng. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư an tâm khi tuyển dụng lao động của Tiền Giang. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng là một trong những thước đo để đánh giá chất lượng nguồn lực lao động của Tiền Giang.

Chất lượng nguồn lực lao động là điều mà các cơ sở đào tạo đang hướng đến.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách công bằng là trong xu thế phát triển và hội nhập, nhất là trong giai đoạn thu hút nhiều dự án đầu tư, nguồn lực lao động trên địa bàn Tiền Giang cũng dần trở nên thách thức. Về khía cạnh này, trao đổi với chúng tôi gần đây, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng cho rằng, trải nghiệm thực tế vừa qua cho thấy, Tiền Giang không còn dồi dào về yếu tố số lượng lao động, nhất là lao động có chuyên môn cao, chưa kể việc tuyển dụng lao động phổ thông thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. “Trong thời gian tới, chắc chắn nguồn lực lao động phục vụ cho các doanh nghiệp, nhất là khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, cũng cần được tính toán và đào tạo chuyên sâu hơn” - ông Đạo cho biết.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng và hướng vào chất lượng hơn. Thống kê gần đây của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, những năm gần đây, mỗi năm nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh khoảng 10.000 người; trong đó các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển dụng hơn 65%.

Chưa kể, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, chuyên môn ngày càng tăng. Còn theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang và các cơ quan chuyên môn, dự kiến trong năm 2021 và những năm tiếp theo các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng khoảng 15.000 lao động, trong đó lao động có chuyên môn chiếm khoảng 25% và tăng dần đến khoảng 35%. Nhu cầu tuyển dụng sẽ tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp đi vào hoạt động thuộc Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước) ở các lĩnh vực: Dệt, điện tử, cơ khí, sản xuất thực phẩm… Chưa kể, các khu, cụm công nghiệp còn lại tiếp tục tuyển dụng lao động bổ sung thay thế ở các lĩnh vực như: May giày da, túi xách, chế biến nông sản…

ĐI VÀO CHẤT LƯỢNG

Nhìn nhận một cách công bằng để phân tích, nguồn lực lao động của Tiền Giang đã thay đổi đáng kể, điều này đi cùng với xu hướng hội nhập và phát triển, nhất là nhu cầu của các doanh nghiệp không ngừng thay đổi theo hướng tăng. Đi cùng với xu hướng này, chất lượng đào tạo từ các trường, trung tâm cũng được dịch chuyển theo hướng tích cực để thích ứng với xu thế chung.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận một cách tổng thể, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đối với nguồn lực chất lượng cao vẫn luôn cần lời giải một cách hiệu quả hơn. Bằng chứng là chỉ số Đào tạo lao động, một trong những thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tiền Giang trong 5 năm liên tục gần đây vẫn còn nhiều khía cạnh để đánh giá. Bởi thực tế, theo báo cáo của PCI, chỉ số Đào tạo lao động của Tiền Giang đều có sự thay đổi qua hằng năm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức tương đối thấp.

Cụ thể, nếu như năm 2016 chỉ số này đạt 5,40 điểm, sang năm 2017 và 2018 đạt 6,01 điểm, đến năm 2018 có tăng chút ít lên 6,08 điểm nhưng đến năm 2020 vừa qua chỉ đạt 5,49 điểm. Đào tạo lao động là chỉ số thường nằm ở nhóm có điểm số thấp trong 10 chỉ số thành phần cấu thành PCI hằng năm của Tiền Giang. Tất nhiên, PCI cũng là chỉ số mang tính tham khảo nhưng ít nhiều cũng có nhiều khía cạnh để lưu tâm.

Thật ra, vị trí PCI của Tiền Giang nói chung và chỉ số Đào tạo lao động nói riêng khó thay đổi nhanh, một phần là do điểm số hằng năm của Tiền Giang đạt được tương đối thấp nhưng phần lớn cũng do sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tỉnh, thành khác trong cả nước. Điểm đáng chú ý trong PCI của Tiền Giang là có một số chỉ số thành phần có điểm số tương đối thấp và kéo dài nhiều năm, chẳng hạn: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động hay Tính năng động của chính quyền tỉnh…

Thực tế cho thấy, Tiền Giang phấn đấu cải thiện PCI nói chung hay chỉ số Đào tạo lao động nói riêng, thì các tỉnh, thành khác cũng cố gắng thay đổi hình ảnh. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao PCI của Tiền Giang những năm gần đây thay đổi không đáng kể. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cũng rất khó so sánh về mặt thứ hạng PCI giữa các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Bởi lẽ Tiền Giang, đặc biệt là TP. Mỹ Tho, có lịch sử hình thành lâu dài, với hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nên đòi hỏi của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng “khắt khe” hơn so với các tỉnh, thành khác trong khu vực.

Phân tích nhiều yếu tố tác động để thấy rằng, chuẩn bị nguồn lực lao động, nhất là lao động có tay nghề cao cho chặng đường tới không phải thực hiện được trong ngày một ngày hai mà là cả một quá trình. Tất nhiên, đó cũng chỉ là yếu tố lao động phục vụ cho các doanh nghiệp trong nước, chưa kể đến yếu tố xuất khẩu lao động. Bởi Tiền Giang cũng đã và đang tính tới bài toán đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bởi thế, Tiền Giang xác định nguồn lực lao động là một trong những khâu đột phá cho chặng đường tới nhằm hướng đến hiện thực hóa các mục tiêu đã được đặt ra.

Nắm bắt xu hướng và nhu cầu từ các doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo lao động trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng dịch chuyển để thích ứng. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, trong năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đào tạo 15.458 sinh viên, học sinh và học viên. Kết quả thực tế, có đến 89% sinh viên các trường cao đẳng sau khi tốt nghiệp có việc làm, với mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng; khoảng 80% học sinh các trường trung cấp sau khi tốt nghiệp có việc làm, với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng… Trong chặng đường sắp tới, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh sẽ hướng đến chất lượng đào tạo và tiệm cận với nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động.

T.T
(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202104/tim-loi-giai-cho-bai-toan-lao-dong-bai-1-yeu-to-song-con-924266/