Bài 11: Bí quyết nào tăng tỷ lệ có thai ở phụ nữ hiếm muộn?
Với sự phát triển của y học hiện đại, đã có rất nhiều phương pháp giúp làm tròn tổ ấm của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, cũng có những gia đình cứ mãi ngược xuôi, vất vả nhưng chưa tìm thấy thiên thần nhỏ của mình. GS.TS. Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia, chuyên gia hàng đầu về vô sinh, hiếm muộn - tiết lộ những bí quyết giúp chóng hoàn thành tâm nguyện của những gia đình còn khuyết thiếu.
Tìm những bác sĩ có chuyên môn
Để giúp các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có con, vai trò của bác sĩ điều trị rất quan trọng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến người vợ bị vô sinh, đặt ra yêu cầu cho bác sĩ điều trị phải có tư duy tổng hợp, kiến thức rộng để tìm ra các nguyên nhân đó, đồng thời, áp dụng thành thạo nhiều kỹ thuật để mang lại kết quả tốt, giảm kinh phí chữa trị xuống tối thiểu.
Trong trường hợp bác sĩ không có khả năng tư duy tổng hợp mà chỉ nhìn nhận phiến diện, thì khó có thể có con, không nhận được kết quả điều trị như mong muốn.
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến chia sẻ, tại một số trung tâm điều trị vô sinh hiếm muộn, có tình trạng những bác sĩ điều trị vô sinh chỉ chuyên môn ở một lĩnh vực cụ thể: Có người cũng chữa vô sinh nhưng chỉ biết thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, có người lại chỉ biết phẫu thuật chữa tắc vòi trứng, một số chỉ biết phòng, chống viêm nhiễm cho người vợ…
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến chia sẻ niềm vui với gia đình hiếm muộn khoảnh khắc đón đứa con thân yêu đầu tiên chào đời.
"Điều này khiến cho một số bác sĩ gặp sai lầm trong điều trị, nguyên nhân gây vô sinh ở một nơi thì bác sĩ chữa một nẻo, hoặc, cứ làm được cái gì thì mang kỹ thuật đó ra áp vào cho bệnh nhân, dẫn đến sai lầm khiến bệnh nhân tốn kém về tiền của mà vẫn không có con” – bác sĩ Nguyễn Viết Tiến nói.
Để điều trị vô sinh hiệu quả, các bác sĩ nên thành thạo nhiều kỹ thuật điều trị, từ đó có thể cân nhắc, lựa chọn giải pháp phù hợp với bệnh nhân.
Tránh cách điều trị phi khoa học
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến chia sẻ, một số bác sĩ điều trị vô sinh cần loại bỏ ngay thói quen yêu cầu bệnh nhân chi tiền sử dụng kỹ thuật này, chỉ định kỹ thuật kia khi chỉ mới bước vào điều trị vô sinh. Theo GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, đây là cách làm phi khoa học.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Có nhiều người chưa tìm hiểu, chưa thăm khám gì để tìm hiểu nguyên nhân gây vô sinh đã chỉ định cho bệnh nhân đi mổ, đi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Việc này khiến cho hiệu quả điều trị thấp, chỉ định chưa phù hợp, thậm chí có thể gây hại cho người bệnh”.
Chuẩn bị kỹ càng về thể chất và tinh thần cho người vợ
Cặp vợ chồng chữa vô sinh hiếm muộn hạnh phúc bên đứa con đầu lòng
Trong điều trị vô sinh, tâm lý của người vợ rất quan trọng, có thể ảnh hưởng tới kết quả điều trị. Khi người phụ nữ quá áp lực về vấn đề có con, mang thai, tỷ lệ điều trị thành công giảm đi nhiều lần. Ngược lại, khi có tâm lý thoải mái, tin tưởng vào phương pháp điều trị, người vợ có tỷ lệ mang thai thành công cao hơn.
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến lấy ví dụ về nhiều cặp vợ chồng vất vả ngược xuôi tới trung tâm để thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần nhưng đều thất bại vì có áp lực tâm lý quá lớn xung quanh việc mang thai. Song, đến khi người vợ buông bỏ được áp lực đó, có tâm lý thoải mái, thực hiện điều trị mà không lo lắng về kết quả thì có tin vui báo về.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng cần đồng hành cùng gia đình giúp người mẹ đủ điều kiện sức khỏe để mang thai, chuẩn bị niêm mạc tử cung của người mẹ để thai dễ làm tổ. Trong trường hợp thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc chống đông máu nếu người mẹ có phản ứng đào thải hoặc bị rối loạn đông máu.