Bài 12: Ni trưởng Thích Đàm Xuân - người 'mở tung cửa chùa đi cứu nước'
Trong những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, hình ảnh một vị ni trưởng áo nâu, tay ôm bình nước, vai gánh lá dừa đi ngụy trang trận địa chẳng khác nào một chiến sĩ tiền tuyến đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của tinh thần 'Phật pháp bất ly thế gian pháp'. Đó chính là Ni trưởng Thích Đàm Xuân - bậc chân tu lấy đạo tâm làm nền tảng cho tình yêu nước, lấy cửa thiền làm nơi tiếp sức cho kháng chiến. Tấm gương sáng của Ni trưởng là minh chứng cho chân lý: Người tu chân chính là người biết phụng đạo, yêu nước, gắn đạo với đời.
Từ chốn quê nghèo đến cõi đạo thiêng
Ni trưởng Đàm Xuân, thế danh Nguyễn Thị Chuôm, sinh ngày 16 tháng 5 năm Quý Sửu (1913) tại xóm Đa, xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Sinh trưởng trong gia đình Nho học có truyền thống đạo lý, cô gái út trong gia đình có 5 người con ấy sớm hấp thụ nền tảng nhân văn, đạo nghĩa từ thuở thiếu thời. Trong cái nôi của quê hương xứ Thanh đầy khí phách, truyền thống yêu nước và đạo lý Tam giáo đồng nguyên đã sớm thắp lên trong tâm hồn cô gái trẻ niềm tin cùng khát vọng hướng thiện, hướng Phật.
Năm 1933, ở tuổi 20, giữa thời kỳ đất nước còn chìm trong ách nô lệ thực dân, Nguyễn Thị Chuôm quyết chí xuất gia và tìm đến chùa Mật Đa - ngôi cổ tự nằm bên dòng sông Mã, nơi Ni sư Thích Đàm Mão đang trụ trì. Được đón nhận làm đệ tử, cô mang pháp danh là Thích Đàm Xuân, chính thức bước vào con đường tu học, gieo duyên cùng Phật pháp. Không chỉ chuyên tâm tu hành, ni sư còn cần mẫn học giới luật, hành trì kinh kệ, phụng sự Tam bảo; cùng năm thọ giới Sa Di Ni tại chùa Hương Quang - một danh lam linh thiêng của xứ Thanh và chỉ 1 năm sau đã thọ giới Tỳ kheo ni tại chính nơi này - điều rất hiếm trong bối cảnh lúc bấy giờ khi giới đàn vô cùng khó lập, đặc biệt là với ni giới.
Từ giây phút ấy, Ni sư Đàm Xuân đã gắn bó trọn đời với chùa Mật Đa và mảnh đất Nam Ngạn - nơi những tiếng chuông chùa không chỉ vang vọng lời kinh, mà còn ngân lên khúc tráng ca cứu nước.

Huân chương Kháng chiến hạng Nhất do Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Võ Chí Công trao tặng Ni trưởng Đàm Thị Xuân (Đàm Xuân) ngày 05/8/1988
Vị sư của thời đại
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã khắc ghi biết bao trang sử hào hùng, trong đó vùng đất Hàm Rồng - Nam Ngạn (Thanh Hóa) trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của Không quân Mỹ. Từ năm 1965, những trận bom rải thảm đã trút xuống nơi đây nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược từ Bắc vào Nam.
Giữa lúc muôn vàn gian khó ấy, chùa Mật Đa không chỉ là nơi nương náu tâm linh mà còn trở thành hậu cứ kháng chiến. Dưới sự hướng dẫn của Ni trưởng Đàm Xuân, ngôi chùa hóa thành hầm chỉ huy của Dân quân tự vệ Nam Ngạn, là kho chứa đạn và trung tâm sơ cứu thương binh của Mặt trận Hàm Rồng. Mỗi góc sân, gian chùa đều là trạm tiếp sức cho quân dân đánh giặc.
Ni trưởng Đàm Xuân - người được ví như "mẹ hiền của các chiến sĩ” luôn có mặt ở những nơi gian khó nhất. Bà hái dừa, chặt chuối, rút lá ngụy trang cho khí tài, gà nuôi được đều để dành lo cho bếp ăn bộ đội. Có lúc thiếu bông băng cứu thương, chính tấm màn bà đang dùng cũng được xé ra để băng bó cho chiến sĩ. Tình thương ấy đã vượt qua mọi tôn giáo, biên giới, đẳng cấp. Hành động thầm lặng ấy đã lay động trái tim nhiều người. Nhà thơ Huy Cận trong lần vào thăm Nam Ngạn năm 1961 đã xúc động thốt lên: "Một nhà sư mở tung cửa chùa đi cứu nước" - lời ngợi ca ấy chính là tấm huân chương cao quý nhất của dân tộc dành cho một bậc chân tu.
Đạo pháp gắn với dân sinh - tâm nguyện không lời
Không chỉ đóng góp công sức trong kháng chiến, Ni trưởng Đàm Xuân còn là tấm gương sáng trong công cuộc phụng sự xã hội. Từ năm 1955 - 1964, bà là Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa suốt 3 khóa liền; giai đoạn 1963 - 1980, bà đảm nhiệm vai trò đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Mỗi nơi bà đi qua, mỗi công việc bà nhận lãnh đều được xem là Phật sự - phương tiện hoằng dương chánh pháp và góp sức dựng xây đất nước.
Từ năm 1981, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, Ni trưởng được giao giữ chức Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương. Sau đó, bà đảm nhiệm vai trò Phó ban Đại diện Phật giáo tỉnh Thanh Hóa (1983) và tiếp tục làm Phó ban Trị sự khi cơ cấu chính thức hình thành (1984). Ở đâu có Phật sự, có người cần giúp đỡ, bà đều xuất hiện. Khi phật tử cần tu học, bà tổ chức lớp giảng giới. Thấy chùa chiền hoang phế, bà huy động kinh phí và nhân lực xây dựng, sửa sang. Từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến người dân, ai cũng quý trọng sự cống hiến tận tụy, không màng danh lợi của bà.


Bia mộ và Mật Đa bảo tháp thờ Ni trưởng Thích Đàm Xuân tại chùa Mật Đa, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa
Chính vì thế, những phần thưởng cao quý đã lần lượt đến với Ni trưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất do Chủ tịch nước Võ Chí Công trao tặng năm 1988; Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Nhân dân và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, chính Ni trưởng lại xem đó là phần thưởng dành cho Tam bảo, bởi với bà, cuộc sống là để phụng sự. Mỗi lần được vinh danh, bà chỉ nhẹ nhàng nói: "Công đức là vô tướng, mọi việc ta làm đều là duyên, là trách nhiệm của người con Phật".
Một đời hạnh nguyện, một kiếp viên thành
Không chỉ gánh vác trách nhiệm hoằng pháp, Ni trưởng còn là người ươm mầm cho tương lai Phật giáo tỉnh nhà. Bà đã thế độ cho nhiều đệ tử, trong đó có Ni cô Thích Nữ Đàm Chung - người kế nghiệp, tiếp nối dòng pháp và giữ vững ngọn đèn chánh pháp tại chùa Mật Đa.
Trong sơn môn, Ni trưởng là bậc trưởng thượng gương mẫu. Với tông phong tổ nghiệp, bà dốc tâm trùng tu, tôn tạo chùa Mật Đa trở thành nơi thờ tự uy nghiêm, vững chãi giữa lòng Nam Ngạn. Những cây dừa do bà trồng, các pho tượng được bà cung tiến, những gian thờ được bà tái thiết... tất cả đều mang dấu ấn tâm huyết của một đời cống hiến.

Giáo chỉ tấn phong giáo phẩm cho Ni trưởng Thích Đàm Xuân
Hơn 60 năm tận tụy với đạo pháp, Ni trưởng không màng danh lợi, chỉ miệt mài trên con đường Bồ Tát đạo - sống giữa đời mà không nhiễm đời, hoằng pháp mà không phô trương, ẩn danh nhưng luôn sáng ngời.
23 giờ 05 phút ngày 25/11/2000, Ni trưởng Thích Đàm Xuân nhẹ nhàng xả bỏ thân tứ đại, an nhiên thị tịch tại chùa Mật Đa, trụ thế 88 năm, hạ lạp 45 tuổi.
Giây phút ấy không chỉ là sự ra đi của một vị ni trưởng, mà là sự khép lại của một thiên truyện về lòng yêu nước, đạo tâm và sự hy sinh thầm lặng. Bia mộ và bảo tháp thờ Ni trưởng tại chùa Mật Đa hôm nay không chỉ là nơi tưởng niệm, mà còn là điểm hương trầm cho muôn người quy kính, là nơi chốn lưu giữ một phần hồn cốt của đất Thanh - linh thiêng và bất khuất.
Ni trưởng Thích Đàm Xuân - bậc nữ lưu chân tu giữa thời đại loạn ly đã sống vẹn đạo, trọn đời. Cuộc đời bà là bản kinh sống động, là bài học đạo đức cho thế hệ hôm nay và mai sau. Trong lòng những người dân Nam Ngạn và ký ức của những chiến sĩ từng được bà chăm sóc, với Phật giáo tỉnh nhà, bóng dáng Ni trưởng vẫn còn đó, như một cội bồ đề che mát cho bao người, như ngọn đèn tuệ soi sáng giữa nhân gian.