Bài 12: Phát huy giá trị của danh hiệu cao đẹp
Cách đây 20 năm, ngày 16-7-1999, Hà Nội vinh dự là thành phố duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức Khoa học, Văn hóa và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu 'Thành phố Vì hòa bình' do đáp ứng các tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; xây dựng đô thị; giữ gìn môi trường sống; thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục; chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Trong suốt 20 năm qua, Hà Nội vẫn không ngừng vươn lên, phát huy giá trị của danh hiệu, đưa hình ảnh Thủ đô đến với bạn bè quốc tế.
Hà Nội luôn cuốn hút du khách quốc tế bởi sự hài hòa giữa năng động và vẻ đẹp bình yên.
Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản tại Thủ đô Hà Nội.
Ảnh: Thành Nguyễn
Điểm đến tin cậy
Là thủ đô của một đất nước từng chịu nhiều đau thương và mất mát do chiến tranh tàn phá, Hà Nội đã vượt qua khó khăn, thử thách để khẳng định vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đầu tàu về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Trong quá trình phát triển đó, thành phố đã quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng về đẩy mạnh hội nhập, củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Hà Nội hiện đã có quan hệ hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố trên thế giới, là thành viên chính thức, năng động và có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế lớn như: Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ XXI, Hiệp hội Các thành phố lớn trên thế giới, Mạng lưới các thành phố thông minh.
Hiệu quả hợp tác không ngừng được nhân lên thông qua các diễn đàn về thương mại, đầu tư, phát triển, du lịch..., với nhiều đối tác quốc tế. Tính đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thị trường xuất khẩu của Hà Nội đã mở rộng ra 187 khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan trung ương, Hà Nội đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, hậu cần, an ninh…, đón tiếp chu đáo và trọng thị nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn đại biểu cấp cao các nước thăm chính thức nước ta; đồng thời tích cực tham gia và đóng góp vào thành công của nhiều sự kiện quốc tế quan trọng diễn ra tại Hà Nội, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập và nâng cao vị thế đất nước.
Dấu mốc kỷ niệm 20 năm danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” càng có ý nghĩa đặc biệt khi cuối tháng 2 vừa qua, Hà Nội trở thành nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, gánh vác sứ mệnh cầu nối cho một trong những tiến trình hòa bình quan trọng nhất lịch sử nhân loại. Hàng loạt tờ báo quốc tế uy tín nhận định, việc Mỹ và Triều Tiên chọn Hà Nội khẳng định thành phố đã tạo được sự tin tưởng tuyệt đối về an toàn, an ninh.
Ấn tượng với điều này, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi cho biết, so với 20 năm trước, Hà Nội đã mở rộng diện tích cũng như dân số, song đã kết hợp thành công sự đa dạng văn hóa, phát triển kinh tế mạnh mẽ và bảo đảm an sinh xã hội.
“Nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao lớn đã diễn ra ở thành phố này. Đây là bằng chứng cho thấy sự công nhận và đánh giá cao từ bạn bè quốc tế đối với Hà Nội”, Đại sứ Ibnu Hadi nhấn mạnh.
Dấu ấn đặc biệt với bạn bè quốc tế
Với cựu Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier - người đã thực hiện bộ phim “Hà Nội của tôi” như một món quà dành tặng thành phố mà ông vô cùng yêu mến sau 4 năm sống và làm việc ở Hà Nội (2012-2016), Hà Nội đặc biệt bởi luôn hài hòa giữa sự năng động và vẻ đẹp bình yên của “Thành phố Vì hòa bình”.
Chia sẻ tình cảm đó, cựu Đại sứ Italia Cecilia Piccioni cũng từng “phải lòng” Hà Nội ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhận nhiệm kỳ tại Việt Nam từ tháng 4-2015, nhà ngoại giao Italia đã cảm nhận được sự gần gũi với đất Thăng Long.
“Điều đặc biệt ở Hà Nội mà không phải thành phố Đông Nam Á nào cũng có được, đó là sự thanh bình. Tôi có thể tự mình đi lang thang khắp khu phố cổ và ngó nghiêng bất kỳ cửa hàng nào mình thích”, bà Cecilia Piccioni chia sẻ.
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lệ Thủy
Sự hiện đại của một đô thị đang hội nhập mạnh mẽ và cổ kính hơn 1.000 năm tuổi đã tạo cho Hà Nội nét hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch quốc tế. Số lượng khách nước ngoài tới thăm thành phố không ngừng tăng mỗi năm.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, năm 2018, khách du lịch quốc tế từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ thăm Hà Nội, đạt 6 triệu lượt (tăng 21,3% so với năm 2017). 6 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Hà Nội là 3,3 triệu lượt, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội được bình chọn xếp thứ 12/25 điểm đến tốt nhất thế giới năm 2018; là một trong hai thành phố của Việt Nam lọt vào danh sách hàng đầu thế giới về lượng phòng du khách đặt trước năm 2018 và được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới đề cử là một trong 17 ứng viên vào hạng mục bình chọn “Điểm đến hàng đầu thế giới 2018”.
Thành quả này đạt được phần lớn là nhờ chính sách ngoại giao năng động và chủ trương quảng bá rộng rãi hình ảnh Thủ đô. Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội (HAUFO), bà Trần Thị Phương cho biết, việc mở rộng giao lưu giữa nhân dân Thủ đô và bạn bè các nước đã trở thành trọng trách và niềm vinh dự của những người làm công tác đối ngoại nhân dân.
“Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, bạn bè quốc tế đã thêm hiểu biết về di tích, danh lam thắng cảnh, con người Hà Nội, góp phần tăng cường tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam, nhân dân Hà Nội với bạn bè quốc tế”, bà Trần Thị Phương nói.
Sau chặng đường 20 năm nhiều dấu ấn, thời gian tới, lãnh đạo và người dân Hà Nội xác định tiếp tục chủ động, sáng tạo để thành phố củng cố vị thế là một trong những địa phương đi đầu trong công tác đối ngoại. Điều đó sẽ giúp thúc đẩy thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, du lịch..., đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, giữ vững danh hiệu cao quý “Thành phố Vì hòa bình”.