Bài 16: Sư Thích Thiện Chiếu và hào quang của từ bi giữa ngục tù đế quốc

Từ ngôi chùa nhỏ trên đất Gò Công…

Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, thế danh Nguyễn Văn Tài, còn được biết đến với bút hiệu Xích Liên. Sinh năm 1898 tại xã Long Hựu, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, ông là hậu duệ của một dòng tộc có truyền thống yêu nước và tôn sùng đạo Phật, ông nội là Hòa thượng Huệ Tịnh - một nghĩa quân từng theo Trương Định khởi nghĩa chống Pháp. Sau khi khởi nghĩa thất bại, Hòa thượng Huệ Tịnh lập chùa Linh Tuyền (dân gian gọi là chùa Cả Chốt) làm nơi tu hành và chiêu mộ hiền tài.

Từ nhỏ, cậu bé Giảng (tên khai sinh của Hòa thượng Thích Thiện Chiếu) đã được ông nội dẫn dắt vào con đường tu học và trong khung cảnh đồng bằng châu thổ yên bình, giữa tiếng mõ vang xa, cậu sớm tỏ ra thông minh, trí tuệ cùng lòng từ mẫn khác thường; 16 tuổi đã thông tường Hán học và Quốc ngữ, giảng kinh, dạy chữ cho dân làng, tiếp xúc với nhiều chí sĩ yêu nước, trong đó có cả cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Sắc đã tặng ông quyển Từ điển Pháp - Việt và căn dặn rằng: "Muốn đánh đuổi được giặc phải hiểu giặc".

Lời khuyên ấy như hạt giống gieo vào mảnh đất tâm hồn của một chú tiểu trẻ tuổi. Từ đó, Thiện Chiếu không chỉ học đạo mà còn học đời để hiểu dân tộc mình, kẻ thù của mình và trách nhiệm mà một người con Phật phải gánh vác giữa cơn nguy biến của đất nước.

.. Đến người truyền lửa cho phong trào chấn hưng Phật giáo

Năm 1923, sư Thiện Chiếu lên Sài Gòn, được thỉnh làm trụ trì chùa Linh Sơn. Nơi đây không chỉ là cơ sở Phật giáo mà còn trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục và Cách mạng. Ông chủ trương "Phật pháp không lánh đời", khuyến khích tăng ni học hỏi ngũ minh, nhập thế hành đạo. Không chấp nhận kiểu tu hành yếm thế, ông đả phá những hình thức mê tín dị đoan, ru ngủ quần chúng, mạnh dạn tuyên bố: "Con rắn không thay da thì không thể sống mãi. Tinh thần không thể biến đổi nữa cũng không còn là tinh thần".

Không dừng ở lời nói, sư Thiện Chiếu lập Hội Phật học kiêm tế, mở các lớp dạy học, in kinh sách, dịch thuật, xuất bản Tạp chí Tiến hóa, cùng các vị như: Hòa thượng Khánh Hòa, Thiện Niệm, Chơn Huệ... khởi xướng Phong trào chấn hưng Phật giáo. Năm 1927, ông được cử ra miền Bắc xúc tiến việc thống nhất Phật giáo toàn quốc - một việc lớn lao lúc bấy giờ, nhưng chưa thành công do những khó khăn khách quan.

Mặc dù vậy, ông không nản lòng. Trở về Nam, ông tiếp tục truyền lửa. Tại chùa Linh Sơn, rồi đến Hạnh Thông Tây (Gò Vấp), ông tổ chức thuyết giảng, mở Thư viện Phật học, phát hành Tập san Phật hóa tân thanh niên, kêu gọi tăng ni nhập thế, học hành và gánh vác trách nhiệm dân tộc.

Vị sư đầu tiên đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản

Cuộc sống của sư Thiện Chiếu là sự hòa quyện giữa từ bi và đấu tranh. Năm 1928, sau nhiều năm tiếp xúc với các nhà Cách mạng, ông giác ngộ lý tưởng Mác - Lênin, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đến năm 1930, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam - vị sư đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản.

Từ đây, sư Thiện Chiếu là nhịp cầu nối giữa đạo pháp và Cách mạng. Ông dùng chùa làm nơi tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, tổ chức các buổi học chính trị trá hình qua những lớp giáo lý, phát động tăng ni, phật tử ủng hộ kháng chiến, mở cô nhi viện nuôi dưỡng trẻ mồ côi - vừa là tổ chức nhân đạo vừa là cơ sở Cách mạng.

Năm 1936, ông về Rạch Giá, cùng Hòa thượng Trí Thiền thành lập Hội Phật học kiêm tế tại chùa Tam Bảo, vừa thực hiện công tác xã hội như nuôi cô nhi, dạy học, vừa là tổ chức tiến bộ hoạt động bí mật dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chùa Linh Sơn, Quận 1, TPHCM, nơi Hòa thượng Thích Thiện Chiếu trụ trì và hoằng pháp

Chùa Linh Sơn, Quận 1, TPHCM, nơi Hòa thượng Thích Thiện Chiếu trụ trì và hoằng pháp

Không ai ngờ một nhà sư lại đứng đầu xưởng sản xuất vũ khí. Nhưng năm 1940, tại chùa Tam Bảo, sư Thiện Chiếu đã cùng đồng đạo lập xưởng chế tạo vũ khí hưởng ứng khởi nghĩa Nam Kỳ. Bị địch phát hiện, ông thoát về Sài Gòn, nhưng đến năm 1943 lại bị bắt đày ra Côn Đảo. Trong địa ngục trần gian ấy, ông bị tra tấn đến bại liệt, nhưng tinh thần vẫn sáng suốt, tiếp tục tụng kinh, thuyết pháp, dạy chữ cho bạn tù.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được đón về đất liền, tham gia Ủy ban Hành chính - Kháng chiến tỉnh Gò Công, rồi công tác tuyên huấn tại các chiến khu 7, 8, 9. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, giữ vai trò chuyên viên nghiên cứu tại Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và từng làm Trưởng ban dịch thuật của Nhà xuất bản Ngoại văn tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Năm 1974, ông viên tịch tại Hà Nội, thọ 76 tuổi. Năm 1993, hài cốt của Hòa thượng Thích Thiện Chiếu được hỏa táng và đưa về tôn trí tại chùa Pháp Hoa, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - nơi ghi nhớ công lao của bậc chân tu yêu nước.

Người để lại ánh sáng cho nhiều thế hệ

Di sản để lại của sư Thích Thiện Chiếu không chỉ là đời sống cao quý mà còn là một kho tàng trí tuệ. Hơn 10 tác phẩm của ông còn lưu lại, tiêu biểu như: Phật hóa tân thanh niên, Chân lý của Đại thừa và Tiểu thừa Phật giáo, Tại sao tôi cám ơn đạo Phật, Phật học vấn đáp, Phật giáo và Vô thần luận, Kinh Lăng Nghiêm (dịch), Kinh Pháp Cú (dịch)...

Ông không đơn thuần là người truyền bá kinh điển, mà là người gieo tư tưởng. Mỗi trang viết của ông đều mang tinh thần cấp tiến, khơi mở, đặt lại mối quan hệ giữa đạo pháp và dân tộc, giữa tín ngưỡng và trách nhiệm xã hội.

Giữa những biến thiên của lịch sử, người đời dễ quên đi ánh lửa đầu tiên. Nhưng Hòa thượng Thích Thiện Chiếu chính là ngọn lửa ấy - soi đường cho Phong trào chấn hưng Phật giáo, mở lối cho hàng ngũ tu sĩ yêu nước và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ dấn thân vì nhân sinh và dân tộc.

Ngày nay, mỗi khi nhắc đến phương châm "Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc", chúng ta không thể không tưởng nhớ vị hòa thượng đã sống và dấn thân trọn vẹn cho lý tưởng đó - bằng hành động, bằng máu thịt, bằng trí tuệ và cả sự hy sinh thầm lặng.

Cuộc đời Hòa thượng Thích Thiện Chiếu là sự kết tinh của ba phẩm chất: trí tuệ của một bậc chân tu, lòng yêu nước của một người con dân tộc và hành động quả cảm của một chiến sĩ Cách mạng. Ông đã chứng minh rằng: "Người tu không chỉ biết cắm hoa, tụng kinh mà còn biết đổ máu vì Tổ quốc".

Giữa lòng dân tộc, giữa nẻo đạo và đời có một bậc thầy - một nhà sư - một người Cộng sản, đó là Hòa thượng Thích Thiện Chiếu. Ngọn đèn tuệ mà ông thắp lên vẫn còn soi sáng đến hôm nay!

Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Thanh Phương - Tiến sĩ Bùi Hữu Dược - Đại đức Thích Minh Hải - Trần Ngọc Thoan

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/bai-16-su-thich-thien-chieu-va-hao-quang-cua-tu-bi-giua-nguc-tu-de-quoc_178325.html