Bài 2: Bảo tồn, phát triển gắn với tuyên truyền, quảng bá
ĐBP - Là tỉnh có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận, xếp hạng. Với mỗi di sản được công nhận, Điện Biên lại có thêm cơ hội được bạn bè trong và ngoài nước biết đến, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội. Xác định công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa tới cộng đồng trong nước và quốc tế là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều hoạt động tích cực để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng.Bài 1: Nỗ lực bảo tồn
Học sinh Trường THCS Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) được hướng dẫn tham gia nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái tại Ngày hội sắc màu các dân tộc tỉnh Điện Biên do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuối tháng 4/2021.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, quảng bá di sản văn hóa đã được triển khai với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Như tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử, xuất bản tài liệu dịch ra nhiều thứ tiếng song ngữ Việt - Anh, Việt - Lào, Việt - Thái. Đặc biệt việc hoàn thiện bức tranh Panorama thuộc Dự án xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn II đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giới thiệu đến du khách ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông địa phương của tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương thường trú trên địa bàn cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phản ánh về công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội tới nhân dân.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, các chủ thể văn hóa tham gia trình diễn Nghệ thuật Xòe Thái tại các hoạt động, sự kiện do Trung ương, địa phương tổ chức. Như hội diễn nghệ thuật quần chúng, ngày hội đại đoàn kết các dân tộc, giao lưu văn hóa dân tộc Mông; ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch gắn với các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội hoa ban hàng năm… mang đậm bản sắc dân tộc, đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Tỉnh cũng đã thành lập câu lạc bộ bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên; câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên… Thông qua các hoạt động trình diễn, giới thiệu một số nghi lễ, lễ hội, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian đã góp phần quảng bá văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên tới công chúng trên khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế.
Đặc biệt là Điện Biên đã và đang nỗ lực đẩy mạnh giới thiệu vẻ đẹp vùng đất, con người Điện Biên, quảng bá những đặc trưng, thế mạnh về văn hóa, du lịch tỉnh Điện Biên tới người dân và du khách trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động quảng bá đa đạng, phong phú. Không thể không nhắc tới sự kiện “Những ngày Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên” được tổ chức thành công tại thành phố Hải Phòng vào cuối năm 2020 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hải Phòng tổ chức. Chương trình biểu diễn văn nghệ giới thiệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống tỉnh Điện Biên và TP. Hải Phòng vô cùng ấn tượng với sự tham gia của hơn 100 nghệ nhân, diễn viên. Các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa; triển lãm hàng trăm ảnh tư liệu, giới thiệu về chiến dịch Điện Biên Phủ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sắc màu văn hóa các dân tộc Điện Biên… thu hút đông đảo người dân thành phố cảng và khách thập phương tới tham quan. Cùng với đó, nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa của các dân tộc tỉnh Điện Biên (múa xòe, múa sạp, buộc chỉ cổ tay, mặc trang phục dân tộc, giã bánh dày, tung còn…) thu hút sự tham gia đông đảo và để lại dấu ấn trong lòng người dân thành phố cảng.
Công tác giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa cho học sinh, sinh viên cũng được ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch quan tâm, chú trọng. Trong đó các cơ sở giáo dục đã tổ chức lồng ghép trong chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa và các hoạt động tập thể cho học sinh, sinh viên về văn hóa truyền thống các dân tộc; khuyến khích học sinh tích cực tham gia hoạt động tạo cảnh quan cho di tích, trải nghiệm tại di tích và các bảo tàng. Đặc biệt 2 ngành đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và hoạt động trải nghiệm tại trường học cho học sinh, sinh viên theo chương trình phối hợp phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Tổ chức sưu tầm ca dao, dân ca; tìm hiểu và học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc, tìm hiểu văn hóa ẩm thực; tìm hiểu về cách tổ chức tết, lễ hội truyền thống, hội diễn văn nghệ, trình diễn trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian...
Cuối tháng 4 vừa qua, Bảo tàng tỉnh chủ trì phối hợp với Trường THCS Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) tổ chức thành công buổi tuyên truyền, giới thiệu về văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên và hoạt động trải nghiệm nghề thủ công truyền thống dân tộc Thái với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên” thu hút đông đảo học sinh tham gia. Trong buổi hoạt động, học sinh vừa được tham quan và lắng nghe thuyết minh, vẽ tranh… giới thiệu về văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thông qua buổi tuyên truyền giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; đồng thời tăng cường mối đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc, tránh nguy cơ mai một, thất truyền những bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, tốt đẹp trong cuộc sống đương đại. Trong khuôn khổ buổi tuyên truyền, hoạt động trải nghiệm nghề thủ công truyền thống dân tộc Thái, vẽ tranh văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên đem lại sự háo hức khám khá và nhiều học sinh tham gia trải nghiệm. Em Nguyễn Nhân Hoàng, học sinh lớp 6A1 cho biết được trải nghiệm thực tế nghề đan lát, thêu hoa văn, dệt vải của đồng bào dân tộc Thái giúp em hiểu rõ nguyên liệu, quy trình, kỹ thuật và giá trị ý nghĩa của từng sản phẩm làm ra. Hoạt động bổ ích này giúp chúng em hiểu hơn về văn hóa các dân tộc và trân quý, tự hào về văn hóa của các dân tộc sinh sống trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.