Phát triển văn hóa nhìn từ ngày hội của điện ảnh

Thông tin đạo diễn Trương Nghệ Mưu dự Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII chưa tuy chính xác, nhưng công chúng yêu mến điện ảnh đã rất hào hứng.

Nhưng, kể cả khi không được dịp giao lưu với đạo diễn lừng danh này thì công chúng vẫn sẽ được sống trong những ngày sôi động của liên hoan phim, tổ chức từ ngày 7 đến 11/11, với 42 bộ phim Việt và hơn 70 phim nước ngoài tham gia ở các hạng mục Phim dài dự thi, Phim ngắn dự thi, Chương trình toàn cảnh điện ảnh thế giới, Chương trình tiêu điểm điện ảnh Đức...

Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI thu hút 800 đại biểu với 123 bộ phim của 56 quốc gia.

Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI thu hút 800 đại biểu với 123 bộ phim của 56 quốc gia.

Được tổ chức lần đầu tiên nhân dịp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ nhất đã diễn ra từ ngày 7 đến 21/10/2010, với sự tham gia của 30 NSND của Điện ảnh Việt Nam và 500 đại biểu gồm nhiều nhà điện ảnh, nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng thế giới. Ban giám khảo gồm những chuyên gia, đạo diễn, nghệ sĩ lừng danh được thành lập, trong đó có cả đạo diễn người Australia Phillip Noyce - Trưởng Ban Giám khảo phim truyện.

Dù là lần tổ chức đầu tiên nhưng Ban tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ nhất vẫn nhận được 96 phim từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, 10 phim truyện nhựa và 12 phim tài liệu, phim ngắn dự thi. Ở liên hoan này, Điện ảnh Việt Nam cũng rất xuất sắc khi giành được 2 trong số 6 giải thưởng quan trọng nhất, đó là giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” dành cho diễn viên Nhật Kim Anh đồng hạng với Fiona Sit (Hong Kong, Trung Quốc) và giải “Phim tài liệu - phim ngắn hay nhất” dành cho bộ phim “Luôn ở bên con” của tác giả trẻ Nguyễn Thị Minh Hải.

Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội gần đây nhất là lần thứ VI tổ chức cuối năm 2022 đã trở thành sự kiện điện ảnh đặc biệt trong bối cảnh điện ảnh quốc tế và Việt Nam hồi phục sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19.

Và, dù tổ chức vào thời điểm điện ảnh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI vẫn thu hút được 800 đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự, 123 bộ phim của 56 quốc gia và vùng lãnh thổ được chiếu miễn phí cùng nhiều hoạt động.

Theo đánh giá của Trưởng Ban tổ chức lúc bấy giờ là ông Vi Kiến Thành thì Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI đã tiếp tục khẳng định “là một liên hoan phim trẻ, tràn đầy sức sống, năng động, đã có kinh nghiệm để tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, góp phần quảng bá điện ảnh Việt Nam và đưa điện ảnh thế giới đến với khán giả Việt Nam, đồng thời tạo được dấu ấn riêng của một liên hoan phim được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến”.

Với chủ đề Heritage in Motion - Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh, thể hiện thông qua các chương trình nghệ thuật độc đáo tôn vinh di sản ngàn năm của Thủ đô Hà Nội, đây sẽ là năm đầu có bài hát chủ đề được sáng tác riêng cho sự kiện - là một phần để định vị sự khác biệt, khẳng định vị thế là liên hoan phim lâu đời nhất Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành liên hoan phim quốc tế uy tín sánh ngang với một số liên hoan phim trên thế giới.

Lễ khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII cùng sự kiện thảm đỏ được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm vào tối 7/11 và truyền hình trực tiếp trên VTV và HTV, livestream trên nhiều nền tảng trực tuyến như Facebook và TikTok; lễ bế mạc sẽ có màn trình diễn ánh sáng bằng thiết bị bay không người lái, với 500 chiếc drone tạo hình những di sản văn hóa độc đáo của Hà Nội.

Đạo diễn, nhà lý luận điện ảnh Pháp Jean Epstein (1897-1953) đã viết: “Vào năm 1911 và nhiều năm sau đó, khi phim ảnh trên thực tế và lý luận còn là trò tiêu khiển cho học sinh, là phương tiện giải trí hấp dẫn, thì Canudo đã hiểu rằng điện ảnh có thể và cần phải trở thành một Nàng Thơ mới mà lúc đó nó mới chỉ tồn tại trong tiềm năng. Ông đã nhìn thấy những khả năng phát triển cụ thể của điện ảnh và những tiền đồ vô tận đang mở ra nó"... Canudo (Ricciotto Canudo, 1879-1923, người Pháp gốc Ý) là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu văn học và nghệ thuật được ghi nhận là người đầu tiên dùng cụm từ “Nghệ thuật thứ bảy” đối với điện ảnh.

Từ các Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, chúng ta có thể nhìn thấy những thành công đã gặt hái được không chỉ là với chuyên môn của điện ảnh, mà còn là sự gắn kết của các quốc gia và nền văn hóa trong tổng thể của chiến lược về ngoại giao văn hóa. Thông qua đó cũng gián tiếp thể hiện chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển văn hóa.

Vì, chỉ khi có đường lối và chính sách đúng đắn, tạo mở được những động lực và cơ hội thì văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng mới thực sự phát triển. Và, chúng ta cũng sẽ thấy “những khả năng phát triển cụ thể của điện ảnh và những tiền đồ vô tận đang mở ra nó" như nhìn nhận của Jean Epstein.

Lương Duy Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/phat-trien-van-hoa-nhin-tu-ngay-hoi-cua-dien-anh-i749585/