Bài 2: Biện pháp nào để giảm thiểu tai biến trong xạ trị, X-quang?
Việc chia sẻ thông tin sau khi xuất hiện lỗi nhằm tránh lặp lại lỗi và tai biến tương tự; tôn trọng quyền tự quyết của bệnh nhân, gia tăng mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân.
Lỗi và tai biến trong y tế là không thể tránh khỏi. Lỗi trong chẩn đoán X-quang và xạ trị lại càng không ngoại lệ. Có lỗi do chủ quan, có lỗi do khách quan. Cái chính là chúng ta ứng xử với những tai biến ấy như thế nào.
Các lỗi về giải thích và đọc kết quả dựa trên hình ảnh là các lỗi các bác sĩ thường phạm phải, vì họ cũng là con người. Những lỗi về kỹ thuật có thể khắc phục bằng các biện pháp kỹ thuật, hành chính và nâng cao nghiệp vụ thông qua chương trình nội kiểm và ngoại kiểm (QA/QC). Còn lỗi do nhận thức của con người thì giải pháp quan trọng để giảm thiểu lỗi và tai biến trong chẩn đoán X- quang và xạ trị là chia sẻ thông tin.
Chia sẻ thông tin - tránh lặp lại lỗi tương tự
Việc chia sẻ thông tin sau khi xuất hiện lỗi nhằm tránh lặp lại lỗi và tai biến tương tự; tôn trọng quyền tự quyết của bệnh nhân, gia tăng mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân; duy trì niềm tin của bệnh nhân đối với tính trung thực và tính toàn vẹn của hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin có thể ngăn ngừa được những quan niệm sai lầm mà bệnh nhân có thể nghĩ về những bất lợi gây ra đối với họ; tạo điều kiện cho sự đồng thuận có hiểu biết về chăm sóc trong tương lai.
TS. Đặng Thanh Lương – Trưởng ngành Vật lý y khoa, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Một nền văn hóa hỗ trợ chia sẻ lỗi và giao tiếp cởi mở giữa bác sĩ và bệnh nhân sẽ hỗ trợ xây dựng nền văn hóa an toàn trong bệnh viện, thông qua sự thấu hiểu ngày một tăng. Thực tế, Trường Đại học Michigan đã giảm được 50% chi phí pháp lý kể từ khi chính sách chia sẻ thông tin về lỗi được thiết lập 5 năm trước. Số lượng khiếu nại cũng vì thế mà giảm theo.
Lý do gây trở ngại trong việc chia sẻ, cởi mở thông tin về lỗi xảy ra trong chẩn đoán X-quang và xạ trị là: Sợ dính líu đến kiện tụng; theo truyền thống, người ta thường che đậy các lỗi do mình gây ra sẽ làm tổn thương bệnh nhân trong chẩn đoán và điều trị; nhiều quy định của bệnh viện cản trở việc trao đổi thẳng thắn về các lỗi xảy ra với bệnh nhân.
Hơn nữa các nhân viên thực hành y tế còn phải chịu gánh nặng tâm lý về khả năng mất việc làm, gây ảnh hưởng nhiều tới đời sống của chính họ và gia đình họ.
Một số tổ chức đã không chấp nhận tính minh bạch bởi sợ mất uy tín do thừa nhận công khai các lỗi. Một số tổ chức khác lại coi việc chia sẻ thông tin là trách nhiệm của bác sĩ và không thiết lập cơ chế nhằm tạo điều kiện chia sẻ thông tin minh bạch hoặc hỗ trợ làm giảm tình trạng căng thẳng của bác sĩ sau khi mắc lỗi.
Một số nghiên cứu đã cho thấy những tín hiệu tích cực của hệ thống chia sẻ thông tin về lỗi gây ảnh hưởng tới bệnh nhân: Số lượng các vụ kiện giảm, chi phí bồi thường cũng giảm theo. Nhiều bang của Hoa kỳ, Úc và Anh đã phê duyệt đạo luật quy định công khai các lỗi, tai biến trong y tế ảnh hướng tới sức khỏe bệnh nhân trong chẩn đoán X-quang và xạ trị.
Mục đích đầu tiên của của việc chia sẻ thông tin về các lỗi và tai biến trong chẩn đoán X-quang và xạ trị là nhằm ngăn ngừa việc lặp lại các lỗi và tai biến trong y học bức xạ; tạo dựng niềm tin giữa bệnh nhân và những người cung cấp dịch vụ y tế; xây dựng cơ sở để phát triển và hiện thực hóa văn hóa an toàn trong bệnh viện lấy bệnh nhân làm trọng tâm.
Việc ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BYT hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong KCB của Bộ Y tế rất đáng được hoan nghênh. Bước đi này rất cần thiết để tạo dựng niềm tin của người bệnh đối với một nền y tế hiện đại và ngăn ngừa tái lặp các tai biến y khoa.
Mặt khác, nó tạo dựng hành lang pháp lý cho những người thực hành y tế thoát khỏi những ám ảnh tâm lý không cần thiết khi xảy ra sự cố. Họ có được điều kiện chia sẻ kinh nghiệm qua các bài học được rút ra từ các sự cố đã từng xảy ra ở đâu đó.
Việc quản lý sự cố y khoa được chia thành 3 cấp. Từ cấp cơ sở tới địa phương và cấp Trung ương. Một số nguyên tắc quản lý tai nạn y khoa có thể liệt kê như sau:
· Giữ bí mật, ẩn danh tính của cá nhân hay của cơ sở KCB báo cáo sự cố y khoa.
Có bộ phận chuyên trách là đầu mối tiếp nhận thông tin và quản lý thông tin.
Tổng hợp, phân tích và lập báo cáo thông tin về sự cố và xử lý sự cố, đưa ra các biện pháp phòng ngừa, các bài học kinh nghiệm nhằm tránh tái diễn sự cố y khoa để nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, an toàn cho người bệnh và không nhằm mục đích khác.
Xây dựng quy trình, hướng dẫn khuyến khích tự nguyện báo cáo sự cố y khoa.
· Hướng dẫn, quản lý báo cáo sự cố y khoa, ban hành cơ chế khuyến khích báo cáo tự nguyện và chế tài xử lý đối với các sự cố y khoa thuộc danh mục bắt buộc mà không được báo.
Những nguyên tắc nêu trên xem ra có vẻ dễ thực hiện, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tiễn, có thể sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, luôn luôn tồn tại sự xung đột giữa bảo mật thông tin và quyền được biết các thông tin liên quan tới bệnh án của bệnh nhân.
Có những sự cố liên quan tới tính mạng con người nên việc bảo mật thông tin không tránh khỏi yêu cầu của pháp lý trước tòa án. Vì thế, cách tốt nhất là tạo dựng niềm tin giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, tạo kênh trao đổi thông tin cần thiết khi có sự cố xảy ra. Các nội dung này cần được bảo đảm bằng pháp luật.
Hoạt động tại Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội
Cách nhận diện sự cố bức xạ
Khác với như sự cố y khoa khác, sự cố bức xạ trong y học liên quan tới liều bức xạ. Để biết liều bức xạ mà bệnh nhân nhận được khi sự cố xảy ra thì cần phải có thiết bị và kiến thức nhất định.
Đôi khi sự cố xảy ra mà nhiều tháng sau mới thấy được tổn thương. Nhiều sự cố lại mang tính tiềm ẩn như khả năng gây ra bệnh ung thư sau này.
Hình a: Bệnh nhân 40 tuổi, nhận liều trên 20Gy, khi làm can thiệp động mạch vành. Tổn thương chỉ được phát hiện sau 28-20 tuần
Hình b: Bệnh nhân bị chiếu quá liều khi xạ trị, nên da bị bỏng
Do tính đặc thù của bức xạ ion hóa là không thể cảm nhận được bằng các giác quan, nên để nhận biết và ngăn ngừa sự cố y khoa trong y học bức xạ (không tính đến những sự cố liên quan tới lâm sàng như đọc sai kết quả, chẩn đoán sai..), cần phải xác định được liều bức xạ mà bệnh nhân thực nhận, rồi so sánh với liều dự kiến mà bệnh nhân nhận được khi làm các thủ thuật tương ứng.
Muốn vậy, cần có thiết bị giám sát liều (hiện đã có hệ thống giám sát liều tự động) trong chẩn đoán X -quang, X-quang can thiệp, hoặc biết tất cả các thông số khi phát tia, chụp, soi để đánh giá liều như một thông số trong hồ sơ bệnh án. Ngoài ra, để xác định mức liều dự kiến trong các thủ thuật cần thiết lập mức liều tham khảo trong chẩn đoán (DRL) ở cấp quốc gia và cấp cơ sở.
Để thực hiện Thông tư số 43/2018/TT-BYT đối với các sự cố y khoa trong lĩnh vực y học bức xạ gồm xạ trị, y học hạt nhân và xạ trị cần có hướng dẫn chi tiết hơn để xác định khi nào cần khai báo và khi nào cần lập báo cáo sự cố.
Nhiệm vụ chính là đảm bảo an toàn trong chiếu xạ y tế
Chẩn đoán hình ảnh và xạ trị đã mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Tuy nhiên chiếu xạ y tế đã trở thành nguồn bức xạ nhân tạo đóng góp lớn nhất vào liều xạ toàn cầu, làm gia tăng rủi ro bức xạ cho cộng đồng.
Do đó, cần phải nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo các bệnh viện, các bác sĩ, các nhà vật lý y khoa và các cá nhân liên quan trong quản lý và kiểm soát chiếu xạ y tế, nhằm bảo đảm an toàn cho bệnh nhân.
Cần xác định rõ vai trò các nhà vật lý y khoa trong các hoạt động của các khoa xạ trị, y học hạt nhân và X-quang. Họ phải được cấp chứng chỉ hành nghề và một trong những nhiệm vụ chính là đảm bảo an toàn trong chiếu xạ y tế.
Việc Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BYT là cơ sở pháp lý tốt cho việc quản lý sự cố y khoa nói chung và sự cố bức xạ nói riêng. Để Thông tư đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, chúng ta cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới kiểm soát chiếu xạ y tế phù hợp với chuẩn quốc tế về an toàn và bảo vệ chống bức xạ của IAEA.
Các Hội chẩn đoán hình ảnh, Hội xạ trị, hội vật lý y khoa, Hội trang thiết bị y tế cần phối hợp với các cơ quan quản lý xây dựng hướng dẫn nhận dạng và khai báo và lập báo cáo sự cố bức xạ trong y học bức xạ.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc nội kiểm (QA/QC) trong các khoa chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân và xạ trị, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc và là trách nhiệm của giám đốc bệnh viện.
Chúng ta cũng cần xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin lỗi và tai biến trong chẩn đoán hình ảnh và xạ trị; quy định đối với thiết bị tăng sáng truyền hình, angiography, CT, C-arm…phải có thiết bị kiểm soát liều tự động hoặc thiết bị sau khi xét nghiệm cung cấp các thông tin để tính liều cho bệnh nhân.
Hồ sơ bệnh nhân phải có thông tin về liều bệnh nhân trong quá trình KCB, đặc biệt là các bệnh nhân chụp CT, angiography, làm các thủ thuật can thiệp và đối với các bệnh nhân nữ và trẻ em.