Bài 2: Cần các giải pháp quyết liệt từ địa phương

Để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế xã hội, trong nhiều năm qua, ngành điện đã cố gắng tìm vốn để đầu tư nhiều dự án điện. Tuy nhiên nỗ lực này khó đạt được hiệu quả nếu không nhận được sự chia sẻ, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.

Dây chuyền 1 của nhà máy Gang thép Nghi Sơn đang chờ điện để vận hành

Dây chuyền 1 của nhà máy Gang thép Nghi Sơn đang chờ điện để vận hành

Qua phản ánh của chủ đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan chức năng tại Tĩnh Gia, chúng tôi ghi nhận sự vào cuộc chỉ đạo của các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện của EVNNPC nói riêng; Lãnh đạo tỉnh, huyện cũng đã căn cứ vào các quy định hiện hành để hỗ trợ người dân ở mức tối đa, nhưng vì sao kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Mai Cao Cường - Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng & Hỗ trợ tái định cư huyện Tĩnh Gia chia sẻ, Tĩnh Gia là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, vì vậy việc đảm bảo cung cấp điện cho các doanh nghiệp cũng như đời sống của nhân dân có vai trò rất quan trọng. Chúng tôi coi đây là những dự án trọng tâm của huyện. Từ năm 2015 đến nay, ngoài các dự án của Tổng công ty điện lực miền Bắc, trên địa bàn còn nhiều dự án điện khác đang triển khai.

Vì xác định đây là các dự án trọng tâm, nên sau khi có văn bản chấp thuận chủ trương của cơ quan nhà nước, trong đó có giao cho huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chúng tôi đã chủ động triển khai, vào cuộc quyết liệt; phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thi tiến hành kiểm kê, lập phương án bồi thường; đồng thời vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, giao cho chủ đầu tư thi công đúng tiến độ.

Theo ông Cường, mặc dù đã có nhiều nỗ lực song công tác giải phóng mặt bằng vẫn gặp khó khăn cả phía chủ quan và khách quan. Cụ thể, đối với các dự án điện, thời gian từ lúc chấp thuận chủ trương đến khi triển khai là rất gấp nên công tác chuẩn bị, trích đo hiện trạng, thẩm định hồ sơ, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, thông báo thu hồi đất gặp khó khăn. Cũng vì dự án triển khai gấp nên việc cập nhật kế hoạch sử dụng đất của huyện cũng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó là các vướng mắc bất cập về mặt chính sách. Ví dụ như trong Nghị định 14/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực quy định chính sách hỗ trợ đối với các loại đất cùng thửa với đất ở nhưng không công nhận là đất ở ví dụ như đất vườn.

Ở Tĩnh Gia, đất vườn được bồi thường bằng giá đất trồng cây lâu năm và bằng 50% giá chênh lệch với đất ở cùng vị trí so với đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên Điều 19- Nghị định 14/NĐ-CP chỉ quy định chính sách hỗ trợ trong hành lang đường điện là 50% giá trị bồi thường, không đề cập đến chính sách hỗ trợ đối với đất vườn cùng thửa với đất ở. Như vậy đối với một số vị trí của dự án chỉ được hỗ trợ 50% giá trị theo quy định của tỉnh Thanh Hóa, tương đương 13.500 đồng/m2. Chính vì vậy mà người dân cho rằng mức giá quá thấp dẫn đến chưa đồng thuận.

Ông Mai Cao Cường - Giám đốc Ban GPMB & Hỗ trợ tái định cư huyện Tĩnh Gia

Ông Mai Cao Cường - Giám đốc Ban GPMB & Hỗ trợ tái định cư huyện Tĩnh Gia

Vướng mắc thứ hai liên quan đến đất trồng rừng trong hành lang đường điện. Thực tế, đất trồng rừng sản xuất ở Tĩnh Gia do người dân tự trồng và tự khai thác, không lập dự án, không có hồ sơ kỹ thuật. Thêm vào đó cây trồng không lấy gỗ mà làm nguyên liệu cho sản xuất khác cho nên mật độ trồng rất lớn.

Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa đã có quy định, hỗ trợ bồi thường cây trong hành lang lưới điện là 1.600 cây/ha, nếu vượt 1.600 cây chỉ bồi thường thêm không quá 20% (tương đương 1.920 cây) và mức hỗ trợ chỉ bằng 20%. Trên thực tế, khi kiểm kê, số lượng cây đạt từ 5.000 – 6.000 cây, vì vậy người dân yêu cầu phải bồi thường hết số cây trong hành lang mà họ đã trồng. Chúng tôi đã báo cáo và được UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo không bồi thường quá 3.000 cây (so với thực tế vẫn còn thấp). Tuy nhiên người dân vẫn không đồng ý.

Để rõ hơn về trường hợp hộ dân có quyết định thu hồi đất làm vị trí móng cột, chúng tôi tìm đến gia đình ông Ngô Quang Hàm, xóm 1 thôn Phúc Lộc, xã Trúc Lâm. Diện tích đất bị thu hồi là 96 m2 đất vườn (sổ đỏ 50 năm) trong dự án đường dây và TBA 110 kV Tĩnh Gia. Sau khi có quyết định thu hồi đất, vợ ông đã ký nhận tiền đền bù với mức hỗ trợ khoảng 18 triệu đồng nhưng sau đó, không hiểu lý do gì vợ ông Hàm đã mang tiền trả lại UBND xã Trúc Lâm mà không cần lấy giấy biên nhận.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hàm cho biết, chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước nhưng cần phải có chính sách đền bù sao cho thỏa đáng. Qua tìm hiểu, lý do gia đình ông không đồng ý vì cho rằng đất vườn của mình phải được tính như đất thổ cư. Hiện ông đã làm đơn gửi chính quyền kiến nghị về việc này.

Vị trí cột nằm trong đất vườn không thể thi công vì người dân đòi bồi thường cao hơn

Vị trí cột nằm trong đất vườn không thể thi công vì người dân đòi bồi thường cao hơn

Đại diện Ban quản lý dự án phát triển điện lực cho biết, đơn vị, nhà thầu và chính quyền đã nhiều lần gặp gỡ, phân tích, giải thích các quy định pháp luật; vận động gia đình nhưng vẫn chưa được.

EVNNPC cũng kiến nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Tĩnh Gia và các ban ngành, đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về thủ tục trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù hỗ trợ cho người dân; đề nghị các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tạo điều kiện cho nhà thầu triển khai thi công các vị trí cột còn lại.

Trên thực tế, vướng mắc ở 2 dự án điện nêu trên cũng là tình trạng chung của nhiều dự án điện khác ở nhiều địa phương trên cả nước. Nguyên nhân cũng được chỉ ra rõ ràng bao gồm những bất cập từ các quy định của nhà nước về chính sách hỗ trợ bồi thường, quy hoạch sử dụng đất, đơn giá đất, các tài liệu lưu trữ cập nhật của địa phương còn hạn chế, quy trình, thủ tục còn rườm rà phức tạp dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai.

Đối với vướng mắc tại dự án đường dây và TBA 110 kV Tĩnh Gia, ông Mai Cao Cường cho biết, chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, vận động. Các hộ dân đã được đối thoại, vận động, giải thích rõ chính sách đầy đủ mà không chấp hành quy định, chúng tôi sẽ thông báo lần cuối và giao cho mặt trận tổ quốc phối hợp với các đoàn thể của xã vận động và hoàn thiện biên bản lần cuối. Nếu vẫn không nhận, huyện sẽ thực hiện tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có mặt bằng, thực hiện thi công đảm bảo tiến độ dự án.

Đối với hành lang lưới điện, không thu hồi đất, nếu đã thực hiện theo đúng trình tự, quy định nhưng người dân tiếp tục không đồng ý, huyện sẽ tổ chức bảo vệ thi công. Tuy nhiên, thời gian, trình tự cho công tác này mất khoảng 45 ngày.

Ông Cường cũng đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công có thỏa thuận, đền bù thỏa đáng với hộ dân, tổ chức liên quan bị ảnh hưởng đối với việc mượn đất để phục vụ các vị trí thi công; hoàn trả mặt bằng khi thi công xong, tránh những khiếu nại không đáng có khi thực hiện dự án.

Thiết nghĩ, các dự án điện nêu trên đều là những dự án quan trọng cấp bách, việc chậm tiến độ sẽ gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư và các doanh nghiệp, người dân thụ hưởng. Với những nguyên nhân, vướng mắc đã được chỉ ra, ngành điện mong muốn các cấp Chính quyền và các sở ban ngành tại tỉnh Thanh Hóa và huyện Tĩnh Gia sớm có giải pháp giải quyết nhằm hỗ trợ đơn vị thi công có mặt bằng để thi công.

Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-can-cac-giai-phap-quyet-liet-tu-dia-phuong-121674.html