Sức sống mới nhờ xanh hóa dòng kênh

Ngày cuối tuần, đường 51, phường 14, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) nằm sát kênh Tham Lương có nhiều hàng quán hoạt động tấp nập khách ra vào.

Khung cảnh này trái ngược cách đây một năm, với tình trạng rác thải các loại vứt bừa bãi, ô nhiễm. Dòng kênh nước đen kịt, phủ đầy lục bình, bốc mùi hôi thối khiến hàng quán ở tuyến đường này luôn trong tình trạng ế ẩm, vắng khách. Bà Võ Thị Lụa, 65 tuổi, ngụ tại đường 51 chia sẻ: Mỗi đoạn kênh được hoàn thành theo thời gian mang đến nhiều niềm vui, đáp ứng niềm mong ước dòng kênh được cải tạo suốt mấy chục năm qua. Bờ kè và tuyến đường ven kênh được xây dựng sạch, đẹp giúp mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng nghìn hộ dân ở hai bên dòng kênh.

Một góc dự án qua địa phận quận Gò Vấp đang hoàn thiện.

Một góc dự án qua địa phận quận Gò Vấp đang hoàn thiện.

Hiểu rõ mong ước của người dân, TP Hồ Chí Minh đã gấp rút triển khai thực hiện dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên. Đây là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045, kết hợp cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải, thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố. Dự án hoàn thành sẽ tăng năng lực giao thông đường bộ, đường thủy, chỉnh trang đô thị, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Chỉ mới khởi công vào tháng 2-2023 nhưng đến nay, công trình đã thực hiện được hơn 50% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), sớm hơn so với kế hoạch vào cuối năm 2025. Dự án có chiều dài kênh hơn 31km đi qua địa bàn nhiều quận, huyện của thành phố-nơi có mật độ dân cư đông, phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp trong thi công. Đẩy nhanh tiến độ thi công, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, Thành ủy, UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiều biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi, giải tỏa mặt bằng; di dời hạ tầng kỹ thuật, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, tạo đồng thuận cao của nhân dân... để dự án đạt tiến độ, hiệu quả.

Bà Bùi Thị Thúy, ngụ tại phường 14, quận Gò Vấp bày tỏ: “Được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và nhận rõ ý nghĩa của dự án, gia đình tôi đã chủ động bàn giao mặt bằng từ trước ngày khởi công dự án”. Còn ông Lê Văn Cẩn, ngụ tại phường 14 chia sẻ: “Trước đây, tôi tận dụng bãi đất trống ven kênh để làm bãi đỗ xe ô tô. Khi triển khai dự án, gia đình tôi đã chủ động tháo dỡ công trình, dọn vệ sinh sạch trả lại mặt bằng; đồng thời tích cực vận động mọi người cùng thực hiện với mong muốn dự án được thi công thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ, thiết thực nâng cao đời sống của mỗi gia đình ven kênh”.

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/suc-song-moi-nho-xanh-hoa-dong-kenh-784016