Bài 2: 'Chăm lúa tốt để diệt cỏ' (Tiếp theo và hết)

Để xóa bỏ các điểm trông, giữ xe không phép, hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, TP Hà Nội cần thực hiện đúng quy hoạch về giao thông tĩnh và có các chính sách cụ thể kêu gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng nhiều điểm trông, giữ xe thuận tiện, văn minh để đáp ứng tốt nhu cầu gửi xe của người dân.

Nhiều dự án xây dựng điểm trông, giữ xe chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích

Trước thực tế quỹ đất dành cho xây dựng điểm trông, giữ xe hạn chế, TP Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh phục vụ nhu cầu người dân, như tại Công viên Thống nhất (295 Lê Duẩn); Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa Hà Nội, Công viên Thủ Lệ (Ba Đình); Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước (Hoàn Kiếm); Công viên Tuổi trẻ (Hai Bà Trưng)... Tuy nhiên các dự án này vẫn trong quá trình nghiên cứu, chưa triển khai. Tính đến nay, thành phố mới xây dựng được 9 bến xe khách, 10 bến xe tải và khoảng 590 điểm trông, giữ xe trên hè phố, lòng đường.

Ngoài những điểm trông, giữ xe đang trong quá trình nghiên cứu trên, thời gian qua, nhiều dự án bãi đỗ xe được thành phố phê duyệt thực hiện lại bị sử dụng sai mục đích, chậm tiến độ. Điển hình là Dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ trên đường Nguyễn Khánh Toàn, thuộc phường Quan Hoa (Cầu Giấy), rộng hơn 14.000m2 bị chủ đầu tư (Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư xây lắp thương mại và dịch vụ) chia nhỏ cho thuê trong nhiều năm. Sau khi dư luận lên tiếng thì tháng 5-2018, UBND quận Cầu Giấy mới tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, đến nay vẫn tồn tại nhiều công trình vi phạm trên đất dự án này.

TP Hà Nội cần thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư để có thêm nhiều bãi đỗ xe văn minh, hiện đại như điểm đỗ xe trên phố Nguyễn Công Hoan (Ba Đình).

TP Hà Nội cần thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư để có thêm nhiều bãi đỗ xe văn minh, hiện đại như điểm đỗ xe trên phố Nguyễn Công Hoan (Ba Đình).

Trường hợp vi phạm tương tự cũng xảy ra tại Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe (đoạn từ phố Linh Lang đến đường Liễu Giai), do CTCP Đa quốc gia làm chủ đầu tư. Theo đó, thành phố giao hơn 6.000m2 đất cho đơn vị này làm bãi để xe ô tô, rửa xe, bảo dưỡng xe. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, chủ đầu tư lại cho thuê làm nhà hàng hải sản, siêu thị, trường mầm non, văn phòng công ty, cửa hàng thời trang…

Tại phường Thành Công (Ba Đình), ngày 19-6-2017, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 3667/QĐ-UBND, chấp thuận chủ trương cho CTCP Cơ sở hạ tầng đầu tư thực hiện Dự án bãi đỗ xe tự động tại phần đất cống hóa mương Nguyên Hồng trên diện tích 5.000m2. Thời gian dự kiến thi công từ tháng 10-2017 đến 3-2018. Mặc dù chủ đầu tư đã nhận bàn giao mặt bằng từ UBND quận Ba Đình từ tháng 9-2017, nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai mà chỉ quây tôn tạm để trông, giữ xe, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Tương tự trường hợp trên, ngày 6-11-2012, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 8839/UBND-KH&ĐT chấp thuận chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu cây xanh vườn hoa kết hợp bãi đỗ xe tại phường Long Biên đối với Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Thiên Hà Thủy. Theo kế hoạch, dự án được khởi công vào quý II-2013 và hoàn thành vào quý II-2014, nhưng sau nhiều lần giãn tiến độ, đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thành.

Thực hiện tốt quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư

Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết “Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải”. Trong đó, lĩnh vực đầu tư, khai thác các dự án giao thông tĩnh có 3 nội dung được các nhà đầu tư quan tâm nhất, đó là: Hỗ trợ tiền thuê đất; hỗ trợ vay vốn ưu đãi; quy định rõ về diện tích được phép kinh doanh thương mại đối với dự án.

Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội: Ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất (không bao gồm phần diện tích đất phục vụ kinh doanh dịch vụ, thương mại) đối với các dự án giao thông tĩnh. Riêng các dự án xã hội hóa, sau 10 năm đầu, sẽ được tiếp tục xem xét hỗ trợ tiền thuê đất. Doanh nghiệp đầu tư vào giao thông tĩnh còn được vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển của thành phố với lãi suất ưu đãi; trường hợp sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất vay theo hợp đồng tín dụng tối đa 50% lãi suất tiền vay đầu tư trong 5 năm đầu, cụ thể theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, các dự án bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng thuộc khu vực ngầm để khai thác dịch vụ, thương mại.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, cho biết: “Nghị quyết có tính đột phá, cởi trói về cơ chế, chính sách, nhằm thu hút đầu tư cho lĩnh vực giao thông tĩnh. Chính sách đã rất mở với các nhà đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện các dự án giao thông tĩnh. Đặc biệt, việc cho phép các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp từ quỹ đầu tư phát triển của thành phố; hoặc thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nếu vay của các ngân hàng thương mại”.

Còn chuyên gia giao thông, TS Lê Đỗ Mười cho rằng: “Nếu quản lý tốt các điểm trông, giữ xe thì TP Hà Nội sẽ có nguồn thu rất lớn hằng năm để tái đầu tư cho hạ tầng giao thông, giao thông tĩnh. Để xây dựng các điểm trông, giữ xe hiện đại, thông minh thì suất đầu tư rất cao, rất khó thu hồi vốn so với việc căng dây, kẻ vạch, quây tôn để trông xe, thu tiền. Vì vậy, việc TP Hà Nội có những chính sách như trên là rất cần thiết để thu hút các nhà đầu tư. Việc cần làm hiện nay của thành phố là rà soát lại toàn bộ quy hoạch các điểm trông, giữ xe; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dự án để sử dụng đất sai mục đích; thực hiện tốt các chính sách đầu tư vừa ban hành. Ngoài ra, thành phố nên khuyến khích xây dựng các điểm trông, giữ xe tại khu vực vành đai và thu phí trông, giữ xe phù hợp theo hướng càng vào nội đô thì giá trông, giữ xe càng cao. Nếu làm tốt những việc trên, thành phố sẽ có đủ các điểm trông, giữ xe hợp pháp đáp ứng nhu cầu người dân; khi đó thì các điểm trông, giữ xe trái phép sẽ tự phải dẹp bỏ”.

Với tốc độ gia tăng xe ô tô cá nhân như hiện nay, TP Hà Nội không thể một sớm một chiều dẹp bỏ được những điểm trông, giữ xe "lậu" cũng như xây dựng đủ các điểm trông, giữ xe đáp ứng nhu cầu người dân. Tuy nhiên, với việc bùng phát các điểm trông, giữ xe trái phép vừa gây thất thu ngân sách, tồn tại nhiều hệ lụy thì thành phố cần quản lý tốt hơn các điểm trông, giữ xe này. Cùng với đó, phải đôn đốc nhà đầu tư thực hiện nghiêm các dự án bãi đỗ xe đã được phê duyệt thực hiện; xử lý nghiêm trường hợp chây ỳ, cho thuê, sử dụng đất sai mục đích; thực hiện tốt các chính sách kêu gọi đầu tư, xã hội hóa xây dựng các bãi đỗ xe thông minh.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-cham-lua-tot-de-diet-co-tiep-theo-va-het-590698