Bài 2: Chính sách vẫn còn bất cập
Cả nước hiện có hơn 13.500 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho hơn 150 triệu lượt người và khoảng hơn 300 triệu lượt khám ngoại trú.
Trong đó có khoảng 5 - 10% khối lượng chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, tổng khoảng 22 tấn/ngày, riêng chất thải nhựa lây nhiễm có thể lên tới hơn 25 - 40% tùy vào chuyên khoa của bệnh viện.
Điều này dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng do không được vận chuyển kịp, gia tăng gánh nặng cho công tác quản lý và tiềm ẩn nguy cơ lây lan mạnh mẽ các tác nhân gây bệnh.
Số lượng chất thải nhựa phát sinh cao
Để đánh giá một cách khoa học về vấn đề quản lý chất thải nhựa tại các cơ sở y tế hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) đã tiến hành khảo sát tại 8 bệnh viện trên địa bàn 5 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định và Cần Thơ. Phương pháp khảo sát sử dụng thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang kết hợp với hồi cứu bao gồm cả phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính, điều tra xã hội học.
Kết quả cho thấy, lượng chất thải nhựa phát sinh tại các bệnh viện trung bình là 2.617kg/tháng (dao động từ từ 828 – 7.358 kg/tháng), chiếm tỷ lệ trung bình là 5,1% (dao động từ 0,24 – 18,94 %) so tổng lượng chất thải y tế phát sinh trong 1 tháng. Chất thải nhựa thông thường phục vụ mục đích tái chế, trung bình các bệnh viện phát sinh 790kg/tháng (dao động 210 - 1.950 kg/tháng). 8/8 bệnh viện (100%) chưa thực hiện phân loại riêng chất thải nhựa thông thường.
Có 4/8 bệnh viện có số liệu về chất thải nhựa lây nhiễm và trung bình phát sinh trong tháng là 818,7kg/tháng (dao động từ 116,6 - 25.970kg). 3/8 bệnh viện có số liệu về chất thải nhựa nguy hại không lây nhiễm và số lượng phát sinh trung bình là 15,2kg/tháng (dao động từ 4,5 - 191kg). Trong đó, hai bệnh viện của TP Hà Nội tham gia khảo sát là Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Phổi T.Ư có số lượng chất thải nhựa phát sinh khá cao tương ứng là 14,7 tấn một tháng và 7,3 tấn một tháng.
Về công tác quản lý chất thải nhựa y tế tại các bệnh viện, 100% cơ sở đã trang bị đầy đủ thùng/túi thu gom chất thải đạt quy định cho các khoa, phòng. Đồng thời thực hiện phân loại đúng chất thải y tế; phân loại riêng chất thải nhựa thông thường có thể tái chế. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 100% các khoa, phòng thực hiện thu gom riêng chất thải nhựa thông thường có thể tái chế; bàn giao chất thải trong đó có chất thải nhựa cho các đơn vị xử lý theo đúng quy định; có 100% các khoa, phòng thực hiện phân loại riêng chất thải nhựa.
Tuy nhiên, chỉ có 1/8 bệnh viện (12,5%) thực hiện phân loại riêng chất thải nhựa lây nhiễm để xử lý thu hồi tái chế và có thiết bị hấp ướt để xử lý chất thải nhựa lây nhiễm tại bệnh viện; thực hiện vận hành, đánh giá hiệu quả khử khuẩn theo đúng quy định.
Khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển
Theo tìm hiểu, hiện chúng ta đã có tương đối đầy đủ các văn bản, chính sách và quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất thải nhựa y tế. Một loạt các văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao đã xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến công tác quản lý chất thải, trong đó có quản lý chất thải nhựa trong các cơ sở y tế. Đơn cử như Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 về việc phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng về tăng cường quản lý, tái sử dụng, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của luật bảo vệ môi trường; Thông tư 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế…
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi nói trên, các bệnh viện hiện còn có nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý chất thải nhựa y tế. Về cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn xử lý tái chế, giảm thiểu chất thải nhựa chưa chi tiết, cụ thể và còn một số điểm bất cập, khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nói chung, quản lý chất thải nhựa nói riêng.
Việc phân loại tách riêng chất thải nhựa cũng mất nhiều công sức và thời gian do lượng rác nhựa lây nhiễm trong y tế khá nhiều chủng loại. Chất thải lây nhiễm sau xử lý đã là chất thải thông thường nhưng đơn vị xử lý không thu gom như chất thải thông thường vì cho rằng là bơm kim tiêm còn chứa yếu tố lây nhiễm.
Trong khi đó, các trang thiết bị phục vụ chuyên môn y tế bằng nhựa khó có thể thay thế do đặc thù về giá thành thấp, tiện lợi trong việc sử dụng, thải bỏ, bảo đảm trong chuyên môn y tế và cũng chưa có sản phẩm thay thế phù hợp, an toàn.
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng các đồ dùng nhựa một lần của cán bộ y tế cũng như bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các đơn vị cung ứng cũng khó thay đổi trong khi công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục.
Cùng đó, do khó khăn về tài chính, một số bệnh viện chưa đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; không bố trí đủ kinh phí mua sắm, trang thiết bị phục vụ phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải y tế cũng như quản lý chất thải nhựa.
Thêm vào đó, các sản phẩm thân thiện môi trường, các chất liệu có thể tái sử dụng hoặc dùng để thay thế nhựa có chi phí cao và không nhiều chủng loại để lựa chọn trên thị trường. Chính vì vậy, việc hoàn thiện chính sách để tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong các cơ sở y tế là rất quan trọng.
(còn nữa)
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại hoạt động y tế tạo ra chất thải không nguy hại chiếm khoảng 85% tổng lượng chất thải y tế. Tương tự, chất thải nguy hại chiếm 15% tổng lượng chất thải. Những chất thải nguy hại này là các loại chất độc, lây nhiễm hoặc phóng xạ. Một số chất thải được tạo ra bao gồm: kim tiêm, vật liệu băng bó, ống tiêm, mẫu chẩn đoán, các bộ phận cơ thể, vật liệu phóng xạ, thiết bị y tế, dược phẩm, hóa chất và máu đã qua sử dụng. Việc xử lý chất thải kém sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến công nhân, bệnh nhân, người vận hành, cộng đồng và toàn bộ môi trường.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-2-chinh-sach-van-con-bat-cap.html