Bài 2: Chuyển đổi số để minh bạch hóa thị trường vàng

Thị trường vàng Việt Nam từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận nhiều biến động bất thường, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh và chênh lệch ngày càng xa so với giá thế giới. Trong bối cảnh đó, vai trò của doanh nghiệp kinh doanh vàng và yêu cầu về một chiến lược quản trị đồng bộ từ Chính phủ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chuyển đổi số đang được xem là hướng đi tất yếu để giúp ngành vàng minh bạch hóa giá cả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và lấy lại niềm tin từ thị trường. Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp (DN) trong ngành, đặc biệt là các đơn vị nhỏ và vừa, vẫn đang gặp không ít khó khăn trong quá trình số hóa.
Trong bối cảnh giá vàng thường xuyên biến động và chịu tác động mạnh từ cả yếu tố trong nước lẫn quốc tế, minh bạch đang trở thành một yêu cầu ngày càng quan trọng đối với thị trường vàng. Việc giá vàng trong nước nhiều thời điểm có độ vênh lớn so với giá thế giới, cũng như sự chênh lệch giữa các DN kinh doanh vàng đặt ra yêu cầu phải cải thiện thông tin thị trường theo hướng công khai và đồng bộ hơn.
Đáng lưu ý, trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt một số DN vàng do vi phạm quy định về niêm yết giá, xuất hóa đơn hoặc không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm. Những trường hợp này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh toàn ngành, đồng thời tạo ra tâm lý bất an, kích thích đầu cơ và làm mất ổn định thị trường.
Theo bà Võ Nhật Khánh Hà - Chuyên gia chuyển đổi số tại Viện phát triển kinh tế số Việt Nam, CEO UniCoach, số hóa sẽ là con đường tất yếu để nâng cao tính minh bạch, chuẩn hóa dữ liệu và tăng hiệu quả giám sát trong lĩnh vực kinh doanh vàng.

Cần một chiến lược đồng bộ để minh bạch hóa thị trường vàng. Ảnh: Kitco

Cần một chiến lược đồng bộ để minh bạch hóa thị trường vàng. Ảnh: Kitco

Chia sẻ từ trải nghiệm thực tế, bà Ngô Thị Thảo - Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý HanaGold cho biết, thị trường vàng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như niêm yết giá chưa minh bạch, thông tin thị trường khó tiếp cận đầy đủ, chênh lệch giá mua - bán lớn và chưa có các chuẩn mực chung trong giao dịch. Những điều này khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc kiểm chứng thông tin cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Xuất phát từ thực tế đó, HanaGold đã chủ động đầu tư vào công nghệ blockchain để giúp truy xuất nguồn gốc từng sản phẩm vàng đến tay khách hàng.
DN cũng phát triển một nền tảng ứng dụng giao dịch vàng trực tuyến, với giá được cập nhật liên tục và công khai, tăng tính minh bạch. Đặc biệt, các sản phẩm vàng tích lũy 24K được số hóa và giao dịch qua ứng dụng, mở ra một hình thức đầu tư mới dành cho khách hàng trẻ tuổi - nhóm có xu hướng tích lũy linh hoạt, từng phần nhỏ nhưng đều đặn theo thời gian.
Không chỉ riêng HanaGold, mà nhiều DN trong lĩnh vực tài chính, công nghệ tài chính (fintech) và đá quý như eGold (DOJI - TPBank), PNJ, Jemmia Diamond, Kim Cương Cao Hùng… đã tung ra các sản phẩm đầu tư kim loại quý qua nền tảng số, cho thấy tiềm năng rất lớn của chuyển đổi số trong ngành: từ việc minh bạch hóa giá cả, chuẩn hóa thông tin đến cải thiện trải nghiệm khách hàng và mở rộng thị trường.
Khi thông tin được số hóa và kết nối, người tiêu dùng có thể dễ dàng so sánh giá giữa các đơn vị, tra cứu xuất xứ sản phẩm và thực hiện giao dịch nhanh chóng mà không cần trực tiếp đến cửa hàng. Điều này cũng góp phần loại bỏ dần các yếu tố đầu cơ, thao túng thị trường và tạo nền tảng để cơ quan quản lý có thể giám sát thị trường hiệu quả hơn.
Dù lợi ích rõ ràng, nhưng thực tế cho thấy không nhiều DN ngành vàng đủ khả năng triển khai chuyển đổi số một cách bài bản. Theo chuyên gia Võ Nhật Khánh Hà, nguyên nhân đầu tiên đến từ chi phí đầu tư. Không giống như các ngành thương mại thông thường, việc ứng dụng công nghệ vào vàng, một loại hàng hóa có giá trị cao và yêu cầu bảo mật đòi hỏi hệ thống phần mềm, bảo mật và hạ tầng lưu trữ dữ liệu rất cao cấp, tương ứng với chi phí lớn.
Không chỉ vậy, nhân lực là một trở ngại đáng kể. Phần lớn các DN vàng hiện nay vận hành theo mô hình truyền thống, nhân sự có kinh nghiệm kinh doanh nhưng chưa được đào tạo bài bản về công nghệ. Điều này khiến quá trình triển khai hệ thống công nghệ gặp khó khăn từ khâu vận hành, bảo trì cho đến bảo mật dữ liệu. Việc tích hợp giữa hệ thống mới và quy trình kinh doanh cũ cũng là một rào cản lớn, nhất là khi nhiều DN chưa có lộ trình chuyển đổi rõ ràng.
Ông Văn Vũ - Giám đốc Công ty TNHH ACT Gold chia sẻ rằng nhiều DN vẫn chưa hiểu rõ cần chuyển đổi số cái gì, bắt đầu từ đâu. Chuyển đổi số không đơn thuần là làm một cái website hay mở kênh bán hàng online. Đó là cả một quá trình tái cấu trúc hệ thống vận hành, quản lý dữ liệu, chăm sóc khách hàng và tương tác với thị trường. Thiếu tư vấn, thiếu định hướng, nhiều DN e ngại hoặc triển khai nửa vời, gây lãng phí nguồn lực.
Trong khi đó, sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước còn chưa rõ ràng. Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong phát triển DN và nền kinh tế, nhưng chưa có chính sách riêng cho ngành vàng, một ngành đặc thù cần quản lý chặt chẽ. Việc thiếu các bộ tiêu chuẩn công nghệ chung, các quy định cụ thể về số hóa dữ liệu giao dịch vàng, cũng khiến DN lúng túng.
Từ thực tiễn này, các chuyên gia cho rằng cần có một chiến lược tổng thể từ cơ quan quản lý Nhà nước để thúc đẩy chuyển đổi số ngành vàng. Trước mắt, cần tiến tới định danh vàng, tức là gắn cho từng sản phẩm vàng một “chứng minh thư” điện tử rõ ràng, xác thực và không thể làm giả. Một số DN tiên phong đã áp dụng công nghệ chip NFC để định danh vàng. Mỗi sản phẩm được gắn chip NFC chứa đầy đủ thông tin về nguồn gốc, hàm lượng, nơi sản xuất, đơn vị phân phối và các chứng từ liên quan. Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh chạm nhẹ vào sản phẩm là có thể kiểm tra được toàn bộ thông tin.
Việc áp dụng chip NFC trong định danh vàng không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi giao dịch mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về vàng, phục vụ cho mục tiêu số hóa toàn diện thị trường vàng trong tương lai gần.
Song song đó, Nhà nước có thể khuyến khích DN số hóa thông qua ưu đãi khi đầu tư công nghệ, cung cấp chương trình đào tạo nhân lực số chuyên ngành và đặc biệt là xây dựng hệ thống chính sách, quy chuẩn chung về số hóa, dữ liệu giao dịch và bảo mật.
Trong một thị trường mà niềm tin là yếu tố then chốt như ngành vàng, minh bạch thông tin và minh bạch vận hành chính là nền tảng để phát triển bền vững. Chuyển đổi số không chỉ giúp DN tăng năng suất, giảm rủi ro, mà còn góp phần kiến tạo một thị trường cạnh tranh lành mạnh, nơi người tiêu dùng được bảo vệ và cơ quan quản lý Nhà nước có thể giám sát hiệu quả hơn.

Bài 3: Chính phủ cần có chiến lược quản trị đồng bộ thị trường vàng

Hưng Khánh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bai-2-chuyen-doi-so-de-minh-bach-hoa-thi-truong-vang-317893.html