Bài 2: Cơ chế, chính sách chưa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học

Vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, khí tài, phương tiện kỹ thuật quân sự, quốc phòng, an ninh luôn cần phải được nghiên cứu để phát triển thêm các tính năng mới với yêu cầu bảo mật cao.

Chi phí nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ ở lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh cũng rất lớn. Do vậy, rất cần có những cơ chế đặc thù về trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách để phát triển nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực rất đặc thù này.

Nhu cầu nghiên cứu lớn và thường xuyên

Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, khí tài phục vụ yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Các loại vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, khí tài, phương tiện kỹ thuật trên thế giới liên tục được cải tiến, trang bị thêm nhiều tính năng để nâng cao hiệu quả cả về phòng vệ và tấn công. Ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế ấy. Công tác nghiên cứu cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, liên tục để bảo đảm không những không bị tụt hậu mà còn phải hướng tới đón đầu xu thế phát triển loại hình này trên thế giới.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Nhà máy Z129. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Nhà máy Z129. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Ví dụ, thế giới đã và đang nghiên cứu để liên tục cải tiến các lớp giáp bảo vệ xe tăng, chống lại sự công phá của các loại đạn pháo chống tăng. Do vậy, các loại đạn pháo chống tăng cũng phải liên tục được nghiên cứu, cải tiến để xuyên phá được các lớp giáp bảo vệ xe tăng. Xuất phát từ yêu cầu đặc thù như vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học để cải tiến, sản xuất các loại vũ khí, trang bị, đạn dược, khí tài, phương tiện quân sự luôn được coi trọng và nhộn nhịp không kém hoạt động sản xuất, sửa chữa.

Hiện nay, ngành công nghiệp quốc phòng của nước ta đã rất chủ động trong công tác nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng nhiều sản phẩm vũ khí, đạn dược, trang bị, khí tài phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, đại đa số là kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu quân sự, các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Điều đó cho thấy năng lực, trình độ nghiên cứu các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, an ninh của nước ta đã có nhiều tiến bộ.

Đại tá Nguyễn Phi Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác 29 (Nhà máy Z129) cho biết, không riêng Z129, tất cả các nhà máy trong ngành quân giới mỗi năm đều có rất nhiều đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước, phục vụ việc cải tiến, nâng cấp vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, khí tài quân sự, quốc phòng, an ninh. Đội ngũ cán bộ ở các nhà máy đều có đủ trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ, trong đó có rất nhiều người có trình độ tiến sĩ được đào tạo bài bản ở trong nước hoặc gửi ra nước ngoài đào tạo. Không chỉ nghiên cứu các sản phẩm phục vụ nhu cầu quân sự, quốc phòng, Z129 còn nghiên cứu, chế thử và sản xuất thành công một số sản phẩm an ninh phục vụ ngành công an, cảnh sát.

Đại tá Trần Thế Vỹ, Giám đốc Công ty TNHH MTV 189 (Nhà máy Z189) cho biết, tính riêng giai đoạn 2018-2022, nhà máy đã thực hiện 6 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; phát huy được 192 sáng kiến, giải pháp được áp dụng vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả cao, giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng như đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống cân bằng tự động cho các đài ra-đa cơ động”, đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy doa ống bao trục chân vịt”... Đặc biệt, nhà máy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, đóng mới thành công nhiều loại tàu quân sự hiện đại, có yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp, trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, hoạt động dài ngày trên biển, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và lần đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam.

Nguồn lực eo hẹp, thủ tục phức tạp

Yêu cầu và nhu cầu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh rất lớn như vậy, chi phí phục vụ công tác nghiên cứu khoa học cũng rất lớn do đặc thù của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Chẳng hạn để triển khai nghiên cứu thành công một đề tài khoa học thiết kế, chế tạo một loại vũ khí mới thì không chỉ nghiên cứu về mặt lý thuyết mà còn phải có thiết kế, chế thử và thử nghiệm. Có những loại vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, khí tài đòi hỏi phải được thử nghiệm trong một không gian rộng lớn... Do vậy, chi phí nghiên cứu khoa học là rất lớn.

Đại tá Nguyễn Phi Trường cho hay, hằng năm, Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác 29 vẫn trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và công nghệ, nhưng mỗi năm chỉ được khoảng 15 tỷ đồng. Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của công ty theo chỉ đạo của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng mỗi năm lên tới 40-50 tỷ đồng. Do nguồn trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ còn rất eo hẹp nên các nhà máy công nghiệp quốc phòng, an ninh cần có cơ chế đầu tư đặc thù để có đủ nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển vũ khí, trang bị.

Nguồn lực eo hẹp nhưng thủ tục sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ lại còn nhiều phức tạp, chưa phù hợp với tính chất đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học tại các doanh nghiệp nói chung, lại càng chưa phù hợp với tính chất đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh. Việc thực hiện quy trình nghiên cứu cũng còn bất cập. Theo quy định hiện hành, mỗi chặng trong chu trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, sản xuất của sản phẩm quốc phòng đều thực hiện theo thủ tục riêng nên làm giảm tính liên kết của toàn chu trình, chưa tận dụng được nhiều nguồn lực đầu tư cho các sản phẩm mục tiêu, làm chậm tiến độ đưa sản phẩm từ nghiên cứu đến sản xuất và trang bị, nhất là đối với các sản phẩm tích hợp, công nghệ cao, các sản phẩm tích hợp có tính đơn chiếc, có khối lượng chi phí chế thử lớn...

Để có thêm nguồn lực phục vụ nhu cầu của công tác nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh kiến nghị có cơ chế đặc thù cho phép doanh nghiệp trích lại lợi nhuận từ sản xuất có ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ để đưa vào tái đầu tư nghiên cứu khoa học, hoàn thiện công nghệ với các sản phẩm vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, khí tài, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có cơ chế đầu tư xứng đáng từ ngân sách để hỗ trợ phát triển công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Các doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng, nếu có các cơ chế đặc thù vượt trội cho công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao sự tự chủ, đầu tư và hợp tác nghiên cứu khoa học thì sẽ khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh tích cực triển khai các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ có giá trị và sát với yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng các công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ vào phục vụ quốc phòng, an ninh và dân sinh nhằm phát triển kinh tế-xã hội và gia tăng đầu tư trở lại cho công tác nghiên cứu, phát triển. Điều đó cũng giúp tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như tính lưỡng dụng. Cơ chế giao nhiệm vụ, ủy quyền quản lý, bảo đảm nguồn lực thống nhất cũng sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Việc có chính sách đặc thù về thủ tục mua sắm sản phẩm, vật tư, bán thành phẩm... phục vụ nghiên cứu sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, khí tài, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...

(còn nữa)

GIA MINH - CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-co-che-chinh-sach-chua-dap-ung-nhu-cau-nghien-cuu-khoa-hoc-750475