Nền tảng vững chắc cho sự phát triển khoa học và sản phẩm chất lượng

Vừa qua, tại Ngày hội kết nối Phát kiến & Nghiên cứu khoa học sinh viên quốc tế do trường Đại học Phenikaa tổ chức, các đề tài nghiên cứu lá khôi tía trong Bình vị Thái Minh và sâm Lai Châu đã được sinh viên khoa Dược báo cáo và được hội đồng giám khảo đánh giá cao.

Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Dược phẩm Thái Minh và Đại học Phenikaa, nhằm mang đến cơ hội học tập, thực hành thực tế cho sinh viên, đồng thời hỗ trợ sự phát triển sản phẩm của doanh nghiệp.

Cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn

Tại sự kiện, 12 sinh viên thực hiện 4 đề tài nghiên cứu gồm thành phần lá khôi tía trong Bình vị Thái Minh và tiêu chuẩn hóa lá, củ sâm Lai Châu đã được trao chứng nhận nghiên cứu khoa học từ ban tổ chức.

Mối quan hệ hợp tác giữa Thái Minh và Phenikaa bắt đầu từ việc Dược phẩm Thái Minh cung cấp các nguồn lực như tài chính, nguyên liệu và thiết bị nghiên cứu và đưa ra các đề tài nghiên cứu cho sinh viên ĐH Phenikaa. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu - Giảng viên khoa Dược, Đại học Phenikaa chia sẻ: "Việc kết hợp giữa nghiên cứu học thuật và ứng dụng thực tiễn giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm". Điều này không chỉ giúp các em sinh viên rèn luyện kỹ năng nghiên cứu mà còn đóng góp trực tiếp vào các dự án thực tiễn.

Với việc tham gia vào các dự án nghiên cứu tại Viện Sâm và Dược liệu của Dược phẩm Thái Minh, các em sinh viên không chỉ học hỏi kiến thức mà còn được tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại. Nguyễn Thùy Dương, sinh viên năm 4 khoa Dược, hào hứng chia sẻ: "Em rất ấn tượng với hệ thống máy móc hiện đại, đặc biệt là máy HPLC của công ty trị giá 20 tỷ đồng. Đây là cơ hội hiếm có giúp em và các bạn tiếp cận với công nghệ tiên tiến".

 Nguyễn Thùy Dương báo cáo đề tài nghiên cứu cây sâm Việt Nam tại sự kiện Kết nối Khoa học sáng tạo sinh viên quốc tế 2024 do trường Đại học Phenikaa tổ chức.

Nguyễn Thùy Dương báo cáo đề tài nghiên cứu cây sâm Việt Nam tại sự kiện Kết nối Khoa học sáng tạo sinh viên quốc tế 2024 do trường Đại học Phenikaa tổ chức.

Ban đầu, các bạn sinh viên gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với các thiết bị hiện đại và quy trình nghiên cứu. Lê Thúy Duyên, sinh viên năm 5 khoa Dược, nhớ lại: "Chúng em rất bỡ ngỡ khi phải làm quen với các thiết bị hiện đại như máy HPLC. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn tận tình từ các nhà nghiên cứu của Thái Minh, chúng em đã dần làm chủ được thiết bị và quy trình nghiên cứu".

 Lê Thúy Duyên (ở giữa hàng trên) nhận chứng nhận nghiên cứu khoa học cùng nhóm nghiên cứu và thầy hướng dẫn.

Lê Thúy Duyên (ở giữa hàng trên) nhận chứng nhận nghiên cứu khoa học cùng nhóm nghiên cứu và thầy hướng dẫn.

Những khó khăn về nguyên liệu đầu vào cũng được giải quyết nhanh chóng khi Dược phẩm Thái Minh cung cấp đầy đủ nguyên liệu như lá Khôi tía và lá sâm, củ sâm, rễ sâm để sinh viên tiếp tục nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu này không chỉ giúp xây dựng tiêu chuẩn định lượng cho các hợp chất mà còn nâng cao giá trị khoa học của sản phẩm Bình Vị Thái Minh và các sản phẩm về sâm khác.

Bước tiến trong hợp tác nghiên cứu khoa học

Một trong những thành tựu quan trọng từ sự hợp tác này là các kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của các sản phẩm từ thảo dược của Dược phẩm Thái Minh, đặc biệt là Trà Sâm Lai Châu và Hồng Sâm Lai Châu. Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Sâm và Dược liệu Việt Nam, nhận định: “Trong quá trình nghiên cứu, một trong những thách thức lớn nhất là việc tiêu chuẩn hóa các dược liệu. Mỗi vùng trồng có thể có những điều kiện sinh trưởng khác nhau, dẫn đến hàm lượng hoạt chất thay đổi. Vì vậy, sự hợp tác này không chỉ giúp chuẩn hóa dược liệu bằng cách tiến hành kiểm tra chất lượng từng lô mẫu và xây dựng các quy trình chiết xuất nghiêm ngặt để đảm bảo sự đồng nhất của sản phẩm".

Ngoài ra, các nghiên cứu về Sâm Việt Nam cũng mở ra tiềm năng phát triển mới cho Thái Minh, giúp chọn lọc và phát triển những giống sâm có chất lượng cao, từ đó tăng cường tính bền vững trong quá trình sản xuất.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu: "Sự tham gia của sinh viên vào các dự án thực tiễn giúp các em áp dụng kiến thức vào thực tế và nâng cao kỹ năng nghiên cứu. Đây là một mối quan hệ hợp tác hai chiều khi sinh viên học hỏi được nhiều, còn doanh nghiệp thì nhận được các giải pháp sáng tạo".

 Tiến sĩ Hiếu (ngoài cùng bên trái) và Tiến sĩ Tùng (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm sinh viên tại hội nghị báo cáo khoa học tại trường Phenikaa tháng 9-2024.

Tiến sĩ Hiếu (ngoài cùng bên trái) và Tiến sĩ Tùng (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm sinh viên tại hội nghị báo cáo khoa học tại trường Phenikaa tháng 9-2024.

Về phía sinh viên, bạn Lê Thúy Duyên cũng cho biết: "Việc tiếp cận nguồn nguyên liệu và thiết bị hiện đại từ Thái Minh giúp nhóm chúng em tiến hành nghiên cứu thuận lợi hơn. Điều này thực sự là cơ hội quý giá để chúng em hiểu rõ hơn về ngành nghề và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai".

Dự kiến, trong thời gian tới, Dược phẩm Thái Minh và Đại học Phenikaa sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác, tạo ra nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu cho sinh viên, đồng thời giúp doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chất lượng hơn. Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng nhấn mạnh: "Chúng tôi mong rằng sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều thành tựu hơn nữa, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của dược liệu Việt Nam trên thị trường quốc tế".

Kết quả hợp tác giữa Dược phẩm Thái Minh và Đại học Phenikaa không chỉ thể hiện sự đầu tư nghiêm túc vào nghiên cứu khoa học mà còn tạo điều kiện cho sinh viên ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, giúp các em sẵn sàng hơn khi bước vào thị trường lao động. Đây chính là mô hình hợp tác điển hình giữa doanh nghiệp và giáo dục, hứa hẹn mang lại nhiều thành công trong tương lai.

MINH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/nen-tang-vung-chac-cho-su-phat-trien-khoa-hoc-va-san-pham-chat-luong-796805