Bài 2: Còn nhiều hạn chế, bất cập
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự nỗ lực không ngừng của tổ chức đoàn, cán bộ đoàn các cấp góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi, tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ. Không ít cán bộ đoàn trưởng thành, được Đảng, Nhà nước phân công, bố trí đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như: Đội ngũ cán bộ của cơ quan chuyên trách đoàn cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên thiếu hụt và biến động, dẫn đến việc không kịp thời trong đào tạo, bồi dưỡng; thiếu nguồn cán bộ trẻ có chất lượng cho quy hoạch các chức danh chủ chốt của Đoàn các cấp; nhiều nơi còn khép kín về nguồn cán bộ quy hoạch, chưa thường xuyên theo dõi nguồn trong quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng, nhất là về trình độ chính trị; tổ chức đoàn nhiều nơi chưa chủ động đề xuất cho cấp ủy cùng cấp về công tác cán bộ Đoàn; không ít cán bộ Đoàn chưa phát huy khả năng, sở trường công tác và có trình độ chuyên môn chưa phù hợp với công tác Đoàn; cán bộ đoàn cấp cơ sở một số nơi chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị theo quy định, nhất là phó bí thư đoàn xã, phường, thị trấn; rất ít cán bộ đoàn chuyên trách các cấp được đào tạo trình độ chuyên môn bài bản từ cơ sở đào tạo thuộc hệ thống của Đoàn…
Thực tế, nhiều địa phương trong tỉnh khó khăn trong công tác cán bộ đoàn như: chưa có nguồn nhân sự bí thư, phó bí thư đoàn cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2022-2027; nhiều trường hợp dự kiến giới thiệu tái cử nhiệm kỳ mới nhưng tuổi công tác đoàn còn dưới nửa nhiệm kỳ; cán bộ đoàn chuyên trách gần hết tuổi và hết tuổi công tác đoàn nhưng chưa sắp xếp, bố trí được vị trí công tác khác phù hợp; một số cán bộ đoàn cấp huyện trong dự kiến luân chuyển, bố trí công tác khác nhưng chưa thực hiện được do chưa có nguồn thay thế; số lượng cán bộ đoàn chuyên trách còn đang thiếu với tỷ lệ cao; vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ đoàn quá tuổi công tác theo quy định, trong khi số lượng nguồn cán bộ trẻ chiếm tỷ lệ thấp, nguồn kế cận sắp hết tuổi công tác đoàn lại chiếm tỷ lệ cao, nhất là đối với cấp huyện; số cán bộ đoàn cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị theo Quy chế cán bộ đoàn chiếm tỷ lệ khá cao, nhất là Phó Bí thư đoàn.
Thực trạng chung hiện nay là đa phần cán bộ đoàn có trình độ chuyên môn đào tạo chưa gắn với lĩnh vực công tác đoàn và được đào tạo ngoài hệ thống trường đào tạo của đoàn. Điển hình như tại Thành đoàn Tây Ninh hiện nay, có 5 cán bộ, trong đó trình độ chuyên môn đại học luật là 2, quản lý giáo dục 1, mỹ thuật công nghiệp 1, xã hội học 1.
Trong 9/10 bí thư đoàn phường, xã (đang khuyết 1) thuộc Thành đoàn, trình độ chuyên môn đại học luật là 3, tài chính – ngân hàng 1 đồng chí, công nghệ sinh học 1, quản lý văn hóa 1, cao đẳng công nghệ thông tin 1, cao đẳng sư phạm 1, cao đẳng quản trị văn phòng 1. Đặc biệt, cán bộ đoàn của cả hai cấp ở thành phố Tây Ninh không có ai được đào tạo chuyên môn từ hệ thống đào tạo của đoàn.
Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, phần lớn tổ chức đoàn, người đứng đầu chưa chủ động tham mưu cấp ủy cùng cấp trong công tác cán bộ; chưa chủ động rà soát nguồn nhân sự đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo về trình độ lý luận chính trị; quy hoạch còn khép kín, chưa mở rộng nguồn trẻ trong lực lượng khác ngoài hệ thống của đoàn, như trường học, các cơ quan, đơn vị khác. Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng nhiều nơi chưa thực sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với tổ chức đoàn; chưa quan tâm đúng mức đến cán bộ đoàn, chưa có chiều sâu trong định hướng tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ đoàn.
Việc thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy thời gian qua cũng tác động không nhỏ trong việc tạo nguồn cán bộ trẻ nói chung và nguồn cán bộ đoàn nói riêng; chưa kịp thời tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức đã tạo ra đứt gãy, thiếu hụt nghiêm trọng cán bộ trong các cơ quan chuyên trách của đoàn.
Ở cấp xã, nguồn quy hoạch, bố trí rất hạn chế, do đó việc bố trí cán bộ đoàn nhiều nơi còn mang tính trước mắt. Phó bí thư đoàn cấp xã theo quy định hiện nay là chức danh “người hoạt động không chuyên trách”, hưởng chế độ phụ cấp rất thấp, do đó không thu hút được lực lượng có trình độ chuyên môn theo quy định; chủ yếu là vận động, thu nhận những người có trình độ trung học phổ thông vào làm phó bí thư đoàn, sau đó tham gia đào tạo chuyên môn theo hình thức vừa học vừa làm.
Với tính chất đặc thù là hoạt động phong trào, lưu động, hoạt động trong và ngoài giờ hành chính, nhưng các chế độ chính sách về tài chính cho hoạt động, tiền lương và phụ cấp đối cán bộ đoàn chưa thỏa đáng, do đó chưa thu hút được lực lượng sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp ra trường, số lượng cán bộ đoàn xin nghỉ việc, chuyển công tác ngày càng tăng và cán bộ, công chức, viên chức ở ngành khác ít có nguyện vọng bố trí sang công tác đoàn.
Cán bộ Đoàn có đặc thù riêng về độ tuổi, thời gian giữ chức vụ ngắn và có sự thay đổi nhanh, nhưng sau khi tuyển dụng lại chưa có định hướng cho việc bố trí, sắp xếp sau khi hết tuổi công tác, nhất là đối với cán bộ đoàn chuyên trách không giữ chức vụ, tạo tâm lý không an tâm công tác và phần lớn cán bộ đoàn sau khi hết tuổi công tác đoàn phải tự tìm cho mình vị trí công tác ở cơ quan, đơn vị khác.
Mặc dù có đặc thù về độ tuổi, nhưng việc tuyển dụng cán bộ đoàn hiện nay chưa có chính sách đặc thù riêng và chưa có sự liên thông giữa các cấp, liên thông giữa cán bộ, công chức, viên chức với nhau; cụ thể như Nghị định 138/2020/NĐ-CP, ngày 27.11.2020 của Chính phủ quy định điều kiện xét tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã và viên chức thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh cần phải có đủ thời gian 5 năm trở lên làm cán bộ, công chức cấp xã, viên chức (không kể cả tập sự, thử việc), do đó khó tuyển dụng về làm cán bộ đoàn chuyên trách cấp huyện, cấp tỉnh, nếu được thì tuổi tham gia công tác đoàn còn rất ngắn và ảnh hưởng đến việc đào tạo, tạo nguồn cán bộ trẻ cho cấp ủy, hệ thống chính trị.
Việc bố trí bí thư đoàn cấp xã khi hết tuổi công tác đoàn cũng bất cập, vì theo Thông tư số 13/2019/TT-BNV, ngày 6.11.2019 của Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn để xem xét, tiếp nhận vào công chức cấp xã không qua thi tuyển đối với cán bộ cấp xã (nếu trước khi được bầu giữ chức vụ cán bộ chưa phải là công chức cấp xã) phải có thời gian giữ chức vụ cán bộ cấp xã ít nhất là 5 năm.
Hình thức tuyển dụng công chức đoàn cấp huyện, cấp tỉnh hiện nay giống như tuyển dụng những công chức hành chính khác, do đó khó tuyển dụng được công chức có năng lực, năng khiếu phù hợp và tâm huyết với công tác đoàn.
Bên cạnh đó, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay chưa thực sự là cơ sở đào tạo mang tính phổ thông, chưa thu hút được rộng rãi lực lượng học sinh tham gia tuyển sinh, số lượng sinh viên được đào tạo còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu cung ứng nguồn cán bộ đoàn. Trường Đoàn cấp tỉnh hiện nay chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cho cán bộ đoàn; việc đào tạo trình độ Trung cấp Thanh vận không còn phù hợp với nhu cầu của người học, xu thế phát triển và tiêu chuẩn cán bộ hiện nay.
Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là làm thế nào để xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn vừa “hồng” vừa “chuyên”, tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn và cần có những giải pháp, chính sách đột phá, đặc thù gì trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ đoàn để đảm bảo khoa học và có tính chiến lược lâu dài.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-con-nhieu-han-che-bat-cap-a144400.html