Bài 2: Còn nhiều vướng mắc

Bài 1: 'Tròn việc Đảng, trọn việc dân'

Những bí thư chi bộ “hai vai”

LCĐT - Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37 ngày 18/7/2016 của HĐND tỉnh Lào Cai về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố, cơ bản đã giảm về số lượng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở thôn, tổ dân phố tập trung, thống nhất, nhanh, gọn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết này trong thực tế còn nhiều bất cập…

Địa bàn vùng cao đi lại khó khăn cũng gây áp lực lớn cho những bí thư chi bộ “hai vai”.

Địa bàn vùng cao đi lại khó khăn cũng gây áp lực lớn cho những bí thư chi bộ “hai vai”.

Hiện, toàn tỉnh còn 89 thôn, tổ dân phố chưa sắp xếp xong 3 chức danh; tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố thấp. Quá trình thực hiện nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc do trình độ cán bộ không đồng đều; có nơi bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn thì không bao quát được hết công việc; cá biệt có nơi nếu giới thiệu bí thư chi bộ để nhân dân bầu làm trưởng thôn thì không được tín nhiệm; có nơi hầu hết là cán bộ hưu trí tham gia, một số người tuổi cao, sức khỏe đã giảm khó đảm nhiệm được cả chức danh kiêm nhiệm; có nơi khó khăn trong bố trí, sắp xếp kiêm nhiệm chi hội trưởng phụ nữ (phải là phụ nữ), bí thư đoàn thanh niên (phải là tuổi trẻ), chi hội trưởng cựu chiến binh (phải là quân nhân phục viên); mặt khác mức phụ cấp hằng tháng cho các chức danh có chênh lệch.

Từ năm 2017, huyện Bắc Hà bắt đầu thực hiện Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh Lào Cai về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố. UBND các xã, thị trấn đã kiện toàn lại tổ chức bộ máy của thôn thực hiện sắp xếp kiêm nhiệm, giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách. Hiện, toàn huyện có 97/340 cán bộ kiêm nhiệm không chuyên trách cấp xã; 858/1.188 cán bộ kiêm nhiệm không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, còn 6 thôn bố trí 4 người/thôn, quá số người quy định (xã Hoàng Thu Phố 5 thôn, xã Cốc Ly 1 thôn) theo Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh.

Đồng chí Vũ Thị Chiến, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bắc Hà cho biết: Trong quá trình thực hiện còn khó khăn, vướng mắc, một số thôn không thể bố trí kiêm nhiệm thêm các chức danh khác hoặc phải bố trí theo cơ cấu, nên một số vị trí ở một số xã hiệu quả công việc chưa cao. Một số cán bộ không chuyên trách ở xã, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố làm việc chưa hiệu quả, chất lượng công việc không cao do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Mặt khác, do địa phương khó khăn về cơ sở vật chất, không bố trí được chỗ làm việc, chưa có quy định cụ thể về thời gian phải thường trực đối với các chức danh không chuyên trách, nên việc thực hiện thiếu đồng bộ. Ngoài ra, mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã còn thấp, như phó chỉ huy trưởng quân sự, phó trưởng công an xã... không quá 1,0 lần lương tối thiểu, tạo nên khoảng cách lớn trong hoạt động, không khuyến khích họ gắn bó và cộng đồng “trách nhiệm”, chưa trở thành động lực để họ yên tâm công tác, tạo ra mặc cảm giữa những người hoạt động không chuyên trách và cán bộ, công chức cấp xã, gây khó khăn cho cấp ủy trong phân công, bố trí, sử dụng cán bộ.

Bí thư chi bộ “hai vai” phải là người am hiểu phong tục tập quán các dân tộc để tuyên truyền có hiệu quả.

Bí thư chi bộ “hai vai” phải là người am hiểu phong tục tập quán các dân tộc để tuyên truyền có hiệu quả.

Tính đến hết tháng 8/2019, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà chỉ có 1/9 chi bộ thôn thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư, kiêm trưởng thôn (hoặc các chức danh khác). Đồng chí Chấu Seo Phử, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Thu Phố cho biết: Những người phát huy tốt trọng trách “hai vai”, ngoài sự nhiệt huyết, thì phần lớn đều là những người đã có kinh nghiệm, từng là bí thư chi bộ. Khó khăn duy nhất hiện nay là một số thôn bí thư chi bộ còn trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn; còn trưởng thôn thì hoặc không phải là đảng viên, hoặc quá lớn tuổi. Ðây cũng là lý do khiến 8 thôn còn lại của xã chưa triển khai thực hiện được mô hình này. Thêm vào đó, xã có nhiều dòng họ tự quản dẫn đến tình trạng cục bộ dòng họ cũng khiến cho việc lựa chọn bí thư chi bộ kiêm nhiệm gặp nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu tại hầu hết các địa phương, nguyên nhân chính là yếu tố con người. Một số nơi bố trí bí thư chi bộ làm trưởng thôn đã nảy sinh những khuyết điểm trong phong cách lãnh đạo, đặc biệt là biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ. Bí thư chi bộ làm trưởng thôn vừa là người lãnh đạo, vừa là người tổ chức thực hiện, khối lượng công việc nhiều, nên đa số còn lúng túng trong lãnh đạo chi bộ và điều hành nhiệm vụ. Một số thôn có ít đảng viên, số đảng viên chủ yếu cao tuổi, nên khó đủ chuẩn theo quy định, khó cáng đáng được nhiệm vụ. Nhiều chi bộ có đảng viên trẻ nhưng chưa đủ năng lực để đảm nhiệm tốt “hai vai” khi thực hiện kiêm nhiệm các chức danh.

Bên cạnh đó, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại thôn, nhất là vùng xa còn nhiều hạn chế, nếu kiêm nhiệm cả hai chức danh sẽ gặp khó khăn trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Anh Sùng Seo Chứ, sinh năm 1992, thôn Hoàng Phì Chài, xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương) là đảng viên trẻ đã tham gia nghĩa vụ quân sự, nên được bầu là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh. Anh Chứ chia sẻ: Là đảng viên trẻ, không có nhiều kinh nghiệm, nhiều khi phải đi vận động nhiều lần người dân mới nghe. Hơn nữa, giữ vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, trong khi các cựu chiến binh trong thôn hầu hết là người đã cao tuổi, nên mình thấy rất ái ngại mỗi khi chỉ đạo các nội dung.

Anh Sùng Diu, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Bãi Bằng, xã La Pan Tẩn (Mường Khương) cũng cho rằng: Cùng một lúc kiêm nhiệm 3 chức danh nên bị “quá tải”. Nhiều khi trùng cả những cuộc họp của đảng và chính quyền. Hơn nữa, địa bàn xã rộng, nên đi lại vô cùng vất vả, nếu như giảm được 1 chức danh thì công việc được san sẻ nhiều hơn.

Ngoài ra, Lào Cai là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số, nhiều thôn có tới 3 - 4 dân tộc khác nhau cùng chung sống, nên việc lựa chọn được người uy tín chung cho cả thôn sẽ khó khăn, người được chọn lựa còn phải có khả năng sử dụng được ngôn ngữ, am hiểu phong tục, tập quán của các dân tộc khác mới có thể tuyên truyền, vận động hiệu quả.

Thực tế, việc thực hiện tinh gọn đội ngũ không chuyên trách cấp xã, thôn gặp không ít khó khăn từ khâu lựa chọn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chính vì vậy, cần có lộ trình đúng để “về đích” đúng hẹn.

--------------------

Bài cuối: Cần có hướng đi đúng

Thanh Huệ - Hoàng Thương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/giai-bua-liem-vang/bai-2-con-nhieu-vuong-mac-z91n20191008083121106.htm