Bài 2: Đảm bảo sản xuất xanh, giảm phát thải

Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ 'nâu' sang 'xanh', nhiều doanh nghiệp của Quảng Ninh đã triển khai các giải pháp nhằm giảm giảm phát thải.

Hình thành công viên trong nhà máy

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong việc xây dựng môi trường sản xuất xanh, sạch, từ năm 2022, Công ty Tuyển than Hòn Gai đã đưa Bộ tiêu chí sáng - xanh - sạch vào áp dụng chấm điểm đối với các đơn vị sản xuất của công ty. Kết quả chấm điểm của các đơn vị hàng quý là một trong những tiêu chí để hội đồng thi đua khen thưởng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất của đơn vị. Cùng với trồng cây xanh tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng hệ thống rãnh nước, hồ lắng, bố trí kho chất thải nguy hại theo quy định…, định kỳ, Công ty Tuyển than Hòn Gai đã tổ chức quan trắc môi trường xung quanh, môi trường lao động. Qua đó, kịp thời có các biện pháp điều chỉnh khắc phục.

Phun sương dập bụi trên băng tải tại Tuyển than Hòn Gai (Ảnh: Huy Hoàng)

Phun sương dập bụi trên băng tải tại Tuyển than Hòn Gai (Ảnh: Huy Hoàng)

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa - Phó trưởng Phòng Đầu tư môi trường (Công ty Tuyển than Hòn Gai) - cho biết: Đặc thù sản xuất của công ty là vận chuyển, sàng tuyển, chế biến và tiêu thụ than, bao gồm hệ thống sàng tuyển, kho bãi, cảng xuất, nhập than. Nắm bắt được những nguy cơ ô nhiễm trong quá trình sản xuất của đơn vị, chủ yếu là ô nhiễm bụi, không khí và ô nhiễm nước, công ty đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều giải pháp kiểm soát nhằm thực hiện tiêu chí: Sáng - xanh - sạch. Đến nay, cảnh quan môi trường tại khu vực sản xuất của công ty đã được cải thiện, hình thành công viên trong nhà máy. “Công ty thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác bảo vệ, tạo cảnh quan môi trường. Đồng thời, xây dựng các quy chế, chế tài, gắn trách nhiệm cụ thể tới từng ca, bộ phận và người lao động” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Chuyền - Phó trưởng Ban Môi trường (TKV), trong những năm qua, đồng hành cùng Quảng Ninh thực hiện chiến lược phát triển từ “nâu" sang "xanh”, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường được tập đoàn duy trì, chỉ đạo triển khai đồng bộ từ tập đoàn tới các đơn vị thành viên đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật và yêu cầu của TKV. Theo đó, TKV đã duy trì và thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường thường xuyên, tăng cường phủ xanh trồng cây cải tạo phục hồi môi trường. Vận hành hiệu quả các thiết bị phun sương dập bụi cao áp cùng các loại xe tưới đường và hệ thống dập bụi khác, giảm thiểu tối đa sự phát thải của bụi ra môi trường xung quanh. Cùng với đó, chú trọng các giải pháp trồng cây phủ xanh cải tạo phục hồi môi trường và cảnh quanh. Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn TKV đã trồng trên 2.000 ha (riêng vùng Quảng Ninh là trên 1800 ha); tổ chức có hiệu quả chăm sóc và duy trì sự phát triển, tăng trưởng của cây trồng.

Công ty Nhiệt điện Mông Dương khơi thông mương thoát nước, đảm bảo cảnh quan xanh, sạch (Ảnh: Lan Anh)

Công ty Nhiệt điện Mông Dương khơi thông mương thoát nước, đảm bảo cảnh quan xanh, sạch (Ảnh: Lan Anh)

Tại Công ty Nhiệt điện Mông Dương, bên cạnh nâng cấp công nghệ, kiểm soát chặt nguồn phát thải, công ty đã tiến hành trồng cây xanh để trở thành một nhà máy không chỉ “xanh” về công nghệ mà còn “xanh” cả về cảnh quan. Công ty đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới để trang bị và xử lý khói thải, nước thải của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương, đáp ứng yêu cầu của các quy chuẩn môi trường hiện hành.

Ngoài ra, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã trang bị một màn hình Led hiển thị thông số online các hệ thống quan trắc, giám sát môi trường gồm hệ thống quan trắc khí thải, nước thải, nước làm mát… Các hệ thống làm việc 24/24 giờ và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, để bà con tại địa phương có thể kiểm tra trực tiếp các thông tin tại màn hình Led, qua đó, tin tưởng và an tâm hơn nữa về vấn đề đảm bảo an toàn môi trường theo quy định đối với hoạt động sản xuất của công ty.

Chuyển biến tích cực

Theo ông Nguyễn Như Hạnh - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp tại Quảng Ninh nói chung và khai thác chế biến khoáng sản nói riêng thời gian qua đã có những bước chuyển biến tích cực. Hiện, các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới công nghệ khai thác, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Ngành than đã xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung; đầu tư hệ thống ép bùn, lắng lọc và sử dụng tuần hoàn nước, cơ bản không thải ra môi trường. Tại các nhà máy tuyển than, đều lắp đặt các máy phun sương dập bụi cao áp.

Hệ thống xử lý nước thải được TKV đầu tư hiện đại đảm bảo nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường (Ảnh: Dương Phượng Đại)

Hệ thống xử lý nước thải được TKV đầu tư hiện đại đảm bảo nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường (Ảnh: Dương Phượng Đại)

Các doanh nghiệp khai thác, chế biến than cũng đầu tư các xe tưới đường mỏ chuyên dùng công suất lớn nâng cao hiệu quả chống bụi tại khu vực khai trường, bãi thải, đường vận chuyển, kho bãi chứa than, kho cảng... Cùng với đó, việc đầu tư lắp đặt và đưa vào khai thác tuyến băng tải từ nhà máy tuyển than đến các lò sản xuất hay ra Cảng km6 đã có những tác động tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm bụi trong vận chuyển than… Các doanh nghiệp này còn thực hiện lộ trình cải tạo phục hồi môi trường cho các khu vực khai trường, bãi thải cũ đã ngừng hoạt động; thực hiện thay đổi công nghệ đổ thải, có đê chắn chân bãi thải để bảo vệ khu dân cư và các công trình hạ tầng xung quanh; có công trình thu gom nước chảy tràn bề mặt đưa về khu vực xử lý…

TKV thực hiện cải tạo phục hồi môi trường cho các khu vực khai trường, bãi thải cũ đã ngừng hoạt động (Ảnh: TKV cung cấp)

TKV thực hiện cải tạo phục hồi môi trường cho các khu vực khai trường, bãi thải cũ đã ngừng hoạt động (Ảnh: TKV cung cấp)

Các đơn vị có hoạt động khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện việc lắp đặt nhà khung kín tại bộ phận sàng, bộ phận nghiền; lắp đặt hệ thống phun nước dập bụi nhằm giảm thiểu bụi phát tán ra môi trường. Với các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện, đầu tư lắp đặt công tơ điện tử để đo điện năng tiêu thụ độc lập của hệ thống lọc bụi tĩnh điện ở các vị trí thuận lợi để cơ quan quản lý và người dân dễ dàng giám sát. Một số đơn vị đã và đang đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, đầu tư hệ thống xử lý khí bụi. Một số đơn vị sản xuất xi măng còn nghiên cứu, thử nghiệm xử lý chất thải công nghiệp thông thường tại nhà máy; tận dụng tro, xỉ thải nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung... Điều này đã góp phần giảm thiểu phát thải ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên trên địa bàn.

Trong 7 khu công nghiệp (KCN) có dự án thứ cấp hoạt động và 5 cụm công nghiệp (CCN) đã hoạt động, 7 KCN và 4 CCN đã có trạm xử lý nước thải tập trung. Đối với CCN Kim Sen chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên, các nhà đầu tư thứ cấp đã có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. 100% dự án hạ tầng KCN bố trí hệ thống thu gom, thoát nước mưa tách riêng với thu gom, thoát nước thải… Các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong KCN đều xây dựng, bố trí kho lưu trữ chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy định hiện hành.

Sự nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh, các sở, ngành địa phương cùng với việc nhận thức về bảo vệ môi trường với phương châm “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” của doanh nghiệp đã góp phần giúp môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng chuyển biến tích cực hơn.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-dam-bao-san-xuat-xanh-giam-phat-thai-313366.html