Bài 2: Đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Theo đánh giá từ các chuyên gia, đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ các kết quả tạo thuận lợi thương mại thời gian qua chính là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Không chỉ vậy, với Dự án Tạo thuận lợi thương mại (TFP) do Tổng cục Hải quan triển khai với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đã được tăng cường trong quá trình hoạch định chính sách, đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Công chức Hải quan Ninh Thuận hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Thu

Công chức Hải quan Ninh Thuận hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Thu

Bài 1: Trái ngọt từ những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại

Sau 5 năm triển khai thực hiện Dự án TFP (2018 - 2023), Việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định trong tạo ...

“Đánh trúng” nhu cầu nền kinh tế

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ, người hưởng lợi quan trọng của Dự án TFP chính là DN, các nhà xuất nhập khẩu (XNK). Do đó, cộng đồng DN đánh giá cao kết quả của Dự án TFP trong 5 năm qua.

Phân tích cụ thể hơn về những kết quả đó, ông Tuấn cho hay, dự án “đánh rất trúng” nhu cầu hiện nay của nền kinh tế và cộng đồng DN vì nó hỗ trợ rất tốt cho tạo thuận lợi thương mại - nghĩa là giúp cho các hoạt động XNK thuận lợi hơn.

“Ai cũng hiểu vai trò của XNK trong phát triển kinh tế Việt Nam. Hiện nay, tổng kim ngạch XNK đã gấp đôi GDP. Việt Nam là nền kinh tế rất mở, hàng hóa ra vào nhanh chóng, ít chi phí, tin cậy thì sẽ tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN. Do đó dự án đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế và DN” - đại diện VCCI nêu.

Bên cạnh đó, đối tác thực hiện dự án là Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) là rất phù hợp vì đây là cơ quan chủ trì các hoạt động trong lĩnh vực này, cũng là đầu mối trong phối hợp giữa các bộ ngành để thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại. Và thời gian qua, cơ quan hải quan đã triển khai dự án hết sức tích cực.

Cũng theo ông Tuấn, một điểm đặc biệt là cách thiết kế các cấu phần của dự án rất hợp lý, có về thể chế, pháp luật; có về đào tạo; có quan tâm đến hoạt động địa phương vì vai trò của hải quan địa phương cũng rất quan trọng; có phần về DN tham gia, giám sát chất lượng cải cách. Do đó, kết quả cuối cùng của Dự án vừa sửa đổi chính sách pháp luật, vừa thúc đẩy thực thi của bộ máy, vừa nâng cao năng lực cán bộ thực hiện, lại vừa phát huy vai trò của DN trong quá trình cải cách.

Quan trọng là thay đổi nhận thức

Ở khía cạnh khác, giới chuyên gia đánh giá rằng, Dự án TFP là luồng gió mới, tác động tích cực đến sự thay đổi từ các bộ, ngành, tạo ra cải cách trong quản lý từ đó hỗ trợ rất lớn cho cộng đồng DN. Đặc biệt, dự án còn là sự kết nối giữa cơ quan quản lý và cộng đồng DN, tìm ra tiếng nói chung để cùng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi trong quá trình thông quan hàng hóa qua biên giới cho DN.

Điều đó thể hiện rõ nhất qua việc, nếu như trước đây, hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại Việt Nam luôn là vấn đề nóng bỏng do có sự tham gia của nhiều bộ, ngành khiến thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài thì khi triển khai dự án đã được rút ngắn đáng kể.

Nhắc lại con số giảm 6% lô hàng nhập khẩu cần kiểm tra chuyên ngành sau 5 năm, ông Trần Đức Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội cho rằng, cùng với Dự án TFP, không chỉ những con số định lượng được thay đổi mà quan trọng hơn là nhận thức, cách tiếp cận vấn đề cũng đã khác đi. Những điểm này có thể chưa được hiện thực hóa ngay bằng một con số cụ thể nhưng chắc chắn sẽ là những giá trị bền vững mà dự án mang lại cho cộng đồng DN.

“Cái được nhất của dự án là đã thúc đẩy cả cộng đồng DN, cũng như cơ quan quản lý nhìn nhận yêu cầu bức thiết phải thay đổi những việc chúng ta đang làm trong nhiều năm trước đây và cách thức thay đổi như thế nào. Với định hướng đó, cơ sở đó, những điều dự án còn dang dở sẽ được hoàn thành. Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, điều thứ hai cần nhìn nhận là việc kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ban, ngành. Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” đã được tiếp cận trên giả định các thủ tục được thực hiện trong môi trường 4.0. Điều đó cần có sự chia sẻ dữ liệu. “Khi các bộ, ngành có kết nối với hệ thống hải quan điện tử thì áp lực của DN trong quá trình làm thủ tục hải quan sẽ giảm xuống rất nhiều. Điều này có ý nghĩa lớn không khác gì việc cải thiện cơ sở hạ tầng” - ông Nghĩa nêu.

Việc được trao quyền đánh giá chất lượng thủ tục hải quan, thủ tục thương mại đã góp phần giúp các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, có cơ hội nói lên tiếng nói của mình. Dự án TFP có thể kết thúc song vai trò của DN tham gia vào quá trình cải cách đã được xác lập và đó là tiền đề quan trọng cho những cải cách tiếp theo.

Tạo điều kiện thuận lợi thông quan hàng hóa từ cửa khẩu

Ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, Dự án Tạo thuận lợi thương mại thành công là sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, bởi quá trình cải cách liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu của cơ quan hải quan được hoàn thiện từ cơ sở pháp lý, quy trình nghiệp vụ, nâng cao nguồn nhân lực theo hướng tinh gọn, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí khi thực hiện thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong đó, dự án đã tích cực hỗ trợ cơ quan hải quan triển khai thực hiện các hoạt động, quy trình nghiệp vụ, tổ chức các cuộc khảo sát để ghi nhận, nắm bắt những khó khăn, hạn chế tại thực tiễn và điều chỉnh hợp lý trong quá trình xây dựng chính sách.

Những kiến thức, kinh nghiệm quốc tế và ý kiến đánh giá từ nhiều phía giúp cơ quan hải quan đảm bảo quá trình xây dựng chính sách được công khai, minh bạch từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện thông quan hàng hóa từ cửa khẩu.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-2-dap-ung-ky-vong-cua-cong-dong-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-128320-128320.html