Bài 2: … đến thói quen giữ vệ sinh
“Ðảng viên đi trước”
>>>Bài 1: Từ chuyện làm vườn rau…
LCĐT - Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng “Thôn kiểu mẫu” và “Thôn nông thôn mới” đã trở thành phong trào lan tỏa tại các thôn, bản trong tỉnh. Tại nhiều địa phương, đảng viên trở thành hạt nhân đi đầu trong công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại, đường làng, ngõ xóm và đảm bảo an ninh, trật tự nông thôn. Đây chính là cách làm để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thôn Bản Phố 2C thuộc xã vùng cao Bản Phố (Bắc Hà) có 100% hộ là đồng bào Mông sinh sống. Những năm trước, công tác vệ sinh môi trường ở đây luôn là vấn đề nan giải bởi bà con có thói quen thả rông gia súc, làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm gần nhà. Điều này đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Chi bộ Bản Phố 2C đưa nội dung thực hiện tiêu chí môi trường vào nghị quyết để chỉ đạo thực hiện. Theo đó, 11 đảng viên trong chi bộ được phân công phụ trách từng nhóm hộ (từ 5 - 6 gia đình/nhóm) và thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Theo ông Giàng Xuân Chang, Bí thư Chi bộ Bản Phố 2C, từ khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, chi bộ đã yêu cầu các đảng viên phải tiên phong đi trước, làm gương cho quần chúng, nhất là việc đảm bảo vệ sinh, môi trường. Các đảng viên phải gương mẫu làm chuồng nuôi nhốt gia súc ra xa nhà, chỉnh trang nhà ở, xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh. Mỗi đảng viên cũng được giao nhiệm vụ phụ trách tuyên truyền một nhóm hộ thực hiện tiêu chí này. Kết quả thực hiện vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới được lấy làm căn cứ bình xét thi đua hằng năm của đảng viên.
Đã thành thói quen, hằng tuần, đảng viên Hoàng Thị Khé, Chi bộ Bản Phố 2C thường đến các hộ trong thôn để tuyên truyền, vận động giữ gìn vệ sinh môi trường. Chị gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa, tự xây công trình vệ sinh đạt chuẩn, làm chuồng nuôi nhốt gia súc ra xa nhà…Nhờ đó, chị đã vận động thành công 6 hộ thực hiện các quy định về vệ sinh, môi trường. Từ ngày được chị Khé hướng dẫn, các thành viên trong gia đình anh Sùng Seo Páo đã có nếp sinh hoạt hợp vệ sinh hơn, trẻ em ít mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa, gia đình cũng không còn thả rông gia súc.
Trước đây, đồng bào Mông xanh ở thôn Tu Thượng, xã Nậm Xé (Văn Bàn) còn nhiều hủ tục trong sinh hoạt hằng ngày làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Những thói quen như làm chuồng nuôi nhốt gia súc gần nhà ở, cho gia súc phóng uế bừa bãi, không xây nhà vệ sinh... đã trở thành rào cản lớn trong thực hiện tiêu chí môi trường của địa phương. Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Chi bộ Tu Thượng đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ ăn, ở hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường sống. Hằng tuần, chi bộ chọn 1 hộ để tổ chức mô hình điểm về quét dọn, chỉnh trang nhà ở, thu gom, xử lý rác thải và mời người dân trong thôn đến tham quan. Các đảng viên trong chi bộ được yêu cầu thực hiện trước để bà con làm theo; nếu hộ đảng viên nào không làm nhà vệ sinh, để chuồng nuôi nhốt gia súc gần nhà sẽ bị trừ điểm khi bình xét thi đua cuối năm. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chi bộ và các đoàn thể ở địa phương, giờ đây, đồng bào Mông xanh ở Tu Thượng đã có nhiều chuyển biến trong thực hiện tiêu chí môi trường.
Trước năm 2016, giống nhiều thôn, bản ở các xã vùng cao trong tỉnh, người dân thôn Cóc 2, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) chưa coi trọng việc giữ gìn vệ sinh môi trường và thực hiện nếp sống văn minh. Với quyết tâm làm thay đổi tư duy của người dân, tập thể lãnh đạo chi bộ và các đoàn thể thôn đã bàn bạc, đưa ra nhiều biện pháp phù hợp với thực tế. Biện pháp thiết thực nhất được chi bộ thôn thực hiện là yêu cầu bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đảng viên phải trở thành nhân tố tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa, làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà, làm nhà vệ sinh, đào hố rác... Sau khi các hộ lãnh đạo thôn và đảng viên hoàn thành xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn, người dân được mời tới tham quan..
“Trăm nghe không bằng một thấy”, tận mắt chứng kiến và thấy được lợi ích của việc giữ gìn vệ sinh môi trường, chẳng ai bảo ai, nhiều hộ trong thôn tự giác làm nhà vệ sinh, đào hố rác và đưa hệ thống chuồng nuôi nhốt gia súc ra xa nhà. Đối với các hộ phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, chi bộ vận động bà con đầu tư hệ thống bioga để xử lý chất thải. Với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, các đoàn thể trong thôn hỗ trợ kinh phí và ngày công làm 3 loại công trình vệ sinh đạt chuẩn. Giờ đây, 100% hộ trong thôn đã có 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn, góp phần giúp Cóc 2 trở thành thôn kiểu mẫu.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đặc biệt là tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, tiêu chí vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến. Cụ thể, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2019 đạt 92% (tăng 2% so với năm 2018), xây dựng và nâng cấp 9.887 nhà tiêu hợp vệ sinh (nâng tỷ lệ hộ khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 72%), làm mới 3.455 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh (79% số hộ chăn nuôi có chuồng nuôi đạt yêu cầu), số xã tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đạt 75%...