Bài 2: Đoàn kết, nhân văn, hướng thiện
Mặt trận thường xuyên tiếp xúc với đồng bào dân tộc, tôn giáo- nhất là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo, già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn, vướng mắc ...
“Khi xảy ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tôi cùng nhiều người khác tham gia Thanh niên xung phong, phục vụ chiến đấu ở huyện biên giới Tân Biên. Chính trong thời gian này, tôi thấy được tinh thần đoàn kết của những người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời đó.
Giữa sự sống và cái chết, thiếu thốn đủ đường, “khi thiếu súng và khi thì thiếu gạo” nhưng lớp thanh niên vẫn một lòng vì sự trường tồn, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”- ông Nguyễn Bá Hùng, một giáo dân ở ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành mở cầu câu chuyện về đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
NHỮNG VIỆC LÀM CỤ THỂ
“So với thời chúng tôi, thế hệ hôm nay sống trong hòa bình, không có chiến tranh, được tạo nhiều cơ hội trong học hành, lập thân lập nghiệp. Tôi cho rằng, thế hệ trẻ cần phấn đấu nhiều hơn nữa, vì điều kiện hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều so với thể hệ chúng tôi.
Tôi được biết, tuổi trẻ hôm nay nhiều người năng động, rất giỏi. Không chỉ vậy, họ còn thực hiện vai trò kết nối giữa tài năng cá nhân, thành công của mình với việc phục vụ cộng đồng”- ông Nguyễn Bá Hùng- Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Tây Ninh chia sẻ.
Là người theo đạo Công giáo, ông Hùng nhìn nhận, nơi ông đang sinh sống cũng như nhiều xứ đạo khác, tinh thần đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid- 19 càn quét.
“Những ngày lễ trọng đại, lễ hội của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, đồng bào có đạo, chức sắc tôn giáo bạn đều đến chúc mừng. Tôi lấy ví dụ, lễ Giáng sinh của người Công giáo, đại diện các tôn giáo bạn đến chúc mừng, rồi lãnh đạo chính quyền các cấp cũng thế.
Đây chẳng phải thực hiện, cụ thể hóa tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó sao”- ông Hùng chứng minh. Vị chức sắc nói tiếp, tinh thần chung của người Công giáo là sống phúc âm giữa lòng dân tộc, đồng hành cùng dân tộc.
“Chúng ta biết rằng, thời kỳ đất nước còn chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa người có đạo và người không theo đạo. Nước ta hồi đó còn yếu, nếu không đại đoàn kết như Bác Hồ kêu gọi, làm sao đánh đuổi quân thù, bảo vệ giang sơn gấm vóc.
Không chỉ thế, đoàn kết còn ngăn chặn âm mưu chia rẽ dân tộc Việt Nam ta, thời nào cũng vậy. Hiện nay, có vị chức sắc đạo Công giáo là đại biểu Quốc hội và tham gia nhiều cơ quan dân cử khác, ví dụ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Đây là vinh dự, tự hào của những người có đạo”. Dẫn lại một số câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các tôn giáo, ông Nguyễn Bá Hùng khẳng định, tôn giáo nào cũng hướng đến giá trị tốt đẹp, hướng thiện.
Giáo hạt Tây Ninh thuộc giáo phận Phú Cường, tổng cộng khoảng 46 nghìn dân. Trong những năm qua, được sự giúp đỡ của chính quyền, các ngày lễ lớn của tôn giáo được thực hiện trang trọng, tôn nghiêm, điều này củng cố niềm tin của giáo dân vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhân đạo, tình thương là một trong những giá trị tốt đẹp của tôn giáo, tinh thần đại đoàn kết thể hiện rõ nét. Năm 2022, giáo hạt Tây Ninh xây 30 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết và tặng quà cho người nghèo dịp lễ Giáng sinh, tết nguyên đán, tổng trị giá gần 5 tỷ đồng. Thời điểm dịch Covid- 19 bùng phát, giáo hạt tổ chức hàng trăm chuyến xe không đồng hỗ trợ thực phẩm cho các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, quy ra tiền hơn 3,5 tỷ đồng.
“Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Chúng ta hoàn thành sứ mệnh vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.
Tổ chức Công giáo đã luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, phối hợp đồng hành cùng các lực vũ trang trên địa bàn, vận động các chức sắc, chức việc nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Tuân thủ Luật Tín ngưỡng như đăng ký hoạt động tôn giáo hằng năm, bảo đảm tốt an ninh trật tự, giữ gìn môi trường sạch đẹp.
Giáo xứ luôn vận động con em đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự, lên đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…” - trích báo cáo thành tích năm 2022 của giáo xứ Phong Cốc, xã Thái Bình, huyện Châu Thành đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen.
MÁI NHÀ CHUNG
"Thời gian qua, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng về thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh làm tốt vai trò của mình trong thực hiện tập hợp, đoàn kết giữa các tôn giáo, các dân tộc ở tỉnh nhà, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc, tôn giáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào cũng như thực hiện công tác chăm lo chính sách cho đồng bào dân tộc, tôn giáo”- bà Đặng Minh Lũy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh cho biết.
Cụ thể hơn, tổ chức đoàn thăm, tặng quà cho các dân tộc, tôn giáo nhân các dịp lễ trọng như Đại lễ đức Chí tôn, Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung, 98 năm ngày khai đạo, lễ khánh thành, tổng kết đạo sự, Đại hội Nhơn sanh của đạo Cao Đài; lễ Giáng sinh, Phục sinh, lễ Cảm tạ của Công giáo và Tin lành; lễ Phật đản, Vu lan, lễ kỷ niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn của Phật giáo; lễ Raya Ramadhan và Maulid Nabi Mohamad của Hồi giáo; tết cổ truyền Chol Chnam Thmay và Sen Dolta của người Khmer, Saunco Khmun của người Tà Mun, Nguyên tiêu của người Hoa...
Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đoàn đi thăm, chúc mừng và tặng quà cho đồng bào các dân tộc, tổ chức và cá nhân tôn giáo; tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan, học tập tại các khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh, tạo thêm sự phấn khởi cho các chức sắc, chức việc tôn giáo và già làng, người uy tín các dân tộc, củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước.
Mặt trận thường xuyên tiếp xúc với đồng bào dân tộc, tôn giáo- nhất là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo, già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tôn giáo, đời sống đồng bào dân tộc.
Từ đó, kịp thời báo cáo với cấp ủy, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng nhằm tạo sự an tâm, tin tưởng cho đồng bào dân tộc, tôn giáo. Năm 2022, Mặt trận tổ chức 19 hội nghị tiếp xúc dân tộc, tôn giáo theo định kỳ với sự tham gia của 2.114 chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu tôn giáo, già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc.
Mặt trận ghi nhận 40 ý kiến, kiến nghị đề xuất liên quan đến các hoạt động tôn giáo và đời sống đồng bào dân tộc, đã chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đạt 100%, tạo sự tin tưởng và đồng thuận trong đồng bào dân tộc, tôn giáo của tỉnh nhà.
Mặt trận vận động các tổ chức tôn giáo đoàn kết phát huy vai trò trong chăm lo công tác an sinh xã hội, tổng số tiền Mặt trận Tổ quốc các cấp vận động tổ chức, cá nhân tôn giáo đóng góp cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 đạt hơn 86 tỷ đồng.
“Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh đã đoàn kết các thành phần dân tộc, tôn giáo, được xem là mái nhà chung của đồng bào dân tộc, tôn giáo. Mặt trận thực hiện tốt vai trò của mình, phát huy vai trò các ủy viên Ủy ban MTTQVN các cấp là chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, người uy tín dân tộc góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, tôn giáo chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, góp phần quan trọng trong củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc”- bà Đặng Minh Lũy nhìn nhận.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-doan-ket-nhan-van-huong-thien-a158355.html