Bài 2: Đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức
Tinh thần đoàn kết là 'sợi chỉ đỏ' xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh. Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh giúp Quảng Ninh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, những thành quả của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực xây dựng, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng,… và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tạo động lực và nguồn lực quan trọng đưa tỉnh ngày càng phát triển vững chắc, vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, thách thức.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, trong điều kiện hiện nay càng phải chăm lo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin trong nhân dân tạo sự đồng thuận xã hội cao nhất và càng phải dựa vào nhân dân để xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Những nội dung này đều là những chủ trương lớn đã tiếp tục được xác định trong Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương.
MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước huy động sức mạnh toàn dân, tiêu biểu là: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” gắn với chuyển đổi số; Phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh”; Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”,…
Mọi hoạt động đều hướng về cơ sở, khu dân cư làm tăng tính thiết thực và hiệu quả của các phong trào, các cuộc vận động, góp phần tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Từ đó, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong tham gia những công việc của địa phương với nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đạt hiệu quả cao... Điển hình như việc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng nông thôn mới;…
Nhớ lại, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Quảng Ninh đã có những quyết sách đúng đắn, khoa học, mang tính tổng thể, xử lý kịp thời những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh. Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ sớm, từ xa, từ cơ sở chính là điều kiện tiên quyết giúp Quảng Ninh giữ vững địa bàn an toàn, thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, MTTQ các cấp trong tỉnh đã đồng loạt phát động, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19; phát hiện, tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người cố tình vào địa bàn tỉnh mà không khai báo, không chấp hành việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch”. Từ đó, nhiều mô hình nhân dân tự quản cùng nhau chống dịch đã được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả, phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong cuộc chiến chống "giặc Covid-19". Thời điểm đó cả tỉnh đã xây dựng 15.680 tổ tự quản về phòng, chống dịch, hàng nghìn tổ liên gia “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người” góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng…
Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương triển khai vận động tiêm vaccine đạt kết quả cao nhất của cả nước. Đồng thời, tích cực vận động nhân dân ủng hộ tiếp nhận và phân khai nguồn hỗ trợ Covid-19 đảm bảo theo quy định, đóng góp, ủng hộ Quỹ vaccine của Chính phủ với số tiền 100 tỷ đồng…
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, MTTQ và các tổ chức thành viên đã tạo được những phong trào sôi nổi để chính người dân tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Thắp sáng đường quê”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới”... Qua các phong trào, hàng trăm nghìn m2 đất đã được nhân dân hiến tặng để làm các công trình giao thông, nhà văn hóa; hàng trăm nghìn ngày công được các lực lượng quân đội, đoàn thể, cùng nhân dân đóng góp; hàng trăm tỷ đồng được huy động để hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa, xây mới nhà vệ sinh, đường bê tông liên thôn, kênh mương nội đồng, tu sửa nhà văn hóa, trạm y tế...
Sự chung sức, đồng lòng của toàn dân đã góp phần quan trọng giúp Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Cùng với đó, tỉnh cũng hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đã chuyển sang thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức chuẩn nghèo chung của cả nước…
Đó là những minh chứng rõ nét cho sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động sức mạnh nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từ nền tảng đó, Quảng Ninh đang vững vàng hướng tới xây dựng, phát triển tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Mục tiêu được tỉnh Quảng Ninh đặt ra đến năm 2030 là trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu. Đến thời điểm đó, tỉnh phấn đấu đạt GRDP bình quân đầu người hơn 15.000 USD/năm...
Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, chủ động hóa giải các nguy cơ, năng động, tự lực, tự cường với khát vọng đổi mới, sáng tạo, phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025, và hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045.