Bài 2: Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới
80 năm thực hiện Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đồng Nai đã liên tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, đi đầu cả nước trong việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Trong đó, Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); đồng thời, lan tỏa phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới trong đồng bào tôn giáo.
* Phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, Đồng Nai đã đẩy mạnh phát triển văn hóa, khôi phục các lễ hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con. Nổi bật là công tác sưu tầm và biên soạn dữ liệu phi vật thể (phong tục, tập quán, tín ngưỡng); kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các lễ hội được quan tâm, tạo điều kiện để khôi phục và tổ chức hàng năm như: Sayangva, Sayangvri (dân tộc Chơro); Yang Bơ nơm, Yang Koi (đồng bào Mạ); Lễ hội chùa Ông (người Hoa); Cholchnamthmay, Sendolta, Ocomboc (dân tộc Khmer); Ramandan, Roya Haji (dân tộc Chăm)…
Già làng Điểu Liệt (ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) cho hay: “Trước đây, đời sống người Chơro ở Định Quán rất khó khăn, bà con phải lo kiếm cái ăn, cái mặc trước khi nghĩ đến văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống của đồng bào đang dần đi lên. Địa phương đã hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa dân tộc, bổ sung các hiện vật, cồng chiêng… tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Chơro sinh hoạt văn hóa, khôi phục lễ hội truyền thống hàng năm, truyền nghề cũng như hướng dẫn người trẻ học cồng chiêng”.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh NGUYỄN VĂN KHANG cho biết: “Đồng Nai hiện có trên 50 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS có hơn 198 ngàn người, chiếm 6,42% dân số toàn tỉnh. Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, song trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS gặp một số khó khăn. Trong đó, một bộ phận giới trẻ trong đồng bào DTTS chưa quan tâm đến văn hóa truyền thống; các hiện vật trong đồng bào ngày một ít đi; một số lễ hội của đồng bào không được duy trì, đang dần mai một và mất đi”.
Theo Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Dung, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS được các địa phương quan tâm trong nhiều năm qua. Không chỉ chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho bà con tại các thiết chế mà huyện luôn khuyến khích đồng bào dân tộc tích cực tham gia, tạo ra các hoạt động của đồng bào. Hàng năm, huyện phối hợp với các xã, ấp có đông đồng bào DTTS tổ chức lễ hội Sayangva; kết nối với đồng bào DTTS ở các huyện, thành phố. Các hoạt động vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, xây dựng đời sống văn hóa mới trong đồng bào DTTS, bài trừ các hủ tục lạc hậu.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết, hiện Đồng Nai đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 15 nhà văn hóa dân tộc thuộc 6 huyện (Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Thành, Vĩnh Cửu và Thống Nhất); đồng thời, trang bị gần 50 bộ cồng chiêng, trống, chập chạ, ngũ âm cho các nhà văn hóa dân tộc. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh. Định kỳ 2 năm/lần, tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hóa - thể thao các DTTS tỉnh Đồng Nai… tạo không gian văn hóa để đồng bào các DTTS giao lưu, gắn kết và phô diễn nét đẹp truyền thống.
“Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai, thực hiện nghị quyết, chỉ thị… của Trung ương và địa phương về công tác dân tộc, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh điền dã, sưu tầm, các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến văn hóa truyền thống của đồng bào, gắn công tác bảo tồn, phát huy với phát triển du lịch văn hóa DTTS, giải quyết việc làm trong đồng bào. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền hình ảnh các DTTS, thành tựu công tác dân tộc; có chế độ chính sách đối với đội ngũ làm già làng, người uy tín làm việc tại các thiết chế văn hóa dân tộc…” - ông Khang nhấn mạnh.
* Lan tỏa nếp sống văn minh trong đồng bào các tôn giáo
Xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) có đông đồng bào các tôn giáo sinh sống, nhiều nhất là Công giáo. Để góp phần cùng các tầng lớp nhân dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa và lan tỏa nếp sống văn minh, xã đã phối hợp chặt chẽ với các giáo xứ, giáo họ và linh mục triển khai các phong trào đến khu dân cư. Trong đó, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các mô hình, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Định Bùi Trọng Vinh cho biết, nhờ chung sức, đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới nên thu nhập của người dân xã Xuân Định hàng năm tăng, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được cải thiện. Hiện 100% đồng bào các tôn giáo ở xã đã xây dựng quy ước, hương ước; tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư.
Bà MAI HẢI YẾN, giáo dân ngụ tại xã Trung Hòa (H.Trảng Bom):Bà con giáo dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Phát huy truyền thống đoàn kết, sống “tốt đời - đẹp đạo” của đồng bào Công giáo, chúng tôi đi đầu, cùng chính quyền vận động bà con giáo dân tham gia các phong trào do địa phương phát động. Trong đó, tham gia các mô hình bảo vệ an ninh trật tự, tự nguyện đóng góp, ủng hộ kinh phí để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, phục vụ thuận lợi cho việc đi lại, phát triển sản xuất…
Phó chủ tịch UBND P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) Nguyễn Quang Tuyến chia sẻ: “P.Hố Nai hiện có 11 giáo xứ. Các giáo xứ trên địa bàn phường thường xuyên hưởng ứng tham gia Ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp; thực hiện tốt công tác từ thiện, chăm lo đời sống vật chất cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Các linh mục, chức sắc Công giáo thường xuyên nhắc nhở, theo dõi, giúp đỡ những đối tượng, hay những gia đình có nguy cơ vướng vào tệ nạn xã hội. Khi phát hiện các điểm có nguy cơ tạo thành điểm nóng, các chức sắc tôn giáo đều báo với công an phường nhằm xử lý triệt để, đảm bảo an ninh trật tự. Do đó, trên địa bàn P.Hố Nai không xảy ra tình trạng hoạt động mại dâm; ma túy giảm đáng kể”.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho biết: “Những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức phát động và vận động hội viên, đoàn viên là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tích cực xây dựng nếp sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, hạn chế đốt vàng mã… gắn với các phong trào thi đua của các tôn giáo như: Sống “tốt đời, đẹp đạo”, là “công dân tốt của Tổ quốc”, “xây dựng xứ họ đạo bình yên”, “nước vinh, đạo sáng”, “chùa cảnh tinh tiến”. Đặc biệt, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã có nhiều cách làm phù hợp với đặc điểm của địa phương, đoàn kết cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa”.
Toàn tỉnh hiện có gần 150 khu dân cư vùng đồng bào các tôn giáo thành lập khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình cơ sở tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường đã và đang hoạt động hiệu quả như: Khu nhà đại đoàn kết vệ sinh, sạch đẹp (giáo xứ Phú Lý, H.Vĩnh Cửu); Đội nữ dân phòng giữ gìn an ninh trật tự trong vùng đồng bào có đạo” (xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất); Xứ đạo an toàn về an ninh trật tự (H.Định Quán); Tiếng kẻng an ninh (xã Quảng Biên, H.Trảng Bom); Xóm đạo bình yên (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc).... Đến nay, 100% khu dân cư có đông đồng bào Công giáo đều đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hóa; 99% gia đình Công giáo đạt danh hiệu gia đình văn hóa.