Bài 2: Đổi mới là văn hóa, văn hóa là đổi mới

Năm 1975, đất nước thống nhất. Đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội được xác định tại Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) và thứ V (1982); văn hóa được khẳng định là một trong ba cuộc cách mạng ở Việt Nam: cách mạng về quan hệ sản xuất (đi trước một bước); cách mạng về khoa học - kỹ thuật (là then chốt) và cách mạng về tư tưởng văn hóa.

Chiếu phim phục vụ bà con nông thôn ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành năm 2003. Ảnh: Đ.H.T

Chiếu phim phục vụ bà con nông thôn ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành năm 2003. Ảnh: Đ.H.T

“Văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa mất thì đất nước mất”.

Bước ngoặt

Theo quan niệm giản đơn về chủ nghĩa xã hội nói chung dẫn tới nhận thức giản đơn, duy ý chí về văn hóa nói riêng, văn hóa thời kỳ này mang nặng tính giai cấp trong biện pháp, cách thức thực hiện. Văn hóa thường được hiểu là ca múa nhạc, sân khấu điện ảnh, văn học, nghệ thuật; các biểu hiện nhất định trong đời sống sinh hoạt cơ bản của con người như ăn, ở, mặc...

Thậm chí, văn hóa còn được hiểu là trình độ học vấn ghi trong lý lịch của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (trình độ văn hóa). Bước ngoặt diễn ra tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

Thời điểm này, do phải tập trung chặn đứng, đẩy lùi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nên lĩnh vực văn hóa chưa được quan tâm tương xứng để đổi mới về chất so với thời kỳ bao cấp trước đó. Đại hội lần thứ VII của Đảng (1991) đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Lần đầu tiên, sáu đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được xác định một cách cụ thể. Trong đó, đặc trưng thứ ba là “có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cột mốc này đánh dấu sự đổi mới tư duy, nhận thức của Đảng về văn hóa với phạm vi, nội hàm rộng lớn và bao quát hơn.

Năm 1998, Đảng ban hành Nghị quyết chuyên đề về văn hóa, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16.7.1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghị quyết 03 đã chỉ ra một hệ thống giá trị văn hóa trên các lĩnh vực, lần đầu tiên được xác lập ở Việt Nam, bao gồm: văn học, nghệ thuật; môi trường văn hóa; tư tưởng, đạo đức lối sống; giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; thông tin truyền thông đại chúng; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Việt Nam; chính sách văn hóa đối với tôn giáo; hoàn thiện thể chế văn hóa; mở rộng hợp tác giao lưu quốc tế về văn hóa.

Như vậy, quan niệm về văn hóa đã đổi mới một cách toàn diện, khái quát hơn và đây là cơ sở khoa học để Đảng xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy đất nước và xã hội phát triển.

Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội; gắn với chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Văn hóa được thể hiện trong sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, quản lý của Nhà nước, được thể chế hóa thành hệ thống pháp luật; trong dân chủ hóa xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời trong bối cảnh Đảng ta chủ động đổi mới tư duy, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn hóa.

Nghị quyết này thể hiện bước chuyển quan trọng về tư duy lý luận, năng lực đúc kết thực tiễn những năm đầu đổi mới; chứa đựng nhiều giá trị tư tưởng, nhân văn và khoa học.

Về nhận thức, tính chất tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc giúp chúng ta hiểu văn hóa một cách sâu sắc, toàn diện hơn. Các quan niệm cũ như “nội dung xã hội chủ nghĩa”, “hình thức dân tộc”, “văn hóa xã hội chủ nghĩa”, “tính chất dân tộc”… được thay thế bằng các tính chất nêu trên. Nền văn hóa Việt Nam với hai tính chất cơ bản “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trở thành một trong những đặc trưng của cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Vì con người

“Tiên tiến” là không xa rời mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tiên tiến là nền văn hóa phải vì con người, bởi con người là trung tâm, mục tiêu, động lực để phát triển.

Con người phải được sống trong tự do và phát triển toàn diện, có mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân với gia đình, cộng đồng, xã hội và tự nhiên. Tiên tiến là biết cầu thị, học tập, tiếp thu những thành tựu văn minh nhân loại để làm giàu có hơn tiềm năng, tiềm lực văn hóa của nhân dân, dân tộc Việt Nam.

Tiên tiến phải biết kết hợp giá trị văn hóa, thời đại để phát triển tính nhân văn trong văn hóa Việt Nam. Nó không chỉ cộng hưởng mà còn cộng đồng trách nhiệm đối với những vấn đề văn hóa chung, mang tính toàn cầu của thế giới hôm nay.

“Đậm đà bản sắc dân tộc” là giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa, được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, nhân ái, bao dung, đoàn kết, tự tôn dân tộc; yêu quý con người với những giá trị chân - thiện - mỹ. Mặt khác, biết từ chối, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, chịu ảnh hưởng tiêu cực trong hệ tư tưởng phong kiến.

Chúng ta còn phải từ chối, loại bỏ sự áp đặt văn hóa phản động, nô dịch do các thế lực thực dân đưa vào Việt Nam. Tinh thần “gạn đục khơi trong” trở thành yêu cầu cấp bách khi Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng vào thế giới ngày nay. Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc phải hướng đến xây dựng con người Việt Nam yêu nước, cách mạng, văn minh, hiện đại.

“Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trở thành định hướng để giải quyết các mối quan hệ phức tạp, rộng lớn luôn xuất hiện trong quá trình đổi mới văn hóa với kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Văn hóa đi trước một bước để mở đường cho chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Văn hóa là sức mạnh mềm, quyền lực mềm của đất nước và chế độ; là nhịp cầu kết nối giữa Việt Nam với bạn bè trong khu vực và trên thế giới.

Du khách tham quan Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ảnh tư liệu

Du khách tham quan Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ảnh tư liệu

Đổi mới tư duy, nhận thức về văn hóa là điều kiện để các loại hình văn hóa mang tính truyền thống, đã định hình từ trước đến nay được phát triển. Nhiều loại hình văn hóa mới được xác lập và từng bước hình thành ở Việt Nam như quan niệm về xây dựng môi trường văn hóa là tiền đề, điều kiện phát triển văn hóa toàn diện.

Từ quan niệm này đã xuất hiện các phong trào sôi nổi, rộng lớn trong nhân dân, đem lại những kết quả đáng khích lệ như xây dựng gia đình văn hóa, công sở văn hóa, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư...

Quan niệm về “công nghiệp văn hóa” xuất hiện, từng bước được Nhà nước và cộng đồng quan tâm đầu tư nguồn lực, mang lại sự chuyển biến, khởi sắc trên các lĩnh vực như du lịch, bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, xuất bản, giải trí, thời trang, tổ chức sự kiện...

Thể chế hóa văn hóa được coi là điểm mạnh trong thời gian vừa qua khi nhiều đạo luật liên quan tới lĩnh vực văn hóa đã được xây dựng, ban hành và đi vào cuộc sống, như Luật Xuất bản, Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ... Các đạo luật này có ý nghĩa to lớn trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, trong quá trình hội nhập văn hóa Việt Nam với văn hóa khu vực và thế giới.

Nghị quyết hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Trung ương khóa XI bổ sung thêm giá trị mới khi gắn con người với văn hóa (Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước).

Thực hiện các nghị quyết trên, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị và kinh tế bước đầu được coi trọng, phát huy hiệu quả. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc.

Con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người được chú trọng.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-doi-moi-la-van-hoa-van-hoa-la-doi-mo-a140962.html