Bài 2: Đổi mới quản lý nhân lực để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa

Trước yêu cầu hiện đại hóa, ngành hải quan đã có những đổi mới trong đào tạo, quản lý nguồn nhân lực. Trong đó, hoạt động đổi mới quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm được Tổng cục Hải quan đặc biệt quan tâm.

Đột phá trong sát hạch, kiểm tra cán bộ hải quan

Ông Lương Khánh Thiết, Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã tạo bước đột phá khi quyết định xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá năng lực công chức hải quan với việc lần đầu tiên tổ chức đánh giá năng lực gần 5.000 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Nội dung đánh giá thuộc 8 lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ chính: giám sát quản lý, thuế xuất nhập khẩu, kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu, quản lý rủi ro, xử lý vi phạm, thanh tra, kiểm định tại 8 vụ, cục thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan và 35 cục hải quan tỉnh, thành phố, chuẩn bị cho việc mở rộng phạm vi đánh giá năng lực trên tất cả các lĩnh vực, các đơn vị và các đối tượng trong các năm tiếp theo. Như vậy, việc đánh giá năng lực đã dần trở thành công việc thường xuyên, cần được tổ chức hàng năm để có đủ dữ liệu thực hiện các hoạt động trong công tác tổ chức cán bộ.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) Lương Khánh Thiết.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) Lương Khánh Thiết.

Năm 2023, việc đánh giá năng lực được thực hiện thông qua các bài thi trắc nghiệm 60 phút trên máy tính. Căn cứ vào yêu cầu năng lực cần có của từng vị trí việc làm mà mỗi vị trí sẽ có một cấu trúc đề khác nhau. Mỗi bài thi sẽ được máy tính lựa chọn ngẫu nhiên trong ngân hàng đề theo cấu trúc đó. Đặc biệt, thí sinh làm bài xong là máy tính chấm điểm và thông báo kết quả đánh giá ngay. Kết quả này được lưu trên hệ thống. Không ai can thiệp, sửa được bài thi của thí sinh nên việc đánh giá đảm bảo khách quan, minh bạch, lượng hóa rõ ràng trình độ năng lực của mỗi công chức.

Một điểm nổi bật so với các kỳ đánh giá năng lực trước kia là năm nay, lần đầu tiên Tổng cục Hải quan đưa vào phương pháp xây dựng câu hỏi nguyên tắc. Một câu hỏi nguyên tắc sẽ có nhiều câu hỏi có bố trí đáp án khác nhau nên thí sinh bắt buộc phải nắm và hiểu các nội dung nghiệp vụ gốc mới làm được bài.

Quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp ngày càng đi vào hiệu quả và thực chất.

Quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp ngày càng đi vào hiệu quả và thực chất.

Đánh giá về bộ đề thi năm nay, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp cho rằng, bộ đề xây dựng theo vị trí công việc hàng ngày mà công chức hải quan đang thực hiện. Tuy nhiên, trong đó có những câu hỏi có mức độ khó nhằm phân loại những công chức có kiến thức tổng hợp toàn diện...Nhờ sự đổi mới này, so với những năm trước, kỳ đánh giá năng lực năm 2023 công chức dự thi được tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình ôn tập.

Kết quả đánh giá năng lực cũng đã từng bước được sử dụng trong công tác tổ chức cán bộ với các hoạt động như: điều động, chuyển đổi vị trí công tác; đánh giá, xếp loại công chức, viên chức; đào tạo; bổ nhiệm... Qua đó, đảm bảo bước đầu bố trí đúng người đúng việc, đảm bảo công chức nắm được kiến thức nhất định trước khi đảm nhận vị trí mới. Từ đó hạn chế sự hẫng hụt, rủi ro có thể gặp phải sau mỗi đợt điều động, luân chuyển.

Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hồng Linh nhấn mạnh, với quan điểm: “Cán bộ là nhân tố quyết định, là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và quá trình phát triển của Đảng bộ, của Cục Hải quan Lạng Sơn”, Cục Hải quan Lạng Sơn đặt mục tiêu hàng đầu trong công tác cán bộ là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC). Theo đó, mục tiêu đánh giá năng lực công chức để đổi mới quản lý nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực công chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ, chống phiền hà sách nhiễu, nâng cao tính liêm chính hải quan, góp phần đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa hải quan, hướng tới tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu trên địa bàn do Cục Hải quan Lạng Sơn quản lý.

Theo ông Nguyễn Kiên Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, việc tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ công chức luôn được đơn vị chú trọng thực hiện từ nhiều năm qua. Đối với việc triển khai mô hình đánh giá năng lực 2 cấp theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ động triển khai các nhiệm vụ liên quan. Với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan), đơn vị đã hoàn tất các công tác chuẩn bị, đảm các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi lần này.

Toàn cảnh tọa đàm về công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai.

Toàn cảnh tọa đàm về công nghệ Hải quan và thế hệ tương lai.

Tính đến nay, 2.618 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo đang công tác tại 24 Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã hoàn thành dự thi; gần 900 công chức Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh hoàn thành vào ngày 27/10. Việc tổ chức đánh giá năng lực được thực hiện rất bài bản, nghiêm túc, kết quả đạt được rất cao, với 90% thí sinh đạt yêu cầu, có kết quả đánh giá năng lực từ cấp độ 2 trở lên. Cấp độ 3 chiếm gần 70% tổng số thí sinh dự thi. Đến nay, đã có 171 thí sinh đạt điểm tối đa 100 điểm, trong đó có nhiều điểm 100 đến từ các thí sinh dự thi vị trí việc làm Kiểm tra sau thông quan cấp Cục (khó nhất ngành) cũng như vị trí việc làm thực hiện thủ tục thông quan đối với hàng hóa XNK thương mại (khó nhì ngành).

Ưu tiên công tác đào tạo

Tại phiên toàn thể 1 "Chiến lược đằng sau công nghệ: Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu" trong chuỗi Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO tổ chức trong tháng 10 tại Hà Nội, các diễn giả cho rằng, công nghệ không phải là quyết định mà công nghệ có vai trò quan trọng phục vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ con người trong công tác quản lý. Do đó, con người là yếu tố quyết định và công tác đào tạo, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ Hải quan là vấn đề cốt yếu. Các diễn giả mong muốn thế hệ tương lai sẽ đón đầu công nghệ mới bằng việc nghiên cứu, tiếp thu và học tập, nâng cao kiến thức thông qua việc không ngừng học tập, đào tạo.

Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn đánh giá cao vai trò của công nghệ trong chia sẻ kiến thức và làm cho nghề hải quan trở nên thu hút đối với thế hệ trẻ. Trong đó, con người đóng vai trò quản trị dữ liệu trong hải quan, thương mại quốc tế và cách thức xây dựng mô hình hoạt động giúp thu thập, khai thác được dữ liệu từ toàn bộ hệ sinh thái thương mại với sự trợ giúp của công nghệ.

Theo ông Cẩn, công nghệ đóng vai trò hỗ trợ việc thực hiện trong mọi vấn đề, trong đó có vấn đề con người. Mặc dù công nghệ không thể đóng vai trò quyết định thay thế con người, nhưng công nghệ tiên tiến thực sự đem lại nhiều lợi ích, lợi thế cho công tác nghiệp vụ của CBCC Hải quan. Để phát huy tối đa hiệu quả, con người cũng cần phải đặt ra các yêu cầu cho công nghệ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, con người cần phải có trình độ, tầm nhìn, sự hiểu biết, nắm bắt nhanh xu hướng phát triển cũng như vai trò của dữ liệu như thế nào thì mới triển khai và mang lại hiệu quả tối đa.

“Cùng với mục tiêu chung, Hải quan Việt Nam đã thường xuyên có những cuộc cách mạng về công nghệ, từ chuyển đổi phương thức quản lý thủ công sang điện tử. Hiện Hải quan Việt Nam đang nỗ lực, tự mình xây dựng và thiết kế hệ thống Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh. Trong tiến trình phát triển công nghệ vượt bậc liên tục như vậy, Hải quan Việt Nam thường xuyên chú trọng đào tạo cho cán bộ Hải quan để làm chủ được công nghệ. Trong đó, việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận cũng đang được Hải quan Việt Nam rất quan tâm”, ông Nguyễn Văn Cẩn chia sẻ.

Cơ quan Hải quan các cấp đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Cơ quan Hải quan các cấp đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh Hồng, nguyên đại diện Hải quan Việt Nam và chuyên gia tại WCO, hiện tại Hải quan Việt Nam đang nỗ lực, tự mình xây dựng và thiết kế hệ thống Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh. Trong tiến trình phát triển công nghệ vượt bậc liên tục như vậy thì Hải quan Việt Nam cũng chú trọng vai trò đào tạo cho cán bộ Hải quan để làm chủ được công nghệ. Theo bà Hồng, những năm qua, Hải quan Việt Nam luôn luôn ưu tiên công tác đào tạo kiến thức cho CBCC để triển khai thực hiện sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, công nghệ thông tin. Theo đó, Hải quan Việt Nam đang có kế hoạch để nâng cấp Trường Hải quan Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo khu vực của WCO, bởi mô hình trung tâm đào tạo là mô hình tiên tiến nhất hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho rằng, việc đào tạo cán bộ kế cận và cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực hải quan ở tầm quốc tế cần phải được quan tâm đào tạo nhiều hơn. Trong đó, đối với các cán bộ kế cận làm công tác quản lý thì việc tiếp cận theo xu hướng, tập trung đào tạo lĩnh vực cốt yếu, chuyên sâu thì mới đảm bảo tính bền vững và quản trị tốt quá trình triển khai công nghệ. Đặc biệt, cần phải chú trọng đưa các cán bộ ở những lĩnh vực đang thiếu, yếu, cần chuyên môn... đi đào tạo, tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm tại các cơ quan đào tạo quốc tế. Trong đó, Hải quan Việt Nam đang rất cần đào tạo thường xuyên cho các cán bộ chuyên nghiệp làm việc tại các vị trí như sân bay, cảng biển... về trị giá, mã, HS, C/O.

Là một trong những đơn vị hải quan tiên phong trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Đỗ Thanh Quang cho biết, trong nhiều năm qua, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh luôn tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hải quan và quản trị nội bộ; đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm thực tiễn cùng với toàn Ngành Hải quan xây dựng và nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực quản lý hải quan; thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sự đánh giá hài lòng của doanh nghiệp.

Cán bộ công chức Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh sử dụng thành thạo, có hiệu quả các Hệ thống nghiệp vụ phục vụ công tác như: Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, Chương trình giám sát hàng hóa tự động (Ecargo-VASSCM), Hệ thống thông tin quản lý rủi ro, Hệ thống E-Manifest, Hệ thống quản lý vi phạm hải quan, Hệ thống thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu…

Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã triển khai thành công một số đề án, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin mang tính đột phá như: Đề án tạo thuận lợi thương mại: thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa XNK tại cảng Cát Lái; Đề án Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, người lao động và tự soi, tự sửa tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh; Đề án đào tạo phân tích hình ảnh máy soi cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa, hành lý bằng máy soi; Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao công tác quản lý, theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Hiện tại, hàng hóa XNK đã được cơ quan Hải quan thực hiện thông quan tự động chiếm đến 99%. Trong đó 65% thông quan từ 1-3 giây, 30% thông quan từ 5-10 phút, 2-5% thông quan từ 1-2 tiếng. Cần thiết phải ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào trong quy trình thông quan hàng hóa để giúp cảnh báo rủi ro, kiểm soát chống buôn lậu, tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ. Để thực hiện được, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đề xuất Tổng cục Hải quan thu hút, tạo nguồn cán bộ từ thế hệ tri thức trẻ, xuất sắc để chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận, sẵn sàng cống hiến cho ngành Hải quan, cho đất nước.

Tại Cục Hải quan Bình Dương, ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực công chức theo vị trí việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới một số hoạt động quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm của Ngành. Kết quả đánh giá sẽ là căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ công chức trong đơn vị.

Ngoài ra, đơn vị còn có đội ngũ chuyên gia được phân chia theo từng mảng lĩnh vực nghiệp vụ, là những CBCC có trình độ chuyên môn giỏi, là cán bộ nòng cốt có kinh nghiệm đã tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Cục và Ngành trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về hải quan và hiện đại hóa hải quan, cũng như giảng dạy, đào tạo, tập huấn cho CBCC trong đơn vị, tham mưu giải quyết các vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý hải quan. Chính vì vậy, công tác đào tạo đã đem lại hiệu quả tích cực và từng bước nâng cao trình độ CBCC một cách toàn diện, đồng bộ.

Ngoài ra, để đáp ứng được yêu cầu xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh theo lộ trình của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cũng phải từng bước nâng cao và tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ của các tiện ích công nghệ và các phần mềm quản lý nghiệp vụ với trang thiết bị hiện đại. Tiếp tục vận hành ổn định chương trình thông quan điện tử VNACCS/VCIS, hệ thống TQĐT hiện đại nhất mà Hải quan Nhật Bản đang triển khai và tài trợ cho Hải quan Việt Nam.

Theo ông Hiệu, đơn vị đã triển khai 3 địa điểm kiểm tra tập trung có trang bị máy soi container (kho TBS-Tân Vạn, ICD Tân Cảng-Sóng Thần và Ngoài khu công nghiệp) đã nâng tỷ lệ kiểm tra container qua máy soi của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương trên địa bàn đạt tỷ lệ 100%. Công tác kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container đã giúp rút ngắn tối đa thời gian kiểm tra hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan, chi phí xếp dỡ container, chi phí nhân công bốc xếp cho doanh nghiệp, hàng hóa của doanh nghiệp không bị xáo trộn, hư hỏng do các điều kiện khách quan như thời tiết, trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như nâng cao thêm tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan, phòng chống buôn lậu gian lận thương mại hiệu quả.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/bai-2-doi-moi-quan-ly-nhan-luc-de-dap-ung-yeu-cau-hien-dai-hoa-i712416/