Bài 2: 'Đối với đảng phải tuyệt đối trung thành'

Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Điều 1 của Quy định 144-QĐ/TW ngày 9.5.2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự của Quân đội Liên bang Xô viết trong chuyến thăm Moskva ngày 12.7.1955. Ảnh: Russian Union of Journalists

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự của Quân đội Liên bang Xô viết trong chuyến thăm Moskva ngày 12.7.1955. Ảnh: Russian Union of Journalists

Đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và trước hết

Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, trang đầu tiên, Hồ Chí Minh nêu ra 23 điều về tư cách của một “người kách mệnh”. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều dịp đề cập với nội dung rất phong phú về vấn đề này, nhưng có ba nội dung chủ yếu có tính bao quát toàn bộ các mặt của nó mà Người thường xuyên đề cập.

Trước hết, suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc rèn luyện tư cách “người kách mệnh” phải diễn ra trong suốt cả cuộc đời của cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, có không ít cán bộ cách mạng trong quá trình hoạt động của mình, có lúc rất kiên trung với cách mạng nhưng do không chú ý rèn luyện hằng ngày, cho nên đã phai nhạt, thậm chí phản bội lại những lý tưởng của Đảng, làm hại sự nghiệp cách mạng. Trong thời chiến cũng như thời bình, không thiếu những trường hợp như thế.

Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết.

Trong quan điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ, đảng viên phải gắn vận mệnh của mình với vận mệnh của Đảng của Tổ quốc. “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân.

Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra quan điểm có tính nguyên tắc: “Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng”; đảng viên và cán bộ “phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết... Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng””.

Thứ ba, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân.

Chính vì thế, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong. Đó là do sự “tự giác”, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sĩ xung phong. Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo”.

Ngày 13.7.1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam sang Liên Xô, đến thăm nơi làm việc của V. I. Lenin (Moskva). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi vào sổ cảm tưởng của Nhà lưu niệm: “Lenin, người thầy vĩ đại của cách mệnh vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lenin muôn đời bất diệt”.

Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên tốt phải có 5 điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Nếu cán bộ, đảng viên không có một đời tư trong sáng thì sẽ không thuyết phục, vận động được Nhân dân trong các phong trào cách mạng. Cán bộ, đảng viên, ngoài việc phải hoàn thành tốt công việc chung của Đảng đã được phân công, lại phải còn là một thành viên tốt của gia đình, là một người công dân tốt, kiểu mẫu ở khu dân cư và ngoài xã hội, sống cuộc sống chan hòa, gần gũi với mọi người chung quanh trong cùng bản làng, phum, sóc, thôn, xóm...

Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28.1.1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28.1.1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Đảng - Dân và mối quan hệ máu thịt

Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, cán bộ, đảng viên không phải là người “làm quan cách mạng”, không phải như dưới thời thực dân - phong kiến “một người làm quan cả họ được nhờ”, không phải làm cán bộ, đảng viên để “đè đầu cưỡi cổ” dân chúng.

Cán bộ, đảng viên phải tận tụy với sự nghiệp cách mạng, phải trung thành với Đảng, với Tổ quốc, “phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Trung thành ở đây đòi hỏi cán bộ, đảng viên trước hết phải hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình được giao, kể cả trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và kể cả khi thời bình, xây dựng đất nước; khi gặp thắng lợi thì không kiêu căng, chủ quan, tự mãn; khi gặp khó khăn, gian khổ, trở ngại thì không hoang mang, dao động; “vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi”; phải luôn luôn có ý thức và hành động bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc.

Trung thành với cách mạng là phải hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân, làm việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ, cũng hết sức tránh. Cán bộ, đảng viên phải có mối liên hệ mật thiết với Nhân dân.

Tác phẩm “Đường kách mệnh”.

Tác phẩm “Đường kách mệnh”.

Đây là yêu cầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trong thời kỳ Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền. Mối quan hệ Đảng - Dân là mối quan hệ máu thịt, nếu cán bộ, đảng viên xa dân, vi phân quyền làm chủ của Nhân dân thì Đảng ta sẽ bị thoái hóa, biến chất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, xem xét một cán bộ không nên chỉ xem xét mặt bên ngoài, xem xét qua một việc, mà phải xem xét kỹ toàn bộ công việc của cán bộ đó. Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: trong thế giới, cái gì cũng biến hóa, tư tưởng con người cũng vậy, cho nên xem xét cán bộ phải toàn diện, xem xét cả một quá trình công tác của cán bộ.

Có người trước đây có sai lầm nhưng nay đã sửa chữa được, có người nay không có sai lầm nhưng sau lại mắc sai lầm, có người trước đây đi theo cách mạng nay lại phản cách mạng, ngược lại có người trước đây không theo cách mạng nay lại tham gia cách mạng... nghĩa là quá khứ, hiện tại, tương lai của mọi người không phải luôn luôn giống nhau. Do đó, xem xét cán bộ phải xem xét cả lịch sử của họ, toàn bộ công việc của họ.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-doi-voi-dang-phai-tuyet-doi-trung-thanh-a175372.html