Bài 2: Động lực lớn cho doanh nghiệp
Việc thực hiện các giải pháp về chính sách tài khóa trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, bám sát các mục tiêu và yêu cầu đề ra, từ đó đã tạo động lực vượt khó cho doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.
“Điểm sáng” trong phục hồi, tăng trưởng kinh tế
Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, việc thiết lập chính sách tài khóa tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế đã phát huy hiệu quả, bám sát các mục tiêu và yêu cầu đề ra.
Điều này được minh chứng bằng việc, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12% (là mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2022); các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng khá. Bước sang năm 2023, dù tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu đề ra khi chỉ đạt 5,05%, nhưng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu. Điều này thể hiện cố gắng, quyết tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, ngành trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội các năm 2022, 2023 cũng đạt được một số kết quả tích cực: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, cân đối NSNN được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, cấp thiết như; chi cho phòng, chống đại dịch COVID-19; triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn các loại thuế, phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh; đáp ứng đầy đủ nhu cầu đầu tư phát triển; đồng thời tích lũy đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW....
Theo thống kê, năm 2022, thu NSNN bằng 128,6% dự toán, năm 2023 thu ngân sách ước bằng 108,12% dự toán. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước nhiều khó khăn, song vẫn cần đẩy mạnh triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, phí để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Như vậy, tình hình thu NSNN trong giai đoạn triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 do Quốc hội ban hành, được bảo đảm, vượt thu so với dự toán, qua đó tạo dư địa và nguồn lực để tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng khẳng định, không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới nguồn thu NSNN mà không thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, vì đổi lại, nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận
Trong suốt thời gian qua, chính sách tài khóa được ban hành đều thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó của Chính phủ. Đánh giá thực chất tác động của các chính sách đã ban hành, dưới góc độ của mình, các doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực, sự đồng hành, sẻ chia của Chính phủ và Bộ Tài chính đối với cộng đồng doanh nghiệp khi “thiết kế”, ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ.
Trong số đó, các chính sách về giảm hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiền thuê đất và các loại thuế phí khác được đánh giá cao nhất về mức độ hữu ích vì phần lớn các doanh nghiệp tiếp cận được và hưởng lợi trực trực tiếp từ các chính sách. Đây là những chính sách ban hành rất “nhân văn”, thiết thực, đúng, trúng đối với những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là quyết sách đúng đắn, kịp thời, nhận được sự ủng hộ, đồng lòng, phối hợp triển khai chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế. Chia sẻ về hiệu quả thực chất của chính sách tài khóa nói chung, chính sách giảm thuế GTGT nói riêng đối với doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thủy - Giám đốc Công ty TNHH CEDO Việt Nam cho biết, năm 2022, CEDO bị sụt giảm đơn hàng do hàng xuất sang châu Âu tiêu thụ chậm. Năm nay, các đơn hàng đã dần ổn định, doanh nghiệp dự định tăng thêm 10% công suất. Với mức độ vận hành đơn hàng như hiện nay, việc giảm thuế GTGT có thể giúp CEDO tiết kiệm 1 tỷ đồng/tháng. Với số tiền này, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và mua thêm máy móc mới và đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định vì hiện nay vẫn còn khó khăn.
“Trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, việc giảm thuế GTGT đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế. Trong vòng tròn khép kín, thì người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp, song doanh nghiệp cũng gián tiếp trở thành động lực phát triển. Nếu doanh nghiệp phát triển sẽ thanh toán được nợ ngân hàng, thanh toán được nợ trái phiếu, tạo được việc làm, thanh toán được bảo hiểm, nộp thuế đầy đủ... nuôi dưỡng được các nguồn thu và nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế”, bà Đỗ Thị Thủy cho hay.
Thuê hơn 4.000m2 đất tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), ông Hoàng Đình Kiên - Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần VinaFco cho biết đơn hàng giảm so với năm ngoái, nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thiếu, Công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, nhờ chính sách giảm tiền thuê đất vừa được ban hành, giúp Công ty giảm chi phí tài chính trong bối cảnh mọi chi phí đều đang tăng.
Dưới góc độ của chuyên gia kinh tế khi đánh giá về các chính sách hỗ trợ đã ban hành, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, nhận định, các chính sách giảm thuế của Chính phủ như giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ ngày 1/7/2023; miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãn hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước… đang tạo động lực rất lớn giúp cho các doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu.
Theo ông Thịnh, đơn cử như việc giãn hoãn tiền nộp thuế giúp doanh nghiệp có được một khoản vốn không phải vay ngân hàng, giảm thuế GTGT giúp giảm giá thành sản xuất, đẩy cầu tiêu dùng tăng lên, khi hàng hóa giảm người dân sẽ tăng chi tiêu; giảm thuế còn làm giảm áp lực lạm phát, ổn định nền kinh tế.
“Đây thực chất là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu doanh nghiệp có thể tồn tại và phục hồi sau những khó khăn do kích cầu tiêu dùng trong nước thì tương lai sẽ có nguồn thu bền vững”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-2-dong-luc-lon-cho-doanh-nghiep.html