Chính sách tài chính công thích ứng biến đổi khí hậu
Hậu quả của biến đổi khí hậu đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới
Ngày 8/11/2024, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã phối hợp với Học viện Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài khóa và Trường đại học Nha Trang tổ chức Hội thảo quốc gia năm 2024 với chủ đề “Chính sách Tài chính công thích ứng biến đổi khí hậu”.
Thời gian qua, biến đổi khí hậu ngày càng thách thức đối với kinh tế xã hội toàn cầu. Hậu quả của biến đổi khí hậu đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới. Chính phủ các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang thúc đẩy các chương trình hành động giúp các quốc gia, vùng lãnh thổ ứng phó với sự thay đổi khó lường của biến đổi khí hậu và các hậu quả của nó. Xuyên suốt các chương trình hành động này, yêu cầu phải có nguồn lực để đảm bảo các chính sách được thực thi hiệu quả.
Nhiều quốc gia đã thực thi chính sách tài khóa thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng vẫn còn quốc gia chưa thật sự quan tâm vấn đề này vì nhiều lý do khác nhau. Ngay cả các quốc gia thực thi chính sách tài khóa thích ứng biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều khó khăn trong các khâu dự báo, phân bổ nguồn lực, lựa chọn ưu tiên chính sách công…Ngoài ra, để thực thi chính sách tài khóa thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả, đôi khi họ phải thay đổi quy trình chi ngân sách, vai trò các bên có liên quan và năng lực phân tích, dự báo của các cơ quan chuyên môn... Những thay đổi này đòi hỏi phải có sự ủng hộ từ cộng đồng để gia tăng tối đa nguồn lực, thay đổi nhận thức cộng đồng để góp phần giảm nhẹ hệ lụy cho môi trường...
Năm nay, hội thảo “Chính sách Tài chính công thích ứng biến đổi khí hậu” sẽ có sự tham gia của các diễn giả chính, như: Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (UEH-CELG), với chủ đề “Chủ quyền carbon và chính sách tài chính khí hậu Việt Nam” nhằm làm rõ hơn về thị trường carbon được như một công cụ chính sách quan trọng để Việt Nam đạt được cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do Quốc gia tự quyết định và mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Ngoài ra, chủ quyền carbon là hướng tiếp cận chủ đạo để xây dựng thị trường carbon, giúp tối ưu hóa cơ hội kinh tế từ các giao dịch carbon, bảo vệ lợi ích quốc gia trong các đàm phán quốc tế và thu hút nguồn tài chính khí hậu dài hạn.
Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vân, Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), với chủ đề “Chính sách tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” sẽ phân tích những tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu huy động nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua việc phân tích các chính sách tài chính nhằm ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam giai đoạn qua, qua đây nhận dạng các thách thức và khó khăn hiện nay để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm giúp giảm thiểu các hệ lụy của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Hội thảo quốc gia 2024 đã nhận được sự tham gia của hơn 70 bài viết từ các tác giả đến từ nhiều quốc gia, với các chủ đề đa dạng bao gồm chính sách thích ứng biến đổi khí hậu, chính sách tài khóa với biến đổi khí hậu, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, công cụ tài chính cho biến đổi khí hậu, kinh tế học cho biến đổi khí hậu. Nội dung các bài thảo luận tập trung vào các khía cạnh như phản ứng trong chính sách quản lý, chính sách tài khóa thích ứng, khuôn khổ pháp lý, chính sách kinh tế, đổi mới trong công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh hai phiên toàn thể, 57 bài được chọn trình bày trong 13 phiên thảo luận song song vào ngày 08/11/2024. Những phiên thảo luận song song với các chủ đề quan trọng toàn cầu tại hội thảo sẽ tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu mở rộng kiến thức chuyên môn, chia sẻ và đóng góp các giá trị học thuật về chính sách tài chính công thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, đây cũng là dịp để thiết lập mối quan hệ với các chuyên gia có cùng sự quan tâm trong lĩnh vực nghiên cứu.