Bài 2: Dũng khí người 'cầm trịch'
Có mô hình đúng, phát huy được sức mạnh của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một điều kiện cần. Song, chỉ có mô hình đúng cũng chưa phải đáp số hữu hiệu, điều quan trọng khác là vai trò của các thành viên, đặc biệt vai trò thủ lĩnh, dũng khí của người 'cầm trịch', được xem như đầu tàu, linh hồn của cuộc đấu tranh vô cùng cam go, phức tạp này.
Chúng ta thấy rằng, tham nhũng diễn biến phức tạp từ lâu, bộ phận không nhỏ suy thoái, biến chất thì Đảng cũng chỉ ra từ lâu và Đảng cũng đã rất nhiều lần ban hành nghị quyết, chỉ thị để chấn chỉnh, chỉnh đốn, nhưng tại sao chỉ đến lúc này, công cuộc này, phong trào này mới thực sự lan tỏa, mới thực sự đạt dần đến kỳ vọng của muôn dân? Cái thiếu ở đây dường như không phải là nghị quyết, chỉ thị. Cái thiếu là một người thủ lĩnh chính trị với vai trò thổi lửa, nhóm lò, cầm trịch thực sự xứng tầm.
Cho tới hôm nay, với sự vào cuộc quyết liệt, rốt ráo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt, chèo lái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phong trào đấu tranh đã mang sắc diện mới cả về quan điểm, phương châm đến hành động. Rõ ràng, “thủ lĩnh nào, phong trào đó” và một khi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành phong trào, trở thành xu thế thì “không ai có thể đứng ngoài cuộc”!
Còn nhớ, khi Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không ít người hoài nghi, không tin tưởng nghị quyết này sẽ đem lại điều gì đó khác trước. Nhưng, tới nay, sự chuyển động của một nghị quyết được dư luận xã hội nói đến như một “thương hiệu” của lòng tin: Chỉ cần nói Trung ương 4, người dân đều hiểu đó là nghị quyết chỉnh đốn Đảng, chống quan tham, là nghị quyết của “công cuộc đốt lò, nhóm củi” mà không nhất thiết phải nêu rõ tên đầy đủ của nghị quyết.
Thực tiễn cho thấy, chống “giặc nội xâm” luôn khó khăn bởi ranh giới giữa đối tượng xử lý và đồng chí, đồng đội; giữa vạch mặt chỉ tên và thân quen, cánh hẩu nhiều khi bện chặt trong đa dạng các mối quan hệ xã hội khó bóc tách. Tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, đó là mầm họa có nguy cơ làm suy sụp một thể chế, làm băng hoại đạo đức con người.
Nói về tham nhũng của giới quan trường thì thời nào, ở nước nào cũng có và phòng trừ nó là công việc vô cùng khó khăn. Tham nhũng gắn với những người có chức có quyền. Trong điều kiện quyền lực trong tay, nếu bị ma lực đồng tiền điều khiển thì sự công bằng, lẽ phải sẽ bị lụi bại. Hơn 700 năm trước, Trần Hưng Đạo đã cảnh báo 5 điều họa, trong đó “tham nhũng lan tràn” sẽ làm cho quốc sỉ mất, liêm sỉ tan và quốc gia bại vong...
Trong đời sống chính trị, xã hội ở bất kỳ thời đại lịch sử nào, người dân cũng luôn cần một điểm tựa tinh thần, đó là một vị thủ lĩnh chính trị hội đủ những giá trị chuẩn mực của đức và tài để quy tụ niềm tin, quy tụ sức mạnh cộng đồng, sức mạnh thời đại. Nhiều vị vua, quan trong triều đại phong kiến xưa, nếu như người dân kính phục bởi sự anh minh, mẫn tiệp thì ở mức độ cao hơn, người dân tôn thờ, ngưỡng vọng bởi đức độ, thanh liêm vì muôn dân. Triều đại hưng vong, thịnh suy trước hết phụ thuộc tài năng lãnh đạo và đức độ của người chèo lái quốc gia, của thủ lĩnh chính trị. Xã tắc vững bền, dân chúng đồng lòng hay không cũng phụ thuộc phần nhiều bởi yếu tố này.
Công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước hôm nay với một trong những trọng tâm chống suy thoái, chống tham nhũng - vấn đề cấp bách được Đảng ta xác định “ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ”, nay đang tạo dựng và lan tỏa khí thế, niềm tin toàn xã hội cũng bởi chính thành công trong nói và làm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt, chèo lái của thủ lĩnh chính trị - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Để đạt hiệu quả công cuộc chống tham nhũng hiện nay, người dân tin tưởng và cảm kích trước hình ảnh Tổng Bí thư, người “cầm trịch” thổi ngọn lửa “công cuộc đốt lò, nhóm củi” nhất quán giữa nói và làm, giữa chỉ đạo và hành động, thận trọng nhưng kiên quyết, kịp thời nhưng chắc chắn, đảm bảo tính răn đe để giáo dục, phòng ngừa... Người “cầm trịch” chẳng những bài bản trong chỉ đạo, kiên quyết trong hành động mà chính sự nêu gương hình ảnh cá nhân - một vị thủ lĩnh mực thước, thanh liêm, giản dị đã thực sự tạo dựng điểm tựa tinh thần to lớn trong lòng dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, “vật chất chỉ là phù vân”, “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Và, chính sự nêu gương thanh bạch, giản dị của Tổng Bí thư trong phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa giá trị thực tiễn sâu sắc. Giải báo chí về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng năm 2017, trong 6 tác phẩm đoạt giải cao nhất (giải A), có 1 tác phẩm ảnh duy nhất. Đó là tác phẩm “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai” của tác giả Lê Trí Dũng - Thông tấn xã Việt Nam. Một bức ảnh phản ánh lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm bà con ở các địa phương là chuyện thường thấy, nhưng sao bức ảnh nói trên lại có sức lan tỏa và đoạt giải cao như vậy? Đó là câu hỏi mà nhiều người muốn biết. Bức ảnh chụp lại một khoảnh khắc trong chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Gia Lai, một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, ngày 12-4-2017.
“Bức ảnh này tôi chụp khi Tổng Bí thư vào thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun. Hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng giản dị ngồi trên bậc cửa, nắm tay, tặng quà và ân cần hỏi thăm cuộc sống của thương binh Đinh Phi gây ấn tượng mạnh với bà con địa phương và đoàn công tác bởi sự gần gũi, thân thiết, gắn bó với người dân. Tác phẩm đã gửi đi thông điệp về sự gắn bó giữa Đảng với dân. Càng gần gũi, càng giản dị, càng chân thành thì dân càng tin Đảng” - anh Lê Trí Dũng chia sẻ. Đây chỉ là một trong vô vàn hình ảnh công tác, sinh hoạt đời thường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện phong thái, lối sống mực thước, bình dị, gần gũi với quần chúng nhân dân. Chính điều đó hun đúc giá trị thực tiễn sâu sắc của người thủ lĩnh chính trị trong lãnh đạo, chèo lái nước nhà nói chung, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Dấu ấn “thuyền trưởng” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thuyết phục lòng dân chính bởi hội tụ những yếu tố này, giữa lời nói và hành động, giữa quan điểm và khí chất, giữa chỉ đạo và nêu gương. Đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc của Đảng ta trong việc lựa chọn những người kế tục chèo lái trong các giai đoạn cách mạng, không chỉ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là 9 chữ cơ bản, gói gọn tư tưởng, học thuyết của Nho giáo, một hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Có điểm chung trong tư tưởng này, đó là dù ở phạm vi nào, gia đình (tề gia) hay quốc gia (trị quốc) thì cá nhân người đầu tàu phải thể hiện được tư chất, uy tín. Một gia đình để thuận hòa, yên ấm thì ông bà, bố mẹ phải là những tấm gương cho con cháu. Một quốc gia muốn thịnh trị thì những người “cầm trịch” phải hội đủ tài đức. Và, dù “tề gia” hay “trị quốc”, trước hết đều phải “tu thân”, phải tự mình tu dưỡng, luyện rèn. Bởi vậy, Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương mà Hội nghị Trung ương 8 khóa XII ban hành xuất phát từ yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay và có cơ sở từ truyền thống, đạo lý văn hóa lâu đời.
Quy định 08 yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương.
Đối với địa phương, hiện mô hình ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từng bước được thành lập, kiện toàn. Có mô hình với các ban chỉ đạo mới sẽ là điều kiện cần, song chưa đủ. Việc quan trọng tiếp theo là kiện toàn các thành viên ban chỉ đạo, đặc biệt là lựa chọn vị trí thủ lĩnh - trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Theo mô hình mới, ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ thuộc tỉnh ủy, thành ủy và đứng đầu là bí thư tỉnh ủy, bí thư thành ủy. Nhưng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy được kiện toàn dựa trên chức danh của mô hình đã định sẵn, tức chọn chức danh hướng việc chứ không phải chọn người hướng việc.
Như vậy, ở đâu, khi nào người “cầm trịch” - bí thư tỉnh ủy, thành ủy hội đủ những phẩm chất của thủ lĩnh, đầu tàu thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đó mới được hướng lái, chèo chống đúng hướng; cùng với đó là sự hợp sức “trên dưới đồng lòng” mới có thể đạt kết quả hữu hiệu. Ngược lại, nếu bí thư tỉnh ủy, thành ủy sao nhãng, bản thân chẳng những thiếu kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại để bản thân hoặc người thân “dính chàm”, để chủ nghĩa cá nhân ngự trị thì ở đó công cuộc “đốt lò” sẽ ảm đạm, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/bai-2-dung-khi-nguoi-cam-trich-i656788/