Bài 2: Giảm quá tải cho tuyến trên
Cùng với việc tri ân người có công, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã xây dựng, nâng cấp nhiều bệnh viện; đồng thời cải tạo cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị và nguồn nhân lực cho các trạm y tế. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và giúp giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên.
Ngành Y tế Thủ đô đã và đang có sự chuyển biến rõ rệt, từ thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, đến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế. Ảnh: Hữu Tiệp
Thu hẹp khoảng cách
Được đưa vào Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, vì khối u gan hơn 6cm bị vỡ, chảy máu và dịch, ông Ngô Văn S. (59 tuổi ở quận Hoàng Mai) được chỉ định phẫu thuật ngay lập tức. Một tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng. Đây là ví dụ minh chứng cho sự tiến bộ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội từ một bệnh viện hạng III, đã vươn lên trở thành bệnh viện hạng I.
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng là một trong những bệnh viện của Thủ đô tiên phong trong đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, vươn lên làm chủ nhiều kỹ thuật cao. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Hướng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện, trước đây, để điều trị u gan vỡ chảy máu cấp ở ổ bụng như trường hợp ông Ngô Văn S., người bệnh phải trải qua cuộc đại phẫu nặng nề, thời gian nằm viện kéo dài, dễ xảy ra tai biến. Thế nhưng, nhờ triển khai kỹ thuật can thiệp nút mạch nên đã giúp bệnh nhân cầm máu tức thì, tránh nguy cơ tử vong. Hơn nữa, kỹ thuật này ít gây đau đớn, không để lại sẹo và thời gian hồi phục nhanh.
Tương tự, từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng đã “thay da, đổi thịt”. Chỉ riêng năm 2019, bệnh viện đã đầu tư 172 tỷ đồng lắp đặt thêm các thiết bị y tế hiện đại. Tháng 10-2019, bệnh viện trở thành cơ sở sản phụ khoa công lập đầu tiên của Việt Nam thực hiện kỹ thuật can thiệp trong buồng ối, chữa bệnh cho thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Đến nay, có 11 sản phụ bị hội chứng truyền máu song thai được ứng dụng kỹ thuật này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ, trước đây, nếu không thực hiện kỹ thuật này, những thai nhi không may gặp phải bất thường, bệnh lý từ trong bụng mẹ có thể bị tử vong hoặc sinh ra bị dị tật. Còn hiện tại, vấn đề này đã được giải quyết với tỷ lệ thành công tới 90%.
Không chỉ tuyến thành phố, ngành Y tế Hà Nội còn đầu tư phát triển hệ thống bệnh viện tuyến huyện, thu hẹp khoảng cách y tế giữa các tuyến. Trước đây, Khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ chỉ có một bác sĩ, một y sĩ, 6 nữ hộ sinh và trung bình mỗi tháng đỡ đẻ được từ 5 đến 7 ca, không thực hiện được các ca mổ đẻ. Thế nhưng, nhờ triển khai luân phiên bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội về “cầm tay chỉ việc”, từ năm 2016 đến nay, số ca đẻ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ đã tăng lên 150-180 ca/tháng, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sinh đẻ của thai phụ trong huyện và một số xã của các huyện lân cận.
Thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn
Để công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được tốt hơn, thành phố đã đầu tư xây mới 29 trạm y tế xã, phường, thị trấn; nâng cấp, sửa chữa 35 trạm y tế. Đến hết năm 2019, thành phố đã đạt chỉ tiêu 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nhằm quản lý hồ sơ khám sức khỏe, theo dõi sức khỏe người dân liên tục trong suốt cuộc đời, Sở Y tế đã xây dựng mô hình trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với sự trợ giúp về chuyên môn của các bác sĩ tuyến thành phố và trung ương. Từ 4 trạm y tế thí điểm mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trong năm 2018, đến năm 2019, đã có 45% số trạm y tế trên địa bàn thành phố triển khai mô hình này và bước đầu mang lại hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế Thủ đô đã có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp và tuyến này cần được phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi nếu chỉ tập trung đầu tư, xây dựng thêm nhiều bệnh viện tuyến trên, không chú trọng đúng mức cho tuyến dưới, thì giảm tải không bền vững.
Trong giai đoạn 2016-2020, nhờ sự đầu tư đồng bộ, bài bản ở tất cả các tuyến, tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân tăng từ 11,7 lên 13,3 bác sĩ; tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân tăng từ 17 lên 24,6 giường bệnh so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt, từ năm 2017, tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến thành phố đã chấm dứt, công suất sử dụng giường bệnh tính theo giường kế hoạch đạt gần 115%...
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, hệ thống y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trong tình hình mới, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đội ngũ nhân viên y tế còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng... "Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao về mọi mặt của người dân, ngành Y tế Thủ đô phải khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém đó", Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.
(Còn nữa)
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/954648/bai-2-giam-qua-tai-cho-tuyen-tren