Hải Phòng tăng cường phòng chống bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân

Lo ngại dịch cúm A sẽ hoành hành tại địa bàn, ngành Y tế thành phố Hải Phòng tăng cường phòng chống bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân.

Giai đoạn cuối năm giao mùa, thời tiết lạnh, hanh khô là thời điểm các tác nhân gây bệnh hô hấp bùng phát và lây lan mạnh mẽ, đặc biệt với cúm A. Thời điểm này, miền Bắc bước vào đỉnh dịch cúm A với số ca mắc tăng cao, nhất là lứa tuổi học sinh và trẻ nhỏ.

Tại quận Ngô Quyền, số bệnh nhân điều trị cúm A tại bệnh viện hiện còn 6 bệnh nhân;; Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Bảo còn 16 bệnh nhân; Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khoảng 60 bệnh nhi. Hầu hết các bệnh nhân đang điều trị cúm A tại các bệnh viện trên đều ở thể bệnh nhẹ; chưa ghi nhận bệnh nhân nặng.

Để ngăn ngừa và hạn chế dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, Sở Y tế Hải Phòng đã yêu cầu các đơn vị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hải Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan như ngành giáo dục, hệ thống y tế khám chữa bệnh việc triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo tiến độ và độ bao phủ vắc xin theo kế hoạch đã được phê duyệt. Rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ trong tiêm chủng mở rộng và tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi theo Kế hoạch của Bộ Y tế. Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo đảm bảo công tác y tế và phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Để chẩn đoán một người có bị nhiễm cúm hay không cần làm xét nghiệm.

Để chẩn đoán một người có bị nhiễm cúm hay không cần làm xét nghiệm.

Việc tiêm vắc xin tại các trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo cần được thực hiện nghiêm túc; đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong các cơ sở giáo dục đào tạo và tăng cường truyền thông học đường về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Với các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện tốt việc phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh, lưu ý với các trường hợp có nguy cơ cao (người mắc bệnh nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...).

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hải Phòng, thời điểm mùa đông và xuân thường là mùa dịch cúm xuất hiện. Tuy nhiên, so với mọi năm, dịch cúm ở Hải Phòng năm nay chưa ghi nhận sự bất thường, đặc biệt nào.

Sở Y tế Hải Phòng cũng yêu cầu CDC thành phố và Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; chủ động thực hiện hiệu quả công tác giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát tại cộng đồng. Chủ động phối hợp với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur lấy mẫu, xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh, phân tích, đánh giá nguy cơ và đề xuất, triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời.

Đồng thời cùng chính quyền địa phương tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm các bệnh lây truyền từ động vật sang người và chia sẻ thông tin để phối hợp điều tra, xử lý kịp thời ổ dịch, nhất là cúm gia cầm tại các cửa khẩu, các chợ gia cầm sống; phối hợp giám sát phát hiện sớm các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng kịp thời. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và các bệnh thường xảy ra trong thời tiết khí hậu mùa đông xuân; cung cấp các hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe và khuyến cáo tham gia tiêm vắc xin, đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, vật tư, thiết bị, nhân lực đáp ứng các yêu cầu trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Minh Lý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hai-phong-tang-cuong-phong-chong-benh-truyen-nhiem-mua-dong-xuan-169250107125334058.htm