Bài 2: Hàng loạt nguyên nhân dẫn đến việc 'đụng đâu sai đó' trong quy hoạch xây dựng
Trong quy hoạch xây dựng việc lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch, kiến trúc, thiết kế đô thị dựa trên cơ sở các chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…được tính toán theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, những quy chuẩn này liệu có áp dụng đúng hay không? Tại sao những vi phạm trong quy hoạch xây dựng vẫn liên tiếp xảy ra, dẫn tới nhiều hệ lụy trong đô thị?
Luật có, nhưng không thực hiện?
Theo Luật Xây dựng 2014 và Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ thống nhất quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, ban hành các Quy chuẩn quốc gia về xây dựng, trong đó có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, cụ thể như: QCVN 01:2008/BXD; QCVN 01:2019/BXD; QCVN 01:2021/BXD. Quy chuẩn này được sửa đổi, hoàn thiện qua các thời kỳ.
Việc sửa đổi quy chuẩn dựa trên cơ sở rà soát, đánh giá để đảm bảo tính thực tiễn trong công tác lập, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng. Người lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng phải căn cứ vào các quy chuẩn này để thực hiện lập, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát của các cơ quan chuyên môn; sự không tuân thủ của các tổ chức, cá nhân khi áp dụng quy chuẩn trong thực hiện quy hoạch, dẫn đến những vi phạm gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của một khu đô thị, đô thị.
Có thể lấy ví dụ tại một số dự án thuộc hai bên tuyến đường Lê Văn Lương và Tố Hữu (Hà Nội), theo quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN 01:2008/BXD), hầu hết các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, cây xanh…đều không đáp ứng theo quy chuẩn.
Cụ thể, trong quy hoạch phân khu đô thị H2-2 có chỉ tiêu cây xanh công cộng trong đơn vị ở quy hoạch đến năm 2020 là 1,79m2/người, vi phạm khoản 2.4.2, Mục 24 Chương II Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2008/BXD, quy định tối thiểu 2m2/người; quy hoạch đến năm 2050 là 3,99m2/người.
Quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 có một số chỉ tiêu quy hoạch không đúng Quy chuẩn xây dựng Việt Nam nhưng không thuyết minh, tính toán như: Không bố trí vườn hoa, sân chơi, trạm y tế, sân luyện tập, chợ, trường THPT, THCS, tiểu học; đất công trình giáo dục…Trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra, có 12 dự án không bố trí cây xanh, 01 dự án (cùng ô quy hoạch với trường học) thiếu diện tích cây xanh, chỉ đạt 10%.
Quy hoạch chi tiết hai bên đường Tố Hữu phê duyệt năm 2016 cũng có nhiều chỉ tiêu quy hoạch không đúng Quy chuẩn xây dựng Việt Nam mà không thuyết minh, tính toán như không bố trí trạm Y tế, trung học cơ sở, sân luyện tập, chợ theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam; đất công trình giáo dục không đạt 2,7 m/người, thiếu đất trường mầm non, THCS, THPT… Kiểm tra 20 dự án cho thấy, nhiều dự án không bố trí hoặc bố trí rất ít diện tích cây xanh (không đạt 20% theo quy chuẩn).
Luật sư Lương Thành Đạt - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho biết: “Để một dự án chung cư cao tầng được phê duyệt và đưa vào hoạt động cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện theo quy định của pháp luật. Điển hình như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung, Quy chuẩn quốc gia về Tiếng ồn và rung động …
Trong đó, để tạo lập môi trường sống phù hợp cho cư dân chung cư và các hộ liền kề tại khu vực dân cư đông đúc thì việc tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật đòi hỏi rất khắt khe. Ví dụ như chiếu theo Điều 2.6.1 Thông tư số 01/2021/TT-BXD ban hành QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng thì khoảng cách tối thiểu giữa các tòa nhà, công trình xây dựng riêng lẻ hoặc dãy nhà liền kề phải được quy định tại đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Bố trí các công trình, xác định chiều cao công trình phải đảm bảo giảm thiểu các tác động tiêu cực của điều kiện tự nhiên (nắng, gió...), tạo ra các lợi thế cho điều kiện vi khí hậu trong công trình và phải đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó cũng cần phải chú ý đến mật độ xây dựng thuần tối đa cho phép, kích thước trong lô đất quy hoạch xây dựng công trình nhà ở…Tuy nhiên, do sự “buông lỏng” mà nhiều nội dung không được thực hiện đúng theo quy định.
Áp dụng sai hay “cố tình” sai?
Trao đổi về những bất cập nêu trên, TS.KTS Nguyễn Đình Toàn - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam là các quy định cần được tuân thủ trong khi lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng. Trong Quy chuẩn này đã quy định chi tiết về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉ giới đường đỏ…Các đồ án quy hoạch phải được căn cứ vào quy chuẩn để tính toán về quy mô dân số, phương án sử dụng các loại đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội, công trình y tế, cây xanh và các công trình dịch vụ khác. Người thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng cũng phải tuân thủ các quy chuẩn nêu trên.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không hiểu lý do gì, không loại trừ yếu tố “lợi ích nhóm”, mà trên thực tế có quá nhiều đồ án quy hoạch xây dựng trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng không tuân theo các quy chuẩn quy hoạch, dẫn đến nhiều hậu quả như: Dân số quy hoạch của một lô đất, của một khu đô thị…tăng đột biến, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bị quá tải, thiếu đất xây dựng các công trình hạ tầng xã hội…Đô thị, khu đô thị trở lên chật chội, giao thông ách tắc, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra”.
“Những vi phạm này thuộc trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức lập quy hoạch xây dựng và cá nhân, tổ chức thẩm định quy hoạch, kể cả người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch”, TS.KTS Nguyễn Đình Toàn cho hay.
Ông Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng: “Trong quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các tiêu chuẩn đã quy định rất rõ các tỷ lệ khống chế mật độ xây dựng, tỷ lệ các loại đất, chiều cao công trình. Tùy theo quy mô dân số, quy chuẩn cũng quy định các công trình giáo dục, y tế…Người lập, thẩm định các đồ án quy hoạch, nếu không tuân thủ các quy định trong quy chuẩn, tiêu chuẩn này sẽ dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông và nhiều vấn đề khác”.
Nhiều ý kiến của những nhà làm quy hoạch, một số những nhà nghiên cứu cho rằng, câu chuyện này thực ra còn có nhiều vấn đề, quy chuẩn về quy hoạch xây dựng cần phải nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình xã hội của từng thời kỳ và đặc biệt trong thời đại hiện nay.
Theo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), tính đến thời điểm hiện nay, các tiêu chuẩn, quy chuẩn thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dựng trong hệ thống tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam đã bao trùm lên hầu hết các khía cạnh. Tuy nhiên cấu trúc cụ thể của từng phần còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, nội dung của nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn đã lạc hậu, có tiêu chuẩn, quy chuẩn mang nội dung như một văn bản pháp quy, bao gồm cả các quy định về quản lý hành chính.
Trong khi đó hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động xây dựng đang dần dần được hoàn thiện như: Luật Xây dựng, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Nhà ở...và hàng loạt các Nghị định hướng dẫn kèm theo đã được ban hành. Điều này đã làm cho nội dung của một số quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật không còn phù hợp, cần phải soát xét, bổ sung hoặc thay thế.
Luận bàn về những bất cập này, ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho rằng: Bên cạnh những mặt đạt được, quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành còn tồn tại nhiều nội dung cần nghiên cứu hoàn thiện. Một số quy chuẩn trong quy hoạch như: Tính kỹ thuật chuyên ngành quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch các khu chức năng chưa được quan tâm cụ thể hóa trong quy chuẩn xây dựng, dẫn đến việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch trên còn nhiều lúng túng.
Bên cạnh đó, loại hình khu công nghiệp kết hợp đô thị, dịch vụ đã được quy định trong Nghị định số 35/2022/NĐ- CP của Chính phủ về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp. Khi các khu công nghiệp hình thành mới tiến hành quy hoạch đồng bộ về nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội), các công trình dịch vụ đô thị (y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ, công tên cây xanh…). Hiện nay, các khu công nghiệp mới này đa số hình thành ở khu vực ngoài đô thị như Bình Dương là ở khu vực phía Bắc của tỉnh. Tuy nhiên, trong quy chuẩn chỉ quy định các chỉ tiêu cho các khu công nghiệp riêng lẻ, chưa quy định cụ thể các khu nhà ở, các công trình dịch vụ đô thị (y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ, công viên cây xanh…
Theo KTS Nguyễn Phước Thiện - Giảng viên trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, ở các nước có sự kết nối chặt chẽ giữa quy hoạch đô thị và thiết kế đô thị. Thiết kế đô thị cũng đã được quy định tại Luật Xây dựng năm 2003; nhưng trên thực tế, nhiều đồ án quy hoạch không thực hiện hoặc thực hiện một cách hời hợt mang tính biểu tượng mà không có ý nghĩa thực tế cho một đồ án quy hoạch xây dựng, mặc dù đồ án đó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài những bất cập về sự chồng chéo trong các quy định pháp luật, yếu tố con người cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng. Một số bộ phận, con người thực hiện công tác quản lý quy hoạch thiếu hiểu biết về chuyên môn, ví dụ, một số kiến trúc sư ra mới trường được 2 năm xin xuống Phòng quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch, như vậy liệu họ có nắm được quy hoạch hay không? Thậm chí, một số lãnh đạo cấp tỉnh, Thành phố trực tiếp chỉ đạo, quản lý về quy hoạch xây dựng cũng không được đào tạo ở lĩnh vực này, vấn đề nay cũng cần được xem xét lại.
Quy hoạch Quốc gia vì sao chưa “ra đời”?
Thực tế, muốn lập quy hoạch đô thị cho một thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị hay thành phố trực thuộc tỉnh, huyện, cơ sở hình thành để định hướng phát triển đô thị là định hướng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của thành phố, tỉnh, huyện đó.
Trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của từng tỉnh, huyện, theo giai đoạn ngắn hạn và dài hạn lâu nay của từng địa phương được thông qua các kỳ Đại hội Đảng bộ của các cấp chính quyền. Nhưng thực tế, nhiều số liệu dự báo không chuẩn xác dẫn đến những tồn tại trong các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, đặc biệt là việc tính toán lựa chọn dân số và nguồn lực để phát triển đô thị cho từng giai đoạn.
Những đô thị Việt Nam tồn tại và phát triển nhiều năm nay với những thăng trầm cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước, của tỉnh, huyện; cùng với sự chỉ đạo của một số người đứng đầu mang tính chất “nhiệm kỳ”, vì vậy các đô thị Việt Nam đôi khi phát triển không đúng hướng như định hướng ban đầu vạch ra, nhiều đô thị bị “băm nát” theo từng nhiệm kỳ, nhiều đô thị đã để lại những khoảng màu không sử dụng đúng mục đích hoặc sử dụng không đúng theo kế hoạch sử dụng dẫn đến những quy hoạch “treo”. Tình trạng này không chỉ tồn tại trong quy hoạch xây dựng, mà còn nhiều quy hoạch khác của đất nước.
Trong khi những tồn tại về pháp luật trong việc lập, phê duyệt quản lý quy hoạch xây dựng cũng như các quy hoạch khác chưa được nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một cách thấu đáo để phù hợp với tình hình thực tế của từng ngành, lĩnh vực kinh tế thì Luật Quy hoạch ra đời.
Luật Quy hoạch quy định phải lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia trước làm cơ sở để lập và phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch khác. Luật Quy hoạch ra đời đã 7 năm, nhưng chưa có một quy hoạch tổng thể Quốc gia nào được phê duyệt? Vậy cơ sở nào để lập và phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành? Biết rằng, quy hoạch đô thị được quy định bởi một luật riêng là Luật Quy hoạch đô thị 2014, nhưng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Quốc gia, các tỉnh chưa được lập và phê duyệt, điều này đã dẫn đến thiếu cơ sở pháp luật cũng như cơ sở thực tiễn để có một quy hoạch đô thị hoàn chỉnh.
7 năm qua, hàng trăm quy hoạch ngành đang cần được điều chỉnh, phê duyệt làm cơ sở để thực hiện nhưng không làm được, bởi các quy định của Luật Quy hoạch. Điều này đã làm chậm đi sự phát triển của các ngành và sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Trước khi ban hành Luật Quy hoạch đã có nhiều ý kiến của các nhà quản lý, các nhà quy hoạch đã cảnh báo những tai hại có thể xảy ra đối với nền kinh tế đất nước, nếu Luật này được ban hành, và hiện nay chúng ta có thể kiểm chứng. Những hậu quả đó, tại sao những nhà làm luật, những nhà chức trách không sửa và cứ để tồn tại đến bao giờ?
Nhiều địa phương “than” khó
Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam cho biết: Do Quy hoạch Quốc gia chưa hoàn thành, Quy hoạch Vùng Thủ đô chưa được điều chỉnh, nên việc xác định mục tiêu chiến lược trong quy hoạch tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là sự kết nối hạ tầng kinh tế - xã hội các tỉnh trong vùng để phát triển bền vững.
Một số quy định trong pháp luật về quy hoạch, đô thị còn chưa có sự thống nhất, thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề thực tiễn trên địa bàn tỉnh như: Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng đối với địa bàn nông thôn, thiếu quy định về quy hoạch chi tiết rút gọn (quy hoạch tổng mặt bằng) đối với khu vực nông thôn. Việc xác định cơ quan tổ chức lập quy hoạch đối với dự án đầu tư tại khu vực nông thôn chưa quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết đối với khu vực được giao đầu tư, mà chỉ quy định tại đô thị và khu chức năng.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Huy, tiến độ lập, trình duyệt các đồ án quy hoạch kéo dài theo quy định, nhiều giai đoạn, nhiều cấp độ quy hoạch, trong đó thời gian lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có thời gian dài (lấy ý kiến về Nhiệm vụ quy hoạch; lấy ý kiến về Quy hoạch; lấy ý kiến khi thực hiện các nội dung điều chỉnh liên quan) tuy nhiên chất lượng tham gia ý kiến chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của một đồ án quy hoạch.
“Nghị định 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành mới đây đưa ra quy định về lập quy hoạch chi tiết rút gọn, tuy nhiên, quy định về chi phí lập quy hoạch này chưa được ban hành. Việc không còn quy định về lập tổng mặt bằng theo dự án, tất cả các khu vực khi đầu tư xây dựng phải được tổ chức lập quy hoạch chi tiết dẫn đến khối lượng lớn các đồ án quy hoạch cần được tổ chức thẩm định đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, thực hiện lấy ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý quy hoạch cấp tỉnh. Ngoài ra, các đồ án quy hoạch chi tiết rút gọn tại các đô thị mới thuộc thẩm quyền tổ chức lập, phê duyệt của UBND cấp tỉnh dẫn đến khối lượng công việc về lập, thẩm định, phê duyệt tăng lên nhiều. Trong khi đó, số lượng biên chế của cơ quan chuyên môn về quy hoạch ở cấp tỉnh, cấp huyện rất ít, thường kiêm nhiệm thêm các lĩnh vực liên quan khác dẫn đến khó khăn lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch”, ông Nguyễn Quang Huy cho biết thêm.
Tại Bắc Giang, vấn đề quy hoạch xây dựng cũng còn nhiều khó khăn. Ông Vương Tuấn Nghĩa - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho biết: “Do công tác quy hoạch ở các giai đoạn trước những năm 2015 chưa được quan tâm đúng mức, do vậy chất lượng quy hoạch chưa cao, đặc biệt tầm nhìn còn hạn chế. Ngoài ra tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn thấp, dẫn tới hiện nay khối lượng lập, điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn tỉnh rất lớn”.