Bạc Liêu ưu tiên đầu tư các công trình giao thông đột phá, kết nối vùng

UBND tỉnh Bạc Liêu xác định thời gian tới, ưu tiên kêu gọi đầu tư những công trình giao thông mang tính đột phá, thúc đẩy liên kết vùng.

Ngày 7/11, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2024, với chủ đề "Hỗ trợ nông dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững".

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ với nông dân tại buổi đối thoại.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ với nông dân tại buổi đối thoại.

Tại hội nghị đại biểu Kim Văn Bình (ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) nêu vấn đề về tình hình phát triển kinh tế hiện nay.

Trong đó, nhiều tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, các tuyến chính liên tỉnh trở thành đầu mối giao thông quan trọng, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, nhanh chóng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

"Đối với tỉnh Bạc Liêu, thời gian tới, trong việc xây dựng mạng lưới giao thông này, tỉnh có định hướng gì để giúp người nông dân thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hóa ra ngoài tỉnh, giảm thời gian vận chuyển, đảm bảo chất lượng hàng hóa", đại biểu Bình đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bình, ông Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu cho rằng, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt hợp phần giao thông trong Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Tại buổi đối thoại, nông dân đã thẳng thắn đặt câu hỏi, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đều có những trả lời xác đáng.

Tại buổi đối thoại, nông dân đã thẳng thắn đặt câu hỏi, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đều có những trả lời xác đáng.

Tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch nhằm giảm áp lực cho ngân sách. Ưu tiên kêu gọi đầu tư những công trình giao thông mang tính đột phá, thúc đẩy liên kết vùng như: Các tuyến đường giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, cảng biển Gành Hào; bến xe tỉnh Bạc Liêu, bãi đỗ xe Tắc Sậy...

Ngành cũng tập trung chỉ đạo thực hiện các Dự án xây dựng tuyến ĐT979 (đoạn từ thị trấn Phước Long, huyện Phước Long đi Ba Đình, huyện Hồng Dân); Dự án đầu tư tuyến đường liên kết vùng ĐBSCL tuyến ĐT980 (Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền) nối với đường Hồ Chí Minh (đoạn Phó Sinh - Cạnh Đền); dự án xây dựng tuyến đường từ cầu Tư cồ đến chùa Linh Ứng, huyện Đông Hải để sớm đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng hoàn thiện các thủ tục để sớm triển khai Dự án đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu và đoạn nhánh kết nối đường Nam Sông Hậu sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); Dự án xây dựng cầu Vàm Xáng, huyện Đông Hải; Dự án xây dựng cầu Ba Đình kết nối tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng với các trung tâm kinh tế lớn (TP Cần Thơ, TP.HCM) và ngược lại.

Cầu Gành Hào nối hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Quốc Quý.

Cầu Gành Hào nối hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Quốc Quý.

"Cùng với đó là phối hợp tốt với các chủ đầu tư thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương để bàn giao mặt bằng và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Hậu Giang - Cà Mau; Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất – Gò Quao – Vĩnh Thuận đoạn qua địa bàn tỉnh, cầu Gành Hào.

Bên cạnh đó, tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT đầu tư đường cao tốc Hà Tiên - Bạc Liêu, nâng cấp quốc lộ 1 (bao gồm các tuyến tránh qua đô thị Hòa Bình, thị xã Giá Rai) và quốc lộ Nam Sông Hậu", ông Nguyễn Huy Dũng thông tin.

Tiếp diễn cuộc đối thoại, đại diện nông dân các huyện đã đặt nhiều câu hỏi, trao đổi thẳng thắn các vấn đề như: Ô nhiễm môi trường nước do xả thải từ các hộ nuôi tôm công nghiệp, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, xây dựng mạng lưới giao thông…

Buổi đối thoại với không khí dân chủ, sôi nổi, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng các Sở, ban, ngành đã được nghe những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân các cấp, các địa phương và các nội dung rất quan trọng, thực tế, với đời sống của bà con nông dân.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trả lời trực tiếp, đồng thời, cung cấp thêm các thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh đối với các nhóm vấn đề nông dân quan tâm…

"Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần tổng hợp và triển khai các ý kiến đã trao đổi tại hội nghị để giải quyết kịp thời thắc mắc của hội viên nông dân. Nhất là hằng năm cần duy trì đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với cán bộ, hội viên, nông dân đảm bảo thực chất, hiệu quả", ông Thiều nhấn mạnh.

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bac-lieu-uu-tien-dau-tu-cac-cong-trinh-giao-thong-dot-pha-ket-noi-vung-19224110709362595.htm