Bài 2: Hệ giá trị mục tiêu dân chủ, kỷ cương và nhân văn
TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Kinh nghiệm lịch sử xác tín và hơn bao giờ hết, yêu cầu hiện đang thách thức: tính chính danh, tính chính pháp và tính chính tín của Đảng, rộng ra là các thành viên của hệ thống chính trị, phải phát triển những tư chất giềng mối căn bản cần có, phải đổi mới các phương sách và quy trình hoạt động mà Đảng lựa chọn. Từ các quyết sách chính trị tới lãnh đạo xây dựng phát triển hệ thống pháp luật một cách dân chủ, để có thể thực thi tốt nhất những trọng sự quốc gia và hóa giải thành công mọi thách thức trên lộ trình phát triển, trên nền tảng pháp quyền và dân chủ.
Đó là tinh hoa tinh thần thể chế cần phải có, cũng chính là đích đến của nền dân chủ, được bảo đảm bằng và bởi pháp luật nhằm xây dựng và phát triển một nền chính trị Việt Nam hiện đại, văn minh và tiến bộ.
Dân chủ và pháp luật phải luôn đi đôi
Đích đến của nền dân chủ Việt Nam phải được bảo đảm bởi và bằng pháp luật thật sự kỷ cương, nhân văn. Đó là nền chính trị Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của Đảng, phải là một nền chính trị đạo đức hay nền chính trị nhân bản, với hạt nhân “Nước lấy Dân làm gốc”; “sao cho được lòng Dân”; rằng, “Chính phủ là công bộc của dân”, “Việc gì có lợi cho Dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho Dân phải hết sức tránh”; rằng, “Nếu Chính phủ làm hại Dân thì Dân có quyền đuổi Chính phủ”... Thử hỏi quốc gia, dân tộc nào đã công bố và hành động như thế?
Nền chính trị nhân bản mà chúng ta xây dựng phải là sự gắn kết chặt chẽ giữa đạo đức và pháp luật. “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước kia, việc gì cũng từ “trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”, “Dân là gốc”, “Dân làm gốc”. Đó là sự đặc sắc, độc đáo của Nhà nước pháp quyền quản lý bằng pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế một cách hợp đạo lý. Nghĩa là, phải bảo đảm sao cho pháp quyền là sự cai trị bởi pháp luật chứ không dừng ở sự cai trị bằng pháp luật. Vì, pháp quyền phải là việc phát triển pháp luật đứng trên và nằm trong tất cả. Nghĩa là thượng tôn pháp luật!
Vì, nói đến tự do của Nhân dân là phải nói đến quyền: Quyền của Nhân dân và quyền của Nhà nước. Vấn đề phải giải quyết “là ở chỗ, cái mà đối với phía này là quyền, có phải trở thành vô quyền đối với phía kia không”, như K.Marx nói. Sự cấu thành Nhà nước, do Đảng lãnh đạo, chính là xác định địa vị pháp lý của cả người dân lẫn các cơ quan và quan chức nhà nước; và sự phân giải xã hội thành cá nhân độc lập - quan hệ qua lại của họ với nhau và với Nhà nước - phải được biểu thị trong pháp quyền và thông qua pháp quyền. Ở đây, cần lưu ý, ranh giới giữa pháp quyền và đặc quyền để phân biệt các mối quan hệ của con người trong các chế độ xã hội khác nhau? Pháp quyền là quan hệ trong xã hội dân chủ và đặc quyền là quan hệ trong xã hội đẳng cấp, chuyên chế. Xóa bỏ đặc quyền đòi hỏi phải có pháp quyền. Và, đến lượt nó, pháp quyền đòi hỏi bắt buộc phải có luật pháp đủ và đúng. Đó chính là sự tối thiểu của tinh thần pháp quyền dân chủ xuyên thấm tinh thần nhân văn trong tổ chức và thực thi quyền lực của chúng ta. Và, theo đó, Đảng, Nhà nước hay Nhân dân, tất cả đều được pháp luật bảo vệ và bình đẳng trước pháp luật.
Đối với chúng ta, chính trị đó chính là quyền lực của Nhân dân trong việc cử ra, tổ chức nên bộ máy nhà nước cũng như toàn bộ hệ thống chính trị nước ta. Đó là “sự tự quy định của Nhân dân”, “là sự nghiệp của bản thân Nhân dân”; đồng thời cũng cho thấy “quyền bình đẳng giữa những công dân..., mọi người được quyền ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước”. Mệnh đề đó càng xác tín, không phải Nhà nước tạo ra Nhân dân mà chính Nhân dân tạo ra Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng, ý chí của Nhân dân. Đó là Nhà nước do Dân và có nhiệm vụ hướng tới phục vụ Nhân dân, vì Nhân dân, được xác định là sự nghiệp của bản thân Nhân dân: “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do Dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do Dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi Dân”, “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”. Đó chính là sự thể hiện của tinh hoa pháp quyền thật sự dân chủ và nhân văn mà Đảng tiếp tục nắm chắc và thực thi trong công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của mình như một nhu cầu phát triển tất yếu quốc gia.
Trong khi hoàn thiện chế độ nhà nước, đồng thời cũng mở rộng và hoàn thiện quan hệ dân chủ trong các yếu tố của sự tồn tại của Nhân dân, dưới các hình thức tổ chức thành viên hệ thống chính trị Việt Nam; đồng thời, dân chủ được tổ chức trong tất cả các lĩnh vực quan hệ, giữa các cá nhân, cộng đồng, giữa các nhóm và tổ chức xã hội trong hệ thống chính trị, không ngừng mở rộng phạm vi các hình thức tự quản của Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của nền dân chủ và thấm đẫm nhân văn trên nền tảng pháp quyền.
Hơn hết lúc nào, hiện nay, Chính phủ “phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”. Xin nhấn mạnh, Chính phủ phải có chính trị trước. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính trị là đạo đức, là liêm chính! Đạo đức, lúc này, là hành động vì sự trong sạch. Nếu không như thế, tất sẽ rơi vào một trong hai thái cực hoặc phi đạo đức hoặc phi chuyên môn, thậm chí cả hai thái cực. Điều cần nhấn mạnh rằng, Chính phủ phải thật sự là công bộc của Nhân dân, dựa vào trí tuệ và lực lượng của Nhân dân, giữ chặt mối liên hệ với Nhân dân và luôn luôn lắng nghe ý kiến của Nhân dân, đó là nền tảng lực lượng chính trị của Chính phủ, mà nếu “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Đồng thời, hết sức chú trọng giữ vững sự nghiêm minh của pháp luật đi đôi với tăng cường giáo dục đạo đức: sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, hướng dẫn. Song, không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Nếu nhất luật không xử phạt sẽ mất cả kỷ luật, sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Nhưng, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn toàn không xử phạt là không đúng, mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng.
Để Nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh trên thực tế thì dân chủ và pháp luật phải luôn luôn đi đôi với nhau, nương tựa vào nhau, bảo đảm một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt. Không thể có dân chủ ngoài pháp luật, càng không thể có tự do ngoài kỷ cương. Pháp luật là “bà đỡ” của dân chủ, của tự do. Và, tự do đối với chúng ta, vừa là mục đích vừa là con đường để giải phóng Nhân dân và Nhân dân tự giải phóng mình vươn tới hạnh phúc. Mọi quyền dân chủ của Nhân dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do dân chủ của Nhân dân được tôn trọng tuyệt đối trong thực tế. Tất cả nhằm kiến tạo một xã hội Việt Nam bảo đảm sự phát triển tự do của mỗi thành viên và là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
Nói gọn lại, dân chủ, nhân văn và pháp quyền phải là mục tiêu cần vươn tới, được bảo vệ và phát triển vô điều kiện và vận hành chúng trên thực tế để bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp và bảo vệ các quyền của con người một cách tối cao, có khả năng phòng ngừa và ngăn chặn sự xâm hại của tình trạng vô pháp, phi pháp phá hoại các quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là mục tiêu phát triển của dân chủ, của pháp luật mang tầm văn hóa… mà chúng ta cần kiên định thực thi.
Pháp luật phải vận hành song song với đạo đức
Để thực hiện được yêu cầu đó, trước hết với tư cách “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, “Đảng cũng ở trong xã hội”, lúc này, hơn bao giờ hết, Đảng phải “xứng đáng là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, “là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”. Nắm chắc pháp quyền lúc này là phải nhằm tổ chức, xây dựng một Nhà nước pháp quyền khoa học, phù hợp, mạnh mẽ và sáng suốt với một đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thực sự là công bộc của Nhân dân. Đạo đức lúc này là, đẩy lùi những cơn khát quyền lực của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền - cội nguồn đẻ ra biết bao sự phản dân chủ: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ” - bằng cơ chế kiểm soát quyền lực bởi pháp luật. Pháp trị lúc này phải là góp phần trừng phạt nghiêm minh các tệ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Nghĩa là, vì chính trị, thì đức trị và pháp trị… phải được toàn dụng.
Chính trị cao nhất lúc này là lợi ích của Nhân dân là tối thượng, là quyền lợi của dân tộc trước hết và trên hết. Đến lượt nó, có thể khẳng định, lúc này đề cao pháp trị chính là sự thượng tôn pháp luật. Những quyết sách chính trị Đảng không thể “bị chi phối bằng cảm tính, thường được tô vẽ là tình nghĩa hay đạo đức hoặc cao quý hơn là chủ thuyết hay mục tiêu chính trị”. Và, kiên quyết tẩy trừ bất cứ thứ gì dù dưới danh nghĩa hay cái “áo khoác” pháp quyền hay đạo đức thuần túy… làm phương hại điều đó. Vì, chưa bao giờ vấn đề đức trị cần nêu cao như bây giờ. Và vì, cũng chưa bao giờ vấn đề pháp trị phải nắm chắc như bây giờ. Nói gọn lại, dùng đức trị quản sẽ chỉ được mười dặm, dùng pháp trị thì có thể quản được trăm dặm, dùng cả đức trị và pháp trị thì mới dẫn dắt và quản trị được muôn dặm sơn hà xã tắc. Cho nên, không thể nhấn chỉ một bên này đức trị hoặc phía bên kia pháp trị. Cần thực thi đồng thời cả hai, trên nền tảng dân chủ, đức trị hay pháp trị mới thực sự trở thành nền tảng để kiến tạo một xã hội hiện đại, văn minh và tiến bộ mà chúng ta vươn tới.
Nếu chỉ kêu gọi đạo đức mà thiếu pháp luật song hành thì chỉ là kêu gọi suông, trông chờ vào lòng tốt hay sự hướng thiện thuần túy; luật pháp không gắn với đạo đức thì có nguy cơ biến thành sự bạo tàn và vô nhân tính. Do đó, đức trị không gắn liền với luật pháp thì càng không thể thành công trong quản trị quốc gia. Vấn đề nêu gương không thể không gắn với luật pháp, với chế tài bảo đảm thực thi. Khi đạo lý chưa đủ thấu, đạo đức chưa đủ chuyển, thì pháp lý phải toàn dụng, pháp luật phải vận hành song song với đạo đức. Đó phải là phương lược dẫn dắt quốc gia của Đảng và quản trị quốc gia dân chủ và văn minh nhất của Nhà nước một cách thật sự pháp quyền.
Không gì tai vạ và nguy hiểm hơn khi đánh tráo mục tiêu chính trị và phương tiện, lại cổ súy thực thi nó một cách dân chủ rất hình thức, dân chủ trá hình, dân chủ bắt buộc, thậm chí dân chủ vô pháp vô thiên.
Thực tiễn đã cho thấy và đang đòi hỏi rằng, thước đo linh nghiệm và quyết định bậc nhất trong cuộc đổi mới và phát triển tinh thần thể chế, dù bắt đầu từ nhân trị hay pháp trị hay sự tổng hòa kỹ trị với pháp trị và nhân trị…, xét cho tới cùng, nếu không giải phóng tiềm năng con người, với thiết chế kiểm soát quyền lực phù hợp và hiệu quả, vì sự phát triển tự do và toàn diện của con người, bảo vệ vị thế độc lập và toàn vẹn thống nhất của Tổ quốc, tôn vinh và phát triển tinh thần và bản lĩnh dân tộc, nhìn từ mọi góc độ, thì ngay chính pháp luật sẽ không có lối ra. Nghĩa là, không có pháp trị, càng không có pháp quyền chân chính nào cả.