Xây dựng pháp luật để vươn mình trong kỷ nguyên mới
GS-TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, cho rằng cần đầu tư hơn nữa vào hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.
Ngày 7-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, cơ quan giữ trọng trách “gác cổng” của Chính phủ về pháp luật. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về sự kiện này, GS-TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, thành viên tổ biên tập Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam (VN), nói: “Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm chọn dịp sát ngày Pháp luật VN 9-11 để làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Ngày Pháp luật VN chính là ngày Quốc hội khóa I thông qua hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp 1946, khởi đầu nền lập hiến nước nhà, khẳng định những giá trị, nguyên tắc pháp quyền mà đến nay chúng ta vẫn đang theo đuổi, nỗ lực hiện thực hóa. Lựa chọn này tự nó đã nói lên những hàm ý sâu sắc, thiết thực nằm trong sự trăn trở đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng về tìm cách để VN vươn mình trong kỷ nguyên mới”.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền - một sự nghiệp lâu dài, khó khăn
. Phóng viên: Thưa giáo sư, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền có lẽ là nhiệm vụ đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay?
+ GS-TS Hoàng Thế Liên: Vâng, đây là nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Nhìn một cách tổng thể, chúng ta thấy tư tưởng pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến rất sớm, ít nhất từ Bản yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919. Hiến pháp 1946 nằm trong mạch tư tưởng ấy.
Nhưng trải qua một quá trình lâu dài đầy thách thức trong các điều kiện lịch sử cụ thể, đến năm 1994 chúng ta mới có đủ tiền đề và điều kiện để chính thức khẳng định chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong văn kiện Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ lần thứ VII.
Dù vậy, cũng phải đến năm 2001 chúng ta mới chính thức hiến định nội dung này trong Hiến pháp 1992 sửa đổi. Đến Hiến pháp 2013 không chỉ khẳng định tư tưởng pháp quyền mà còn hàm chứa trong đó những giá trị phổ quát của nhân loại và những giá trị đặc thù của VN.
Đến năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã chọn ngày Pháp luật Việt Nam - 9-11 - để ban hành Nghị quyết 27 chuyên đề về Nhà nước pháp quyền với tầm nhìn 2030 và 2045. Quá trình này cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền và cũng thấy rõ đây là sự nghiệp lâu dài đầy khó khăn và thách thức.
. Hệ thống pháp luật mà chúng ta đang có hiện nay gắn liền với Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về chiến lược lập pháp. Từng tham gia xây dựng nghị quyết này, giờ nhìn lại, giáo sư đánh giá thế nào?
+ Những giai đoạn đầu sau Đổi mới, pháp luật của chúng ta được xây dựng chủ yếu để phục vụ yêu cầu về đổi mới kinh tế. Các luật được ưu tiên xây dựng, ban hành là trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp, đầu tư.
Sau thành tựu ban đầu, chúng ta thấy cần hình dung đầy đủ hơn về hệ thống pháp luật. Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị ban hành năm 2005 là trong bối cảnh ấy, đề ra nhiệm vụ tổng thể về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh tất cả lĩnh vực, từ pháp luật về tổ chức bộ máy; pháp luật về bảo đảm quyền con người; pháp luật về dân sự, kinh tế; pháp luật về các lĩnh vực văn hóa - xã hội; pháp luật về quốc phòng, an ninh; đến pháp luật về hội nhập quốc tế. Tầm nhìn của Nghị quyết 48 là đến năm 2020 và hệ thống pháp luật hiện có đã phủ rộng như vậy.
Tuy nhiên, đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn nêu ra, thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Chất lượng của hệ thống pháp luật chưa cao. Như kỳ họp Quốc hội này phải sửa một lúc 10 luật ban hành chưa lâu. Một số quy định còn chồng chéo, khó thực hiện, chưa khơi thông nguồn lực để phát triển. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu.
Sáu nguyên nhân gây nghẽn trong xây dựng pháp luật
. Lý do vì sao có tình trạng ấy, thưa giáo sư?
+ Trước hết, tôi thấy Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá rất đúng. Đây là thực tiễn khó khăn, chúng ta có trách nhiệm tìm cho ra nguyên nhân để khắc phục.
Với tư cách là người quan tâm, có kinh nghiệm ít nhiều trong xây dựng pháp luật, tôi mạo muội nêu một số nguyên nhân như sau:
Một là, đổi mới là một quá trình lâu dài, phức tạp mà bản thân chúng ta chưa kịp nhận thức đầy đủ, thấu đáo. Thêm vào đó, chúng ta thực hiện đổi mới với phương châm từng bước vững chắc nhằm bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Như thế chưa thể đổi mới toàn diện và triệt để mà nhận thức đến đâu đổi mới đến đó, dẫn đến tình trạng chắp vá trong đổi mới.
Trong điều kiện như vậy, việc xây dựng pháp luật, thể chế khó tránh khỏi phiến diện, chủ yếu mang tính giải quyết tình thế, khó có thể có giải pháp căn cơ dẫn đến tình trạng vướng mắc trong thực thi, bỏ lỡ thời cơ.
Hai là, khoa học pháp lý của chúng ta còn non trẻ, chưa được đầu tư mạnh mẽ để phát triển và tạo nền tảng khoa học vững chắc phục vụ việc xây dựng pháp luật, thể chế. Nói ngắn gọn là chúng ta xây dựng nhiều luật, thể chế trong điều kiện phải mò mẫm rất khó khăn.
Ba là, trình độ, kỹ năng và cả thái độ của một bộ phận khá lớn công chức, người được giao trách nhiệm hoạch định chính sách, pháp luật, thể chế chưa ngang tầm với yêu cầu của công việc đặc biệt khó khăn và phức tạp này. Chúng ta cũng chưa có cơ chế sử dụng chuyên gia giỏi vào công việc xây dựng pháp luật, thể chế.
Bốn là, chúng ta vẫn chưa coi đầu tư vào xây dựng pháp luật, thể chế, nhất là giai đoạn xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản là đầu tư phát triển để có chủ trương đầu tư thỏa đáng. Do đó, việc thảo luận, tranh luận, khảo sát thực tiễn, điều tra xã hội học, tham khảo ý kiến của nhân dân, đối tượng bị điều chỉnh được thực hiện chưa nhiều hoặc rất hình thức. Pháp luật vì vậy mà còn khoảng cách với thực tiễn.
Năm là, làm luật là đi tìm quy tắc xử sự chung, chuẩn mực chung, lợi ích chung mà nhiều người chấp nhận nhằm bảo đảm công bằng và bình đẳng. Trong khi đó, ở nước ta, tư tưởng quyền anh, quyền tôi, lợi ích cục bộ bộ, ngành vẫn còn. Pháp luật có lúc này lúc kia, không vượt qua được lợi ích cục bộ, cản trở đổi mới, mở cửa.
Sáu là, kỷ cương, kỷ luật trong thực thi pháp luật vẫn là vấn đề lớn. Một bộ phận công chức thiếu chuyên nghiệp, còn thờ ơ với pháp luật, với lợi ích hợp pháp của người dân, làm giảm lòng tin của người dân và xã hội đối với pháp luật.
Làm luật là lý trí hóa thực tiễn
. Vậy thì giờ phải làm thế nào để khắc phục, tháo gỡ, thưa giáo sư?
+ Câu hỏi này cần sự suy nghĩ của nhiều người, của nhiều giới với sự nghiên cứu sâu sắc. Trong phạm vi một cuộc trao đổi nhỏ, tôi nêu một số ý để tham khảo.
Có nhà lãnh đạo quan niệm làm luật là lý trí hóa thực tiễn. Như vậy, xây dựng chính sách, pháp luật phải là những người giỏi, thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước.
Tôi chia sẻ quan điểm này và mong muốn chúng ta cần giao việc hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật cho những chuyên gia giỏi. Chưa có đội ngũ này thì cần có chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn để hình thành cho được.
Tiếp đến, cần phải đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học pháp lý, cho quá trình soạn thảo chính sách, xây dựng dự thảo văn bản, cho việc thảo luận, khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân, cho việc áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.
Chúng ta đang coi trọng và sẵn sàng đầu tư lớn cho những công trình, dự án hữu hình mà coi nhẹ đầu tư nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật - trong khi lẽ ra nó phải được chú trọng, đầu tư đúng mức để dẫn dắt sự phát triển quốc gia với tinh thần sáng tạo, đổi mới không ngừng.
. Xin cảm ơn giáo sư.•
Tầm nhìn chiến lược trong kỷ nguyên mới
Trong các bài viết gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở rằng cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tuyệt đối bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, Quốc hội chỉ nên làm luật khung, luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì để Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa nghị định, thông tư…
Cảm nhận chung của tôi là các ý kiến của Tổng Bí thư đều rất ngắn gọn, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề của thời cuộc, thể hiện một tư duy sắc sảo, nhạy bén với tầm nhìn chiến lược, khoa học và nhuần nhuyễn thực tiễn.
Trong cuộc làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư cho biết ông thống nhất xem xét đưa vào chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là những tín hiệu rất tích cực.
GS-TS HOÀNG THẾ LIÊN, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp
Tầm quan trọng của truyền thông chính sách
Hiện nay, việc xây dựng và ban hành các quy định pháp luật mới trở thành yếu tố thiết yếu để điều chỉnh và quản lý hiệu quả các vấn đề kinh tế, xã hội... Việc xây dựng các văn bản pháp luật mới không chỉ dừng lại ở khâu soạn thảo và ban hành mà còn bao gồm quá trình truyền thông chính sách.
Pháp luật đã có quy định về việc phổ biến, thông tin chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Yêu cầu bắt buộc trong quá trình xây dựng VBQPPL đã được Luật Ban hành VBQPPL quy định thành nguyên tắc. Đó là phải bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ trong tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức và việc lấy ý kiến đối với dự thảo VBQPPL. Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân, trong đó xác định những thông tin phải được công khai rộng rãi bao gồm cả các dự thảo VBQPPL, hình thức thông tin pháp luật.
Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra yêu cầu về đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với phương châm lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm tối đa quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, quyền làm chủ về thông tin, đặc biệt là thông tin chính sách, pháp luật được đặt lên hàng đầu.
Nằm trong chủ trương lớn của Đảng là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL. Đây được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết và cấp bách hiện nay. Làm tốt công tác truyền thông dự thảo chính sách là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào xây dựng chính sách.
Truyền thông dự thảo chính sách là một trong những phương thức để nhân dân được “hưởng dụng quyền dân chủ của mình” khi họ tham gia xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước.
Truyền thông dự thảo chính sách nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật để nội dung chính sách, pháp luật thực sự thể hiện ý chí của nhân dân xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống, trở thành công cụ hữu hiệu để “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, hướng tới một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/xay-dung-phap-luat-de-vuon-minh-trong-ky-nguyen-moi-post818992.html