Bài 2: Hiệu quả rõ rệt từ những quyết đáp mạnh mẽ, kịp thời của Quốc hội

Việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã bổ sung một nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác để hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Một số chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân và thành phần kinh tế.

Cơ bản hoàn thành những mục tiêu đặt ra

Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết về cơ bản đều được hoàn thành, góp phần thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Một trong những kết quả nổi bật, đó là tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% - mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022, và năm 2023, tỷ lệ này đạt 5,05%, tuy không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, nhưng cũng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Thanh Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Thanh Hải

Về “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn” - một trong những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43/2022/QH15, báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong các năm 2022 - 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, thể hiện thu ngân sách nhà nước năm 2022 bằng 128,6% dự toán, năm 2023 bằng 108,2% dự toán. Cân đối điện, xăng dầu, lương thực được bảo đảm.

Cùng với đó, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, cho phép tính vào chi phí được trừ các khoản hỗ trợ và giảm lãi suất cho vay được thực hiện, góp phần hỗ trợ dòng tiền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, chính sách giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) thực hiện đạt hơn 44,4 tỷ đồng, bằng 90% số dự kiến. Trong đó, giảm thuế giá trị gia tăng sản xuất kinh doanh trong nước khoảng 25.200 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng trong hoạt động xuất, nhập khẩu khoảng 19.258 tỷ đồng. Chính sách đã góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Giao thông Vận tải, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Thanh Hải

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Giao thông Vận tải, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Thanh Hải

Qua đánh giá kết quả thực hiện, hiệu quả và sự cần thiết của chính sách, Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm và Kỳ họp thứ Sáu, cho phép tiếp tục áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng tương tự như quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian từ ngày 1.7.2023 đến hết 31.12.2023 và từ ngày 1.1.2024 đến hết 30.6.2024.

Tín hiệu tích cực góp phần giải “bài toán” giải ngân vốn đầu tư công chậm

Với quan điểm nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh, khi ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội cũng quy định 3 cơ chế đặc thù được áp dụng trong hai năm 2022 và 2023 về thực hiện chỉ định thầu, cấp phép khai thác mỏ và phân cấp quản lý thực hiện các tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình (trừ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025).

Các cơ chế đặc thù được thực hiện trong hai năm 2022, 2023 và được kéo dài đến năm 2024 với những dự án chưa hoàn thành theo quy định tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian áp dụng cơ chế đặc thù không quá dài, nhưng qua giám sát cho thấy, đã mang lại những kết quả có thể đo lường, thống kê chi tiết ngay trong lĩnh vực có nhiều dự án thuộc Chương trình nhất, đó là giao thông vận tải.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giải trình các vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đưa ra. Ảnh: Thanh Hải

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giải trình các vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đưa ra. Ảnh: Thanh Hải

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, việc cho phép xem xét thực hiện chỉ định thầu với một số gói thầu đã giúp rút ngắn trình tự, thủ tục, giảm thời gian lựa chọn nhà thầu, chỉ sau khoảng 6 tháng đã phê duyệt dự án; và sau khoảng một năm đã phê duyệt thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, bàn giao mặt bằng đủ điều kiện khởi công. Việc cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cũng đã giúp thời gian thực hiện các thủ tục được rút ngắn khoảng 10 tháng so với quy trình thông thường. Cùng với đó, quy định cũng giúp các nhà thầu chủ động được nguồn cung, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá khi triển khai đồng loạt.

Đồng thời, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện một số đoạn tuyến đường cao tốc đã thúc đẩy chính quyền các cấp chủ động huy động nguồn lực của địa phương, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh một số thủ tục đầu tư xây dựng. Và, cùng với sự vào cuộc tích cực của Bộ Giao thông Vận tải trong việc hỗ trợ các địa phương về mặt kỹ thuật sau khi nhận hồ sơ của địa phương gửi lên, quá trình phân cấp cho UBND cấp tỉnh cũng tạo cơ hội để nâng cao năng lực quản lý, thực hiện dự án các tỉnh, thành phố.

Thực tiễn triển khai các dự án, công trình cho thấy, đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thậm chí có thể đo đếm được, trong việc áp dụng các cơ chế đặc thù cho dự án thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15, hay một số dự án quan trọng quốc gia khác. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nghiên cứu, trình Chính phủ cho phép áp dụng rộng rãi hơn các cơ chế này. Đây là một tín hiệu tích cực góp phần giải “bài toán” giải ngân vốn đầu tư công chậm hiện nay.

Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, kịp thời hướng dẫn các sở ngành, địa phương thực hiện quy trình, thủ tục, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng trạm y tế xã. Ảnh: Thanh Hải

Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, kịp thời hướng dẫn các sở ngành, địa phương thực hiện quy trình, thủ tục, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng trạm y tế xã. Ảnh: Thanh Hải

Từ quá trình giám sát cho thấy, kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đạt được cơ bản là tích cực, nhiều chính sách đã thực hiện thành công. Mặt khác, mặc dù việc thực hiện các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết đã huy động một nguồn lực lớn, khoảng gần 350 nghìn tỷ đồng, nhưng chúng ta vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn; đồng thời đóng góp không nhỏ vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid -19.

Những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là nhờ chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết một cách tích cực, trách nhiệm, đặc biệt là sự đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-2-hieu-qua-ro-ret-tu-nhung-quyet-dap-manh-me-kip-thoi-cua-quoc-hoi-i372519/