Bài 2: Hiệu quả từ những sáng tạo trong tuyên truyền

Liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị đã có buổi trao đổi với chị Đặng Thị Thoa - Trưởng phòng PBGDPL - Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai.

Đồng chí Đặng Thị Thoa - Trưởng phòng phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai.

Đồng chí Đặng Thị Thoa - Trưởng phòng phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai.

Thưa Chị, xin Chị cho biết về công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong năm 2023?

Năm nay, Lào Cai triển khai nhiều hoạt động cho công tác PBGDPL, trước khi có Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) 1719 thì Lào Cai đã có chương trình MTQG dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành Giáo dục, Hội Phụ nữ, ngành Tư pháp,...đã phối hợp để thực hiện các chuỗi hoạt động, trong đó có tổ chức phiên tòa giả định.

Theo đánh giá của tôi, việc thực hiện các phiên tòa giả định rất có ý nghĩa, vì kịch bản dựa trên vụ án có thật, người của Tòa án, Công an, VKS là "diễn viên". Người dân, học sinh sinh viên...đến xem đã có sự trải nghiệm rất tốt, thông qua đó hiểu được các hành vi vi phạm pháp luật và hình phạt được quy định trong Luật.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc của tỉnh cũng đã tổ chức 2 cuộc thi Tìm hiểu chính sách pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số với hình thức sân khấu hóa, tôi nhận nhiệm vụ là Trưởng Ban giám khảo.

Với cuộc thi này đơn vị tổ chức là Ban dân tộc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp với các huyện trong địa bàn tỉnh và lựa chọn đội tham gia dự thi. Theo đó, mỗi xã sẽ có 1 Đội, thành viên được lựa chọn từ người dân ở các bản làng. Vì cuộc thi với chủ đề Tìm hiểu về chính sách pháp luật cho người dân tộc thiểu số nên các đội dự thi sẽ thực hiện ba phần thi: Chào hỏi; Thi kiến thức pháp luật; Tiểu phẩm sân khấu hóa tập trung vào xử lý các tình huống pháp luật xảy ra tại địa phương.

Năm trước, các tiểu phẩm dự thi tự biên tự diễn còn đơn giản, năm nay có kinh nghiệm rồi, thành viên các Đội tự lựa chọn chủ đề nào thấy cần phải tuyên truyền dựa trên thực tế các tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, họ sẽ viết thành kịch bản.

Điều hay nhất ở chỗ không hề có sự chuyên nghiệp, tự cán bộ xã họp với Ban Tổ chức xong đăng ký các chủ đề, mỗi Đội lựa chọn một chủ đề khác nhau như: Nông thôn mới; hiến đất làm đường; bảo vệ rừng; bất bình đẳng giới; bạo lực gia đình,... Từ đó chất lượng cuộc thi cũng được nâng lên vì nội dung truyền tải được phong phú hơn.

Đặc biệt là thành viên các Đội thi đều là diễn viên không chuyên, nhưng diễn rất hay, rất tự nhiên. Việc người dân trực tiếp hóa thân vào nhân vật, trình bày các tình huống cũng giúp chính đồng bào dân tộc của họ dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn. Người dân đánh giá rất cao hình thức tuyên truyền này bởi dễ nhớ, dễ hình dung.

Việc áp dụng đồng bộ các hình thức tuyên truyền, PBGDPL đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang mang lại những tín hiệu rất đáng mừng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong đời sống hàng ngày của bà con.

.

Một phiên tòa giả định được diễn ra trên địa bàn.

Một phiên tòa giả định được diễn ra trên địa bàn.

Tại Lào Cai, nói đến công tác tuyên truyền, PBGDPL là người ta nói đến mô hình tuyên vận. Vậy, mô hình tuyên vận này được thực hiện như thế nào, thưa chị?

Tại Lào Cai, ở các xã có mô hình rất sáng tạo, đó là tuyên vận. Mô hình này thành lập và do một Tổ của bên Đảng điều hành. Tổ này sẽ có cả người của Tư pháp, Công an, Quân đội, các Bí thư chi bộ ở các thôn, tổ dân phố, Trưởng ban Công tác mặt trận tham gia. Tổ này sẽ sinh hoạt hàng tháng, thường nội dung sinh hoạt sẽ có 3 phần gồm: thông tin thời sự trong nước; thông tin thời sự quốc tế và thông tin thời sự của huyện đó.

Quy trình thực hiện là Ban Tuyên giáo Tỉnh sẽ viết tài liệu chung cho toàn Tỉnh, Sở Tư pháp phải viết chuyên đề về giới thiệu pháp luật, văn bản mới rồi chuyển về cho Ban Tuyên giáo của huyện biên tập lại, sau đó chuyển xuống cho Tổ tuyên vận của các xã sinh hoạt định kỳ 1 tháng ít nhất 1 lần. Các cá nhân tham gia Tổ tuyên vận này lại về họp thôn và tuyên truyền ở dưới thôn.

Nếu như theo báo cáo của cấp huyện, cấp xã thì với mô hình này, tất cả các văn bản về pháp luật đều được phổ biến đến với đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có điều họ không thể nhớ hết được tên các bộ Luật. Bởi vì tên của một số Luật đồng bào nói là khó nhớ, không thể nhớ được. Khi phiên dịch từ tiếng Kinh sang tiếng dân tộc nhiều khi cũng không thực sự đầy đủ và đúng nghĩa vì từ ngữ khác nhau nhiều.

Tuy nhiên, nếu hỏi có được cán bộ tuyên truyền về pháp luật không thì hầu hết đồng bào trả lời ngay là có được tuyên truyền. Tại Lào Cai, trung bình mỗi năm có 4 đợt tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào dân tộc.

Năm 2023, Lào Cai đã triển khai tuyên truyền hết các văn bản Luật được Quốc hội thông qua năm 2022 và 6 tháng đầu năm nay. Đồng chí Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL rất quan tâm đến vấn đề này. Đồng chí đã có chỉ đạo mỗi năm chia làm 4 đợt, Sở Tư pháp phải tính toàn trong mỗi đợt tuyên truyền có đầy đủ Luật, Nghị định, có Nghị quyết, có Nghị quyết của tỉnh.

Với sự vào cuộc đồng bộ từ UBND tỉnh, Hội đồng PBGDPL, những nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ làm công tác tuyên truyền PBGDPL như chị, với mong muốn nhận thức về pháp luật của đồng bào được cải thiện, chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Vậy, hiệu quả mang lại sau tất cả những nỗ lực đó như thế nào, thưa chị?

Nếu nói về việc tuyên truyền các chính sách, phạm vi áp dụng không đại trà (chỉ người này được hưởng mà người kia có thể không được hưởng) thì sự nhận thức của đồng bào chỉ ở mức độ trung bình. Nhưng riêng các quy định về pháp luật như vi phạm an toàn giao thông, an ninh mạng, Luật hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình,... thì sau khi được cán bộ tuyên truyền, phổ biến, người dân đều nắm được và biết áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ như có trường hợp chị nói chuyện: Tại sao vẫn còn đánh vợ? thì anh chồng trả lời: “Nó” (vợ - PV) không nghe lời thì đánh thôi chứ biết đánh là vi phạm pháp luật rồi". Hay như hỏi: "Tại sao uống rượu vẫn còn đi xe máy?" thì người ta trả lời ngay: "Uống có một tí thôi, hi vọng là Công an không bắt được". Hay một ví dụ khác, có anh chở quá số lượng người trên xe máy, khi được hỏi đã trả lời: “Nhưng mà đường xa, thấy nó đi bộ thì thương, thì phải cho nó đi cùng chứ”.

Nói như vậy tức là đã được tuyên truyền, phổ biến pháp luật rồi, người ta vẫn nhớ, nhận thức được đó là vi phạm, nhưng đâu đó vẫn tồn tại một số thói quen chưa thể bỏ được ngay. Trong năm 2023, tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm các quy định của pháp luật đã giảm đáng kể, không có nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu hiểu biết về pháp luật gây ra. Xét về nhiều khía cạnh, thì công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã đạt được hiệu quả nhất định.

Những khó khăn thực tế trong khi tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số mà chị đã gặp trong quá trình làm việc?

Trong quá trình đi công tác tại các cơ sở là vùng sâu, vùng xa, tiếp xúc trực tiếp với đồng bào, sẽ thấy có rất nhiều khó khăn, nguyên nhân bắt nguồn từ những thói quen, tập tục lâu đời của người dân tộc. Cụ thể như Luật Hộ tịch, ai cũng hiểu sinh con được bao nhiêu ngày thì phải đi đăng ký khai sinh. Nhưng có hiện tượng nếu bố hoặc mẹ không đủ tuổi đăng ký kết hôn thì bình thường là sẽ khai sinh cho con theo mẹ, nhưng nhiều gia đình ở đây người ta không đồng ý.

Người ta bảo là "con là con của bố nó, bên nội cơ mà, sao khai bên ngoại làm gì, chờ khi nào bố mẹ nó đăng ký kết hôn thì mới khai sinh".

Khi mình giải thích: "Làm như vậy thì lại không đảm bảo được quyền lợi của đứa trẻ, đó là quyền được khai sinh và được khám chữa bệnh miễn phí". Đồng bào trả lời rằng: "Không, cũng không ảnh hưởng, con tôi khỏe, cháu tôi khỏe, nó không ốm đau...". Và họ cứ chờ khi bố mẹ được phép kết hôn thì mới khai sinh cho đứa trẻ để cho về bên nội.

Hoặc một chính sách khác của Lào Cai là phụ nữ nghèo của vùng đặc biệt khó khăn mà sinh con thì được hỗ trợ 2 triệu cho 1 lần sinh và không quá 2 lần sinh, nhưng nếu sinh con thứ 3 thì phải bồi hoàn lại hết số tiền đó.

Nhưng nảy sinh ra vấn đề mà người dân nhất định không nhận tiền, vận động kiểu gì cũng không nhận. Khi hỏi tại sao không nhận tiền thì họ bảo: “Nếu được Nhà nước cho thì 1 đồng cũng quý, nhưng vì Nhà nước cho tiền nhưng lại ràng buộc là nếu vi phạm thì phải trả lại cho Nhà nước, thế nhỡ kế hoạch đẻ đứa thứ 3 thì phải bồi hoàn lại cho Nhà nước, lúc ấy không có tiền trả thì sao?".

Tức là người ta nhận thức được chính sách của Nhà nước là tốt, nhưng có thực hiện hay không thì lại là câu chuyện khác. Rõ ràng là họ hiểu được chính sách dân số, hiểu được chính sách hỗ trợ, hiểu được chế tài của Nhà nước nhưng vẫn có người vi phạm là vì vậy.

Một tiểu phẩm trong Hội thi Tìm hiểu pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bát Xát năm 2023 do Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai tổ chức.

Một tiểu phẩm trong Hội thi Tìm hiểu pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bát Xát năm 2023 do Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai tổ chức.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL tại Lào Cai?

Hiện nay, việc tuyên truyền PBGDPL theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin thì có tổ chức thi trắc nghiệm, viết tin bài đăng trên website. Các tài liệu tuyên truyền về pháp luật cũng được đưa công khai lên website.

Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng đang phấn đấu trong năm nay những ấn phẩm do Sở phát hành bản giấy thì sẽ tích hợp bản mềm lên.

Xin cảm ơn Chị! Chúc cho công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung và công tác đóng góp cho hoạt động PBGDPL của Chị sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, phát triển hơn trong thời gian tới!

Duy Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-2-hieu-qua-tu-nhung-sang-tao-trong-tuyen-truyen.html