Bài 2: Học giả Thời Ân Hoằng: một mặt trận chống Trung Quốc toàn diện đang hình thành
Học giả Trung Quốc Thời Ân Hoằng cảnh báo: Đừng hy vọng sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, quan hệ Trung – Mỹ sẽ quay trở lại như thời kỳ Tổng thống Barak Obama.
Giáo sư Thời Ân Hoằng ở Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với trang tin Hoa ngữ độc lập Đa Chiều, cho rằng ngay cả khi ông Joe Biden muốn quay trở lại các chính sách trước đây của Mỹ, hàn gắn quan hệ với các đồng minh và xây dựng lại uy tín quốc tế của Mỹ, ông cũng chỉ có thể làm được một nửa dưới áp lực rất lớn hiện nay. Đối với Trung Quốc, do yếu tố nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19, các nước lớn trên thế giới đang tăng tốc điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc; số lượng các nước quan trọng ủng hộ và có thiện cảm với Trung Quốc đang ngày một giảm đáng kể.
Dưới đây là phần hai bài trả lời phỏng vấn của ông:
Đa chiều: Sau cuộc bầu cử ở Mỹ, xem xét phản ứng của các bên, châu Âu dường như thở phào vì cuối cùng "Người anh cả" Mỹ đã quay trở lại; Ấn Độ có vẻ hơi hoảng, ông Narendra Modi hiển nhiên đang mong chờ thêm 4 năm cầm quyền nữa của ông Trump. Trung Quốc vẫn đang chờ đợi và quan sát. Xét cho cùng, đại cục của quan hệ Trung - Mỹ vẫn khó có thể dễ dàng thay đổi với việc Joe Biden lên nắm quyền. Sau khi ông Biden nắm quyền, tình hình địa chính trị thế giới sẽ có những thay đổi rõ ràng nào?
Thời Ân Hoằng: Thực sự thì Châu Âu cũng không thở phào nhẹ nhõm, đương nhiên Châu Âu hy vọng Joe Biden đắc cử, vì sau khi ông Biden đắc cử, mối quan hệ giữa Mỹ với NATO và các đồng minh Châu Âu sẽ được sửa chữa một phần; nhưng ngoài ra, Châu Âu không ảo tưởng quá nhiều. Những thay đổi lớn lao đã diễn ra trên nhiều phương diện trên thế giới. Cần phải chỉ rõ một điều rằng Joe Biden tới đây không phải là Phó Tổng thống Biden, và chính quyền Joe Biden không phải là chính quyền Barack Obama.
Ông Thời Ân Hoằng cho rằng chính phủ của ông Joe Biden không thể quay trở lại các chính sách thời Tổng thống Barak Obama (Ảnh: chinatimes).
Có thể nói, Joe Biden sẽ cố gắng khôi phục mối quan hệ đồng minh về kinh tế và quân sự, nhưng cũng chỉ có thể quay trở lại nửa chừng. Nguyên nhân cơ bản nhất nằm ở chỗ, nước Mỹ lo cho thân mình không xong và bị dẫn dắt bởi hai thế lực khổng lồ là những người cấp tiến trong đảng Dân chủ và những người theo chủ nghĩa dân túy của đảng Cộng hòa thì làm sao nước Mỹ có thể quay trở lại như xưa?
Trở lại một nửa, câu này thích hợp áp dụng cho quan hệ của Mỹ với châu Âu, với Nhật Bản, với Hàn Quốc, quan hệ với Trung Quốc và quản trị toàn cầu. Cục diện nước Mỹ được Tokyo, Seoul, Brussels, v.v., chào đón đã vĩnh viễn không còn nữa.
Nhìn lại các nước đang phát triển, Ấn Độ thì không cần phải nói, ông Modi chắc chắn tự tin rằng cho dù Joe Biden hay Donald Trump nắm quyền, quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn ngày càng gần gũi thậm chí là liên minh bán quân sự sẽ không bị lung lay. Tôi không nghĩ rằng ông Modi hoảng sợ.
Mọi người luôn coi trọng những trải nghiệm trong quá khứ khiến họ hạnh phúc, nhưng những trải nghiệm này chỉ là tạm thời và có giới hạn. Thế giới đã thay đổi. Dù ông Biden có muốn tạo nên sự khác biệt thì cũng chỉ có thể làm được một nửa vì ông ta gặp phải những trói buộc của hai thế lực chính trị chính đi theo hai hướng trái ngược nhau.
Theo ông Thời Ân Hoằng, Ấn Độ tin rằng dù ông Donald Trump hay Joe Biden nắm quyền thì quan hệ Ấn Độ -Mỹ cũng sẽ không thay đổi (Ảnh: Reuters).
Chiến lược tranh cử của ông Biden năm nay tập trung vào việc tấn công Donald Trump vì đã phá hoại nền dân chủ Mỹ. Tuy nhiên, đồng thời, Đảng Dân chủ đã không thể đưa ra một cương lĩnh chính sách đối nội và đối ngoại rõ ràng và có hệ thống. Bên ngoài chỉ nhìn thấy ông Biden cam kết các chính sách cục bộ như quay trở lại WHO và thỏa thuận khí hậu Paris. Điều này chủ yếu là do Joe Biden không có cách nào trực tiếp đưa ra một cương lĩnh chính sách rõ ràng, bởi vì một khi đưa ra thì sẽ bị cả hai bên cùng tấn công, trong tình huống chia rẽ cao độ, việc đưa ra một chương trình chính sách có hệ thống là không thực tế.
Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta nhận thấy rất nhiều điều kiện thuận lợi, và cho rằng những thay đổi chung trên thế giới ngày càng có lợi cho các nước đang phát triển và Trung Quốc. Nhưng thực tế hiện tại đã lật nhào nhận thức này, cuối cùng chúng ta nhận thấy “hóa ra là như thế này”.
Quan hệ Trung – Mỹ hiện đã xấu nhất đến mức có thể. Các nước phát triển khác, đặc biệt là các nước phát triển về hàng hải và các nước lục địa châu Âu, ngày càng lên án và phẫn nộ với Trung Quốc trong những tháng gần đây. So với trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, sự cô lập chính trị quốc tế của Trung Quốc càng nghiêm trọng hơn. Sự tách biệt nhanh chóng giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao giống như thời Chiến tranh Lạnh, thậm chí còn tồi tệ hơn thời Chiến tranh Lạnh.
Có thể nói, trong thế giới phát triển đang hình thành nhanh chóng và toàn diện một mặt trận chống Trung Quốc, số lượng các nước quan trọng ủng hộ và đồng tình với Trung Quốc về mọi mặt đang ngày càng giảm đi rõ rệt.
Đa chiều: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 17/11 được hỏi về chủ đề này khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Đổi mới Bloomberg, đã trả lời: “Không có nhiều quốc gia sẵn sàng tham gia một liên minh loại trừ các nước khác, đặc biệt là một liên minh không có Trung Quốc. Tôi nghĩ không chỉ là Singapore và các nước châu Á, mà ngay cả ở châu Âu, cũng có một số quốc gia muốn làm ăn với Trung Quốc. Điều này có thể hiểu được và tôi nghĩ như vậy sẽ tốt hơn”. Theo ông, liệu Joe Biden thực sự có thể cùng với phương Tây lập ra một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc toàn diện ? Đâu là biến số hoặc trở ngại lớn nhất?
Thời Ân Hoằng: Lý Hiển Long không phải là người thích hợp để nói về chủ đề này, Singapore phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ trong các lĩnh vực an ninh, chính trị quốc tế và chiến lược. Singapore là một đại diện điển hình muốn đứng giữa trong quan hệ giữa với cả Trung Quốc và Mỹ.
Khu vực mậu dịch tự do RCEP đã cùng EU và Khu vực mau tự do Bắc Mỹ taoh thành thế chân vạc trên thế giới (Ảnh: Dwnews).
Về kinh tế, Singapore có thể tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nhưng về chiến lược quân sự, Singapore chắc chắn xích lại gần Mỹ hơn; vì vậy cần xem xét tình hình thực tế.
Ngoài Mỹ, các nước phát triển bao gồm các nước phát triển về hàng hải và lục địa Châu Âu như Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha...rất nhất trí với Mỹ về chiến lược và nền kinh tế cấp cao với nội hàm là công nghệ cao. Ngoài ra, trong một loạt vấn đề, chẳng hạn như nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19, Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương, vấn đề tách rời công nghệ cao và kiểm soát vũ khí, họ về cơ bản nhất trí với Mỹ, tuy vẫn giữ một khoảng cách nhỏ nhất định. Liên kết tất cả những vấn đề này lại với nhau, có thể nói rằng một mặt trận chống Trung Quốc gần như toàn diện của phương Tây đang dần hình thành.
Tất nhiên, cũng không thể loại trừ trường hợp như Singapore, hoặc có một số lĩnh vực mà Trung Quốc có thể tham gia hợp tác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Nhưng những vấn đề nêu trên chẳng lẽ vẫn chưa đủ để đưa ra kết luận sao?
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, ngoài các quốc gia phát triển, quan hệ giữa một số nước đang phát triển quan trọng như Nam Phi, Brazil và Indonesia với Trung Quốc đều xa lánh đáng kể. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng sự phức tạp trong nội bộ thế giới lên rất nhiều. Có thể nói ngày càng có nhiều nước đang phát triển đang điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc.
Sau khi Joe Biden lên nắm quyền, vì vấn đề Trung Quốc hiện không phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, ông có thể không quan tâm đến quan hệ với Trung Quốc trong một thời gian, nhưng chắc chắn ông sẽ không bỏ qua việc gây ra một số khó khăn cho Trung Quốc.