BÀI 2: Hướng đến đô thị đáng sống

BÀI 1: Vị thế đắc địa

Câu hỏi đã và đang được đặt ra là Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) xưa trở thành Đại phố xuất phát từ sản xuất - chế biến - xuất khẩu và gắn liền với quá trình ấy là sự phát triển hiện đại của hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Vậy, ngày nay chúng ta cần làm gì để Mỹ Tho xứng tầm với vị thế ấy?

Sức vóc của Mỹ Tho trong tương lai cũng đã được định hình thông qua công tác quy hoạch. Thế nhưng, đó là một câu chuyện còn dài, cần rất nhiều nỗ lực và nguồn lực.

TIẾP NỐI LỊCH SỬ

Với vị thế đắc địa, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra các ý tưởng để góp phần đưa Mỹ Tho vươn lên. Các nhà nghiên cứu cũng lý giải thêm rằng, sự phát triển của Mỹ Tho không thể nằm ngoài quá trình sản xuất và lưu thông. Song, thực tế cũng đã nhìn nhận rằng, đất nông nghiệp ở Mỹ Tho không đủ để sản xuất và xuất khẩu với quy mô lớn. Mỹ Tho cũng không thể phát triển công nghiệp chế biến với quy mô lớn vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề cảnh quan và môi trường.

Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật tạo nên không gian phát triển mới cho TP. Mỹ Tho.

Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật tạo nên không gian phát triển mới cho TP. Mỹ Tho.

Vậy, Mỹ Tho có thể phát triển ngành nào? Chia sẻ về khía cạnh này, tại Hội thảo khoa học “Di sản đô thị Mỹ Tho - Tiềm năng và phát triển” được tổ chức gần đây, tham luận của TS. Phan Văn Nhẫn và TS. Nguyễn Phúc Nghiệp cũng chia sẻ rằng, thực tế tiềm năng và triển vọng đã, đang và sẽ cho phép Mỹ Tho phát triển mạnh dịch vụ du lịch - một ngành công nghiệp không khói trên cơ sở hiện đại hóa các cơ sở du lịch hiện có…

Mỹ Tho cũng có thể làm đầu mối xuất khẩu nông sản và có thể xuất khẩu tại chỗ một lượng trái cây, thực phẩm chế biến lớn để phục vụ khách du lịch với vai trò là “thủ đô” của miệt vườn. Dịch vụ tài chính - ngân hàng, với vai trò là đầu mới giao thương ở cửa ngõ miền Tây cũng cần được chú ý ở Mỹ Tho. Đồng thời, Mỹ Tho cũng được chú ý đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị nhằm phát triển Mỹ Tho theo hướng xanh - sạch - đẹp.

Hội thảo Xây dựng TP. Mỹ Tho thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành dự kiến được UBND tỉnh tổ chức vào ngày 29-6 nhằm hướng đến mục đích xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển để xây dựng TP. Mỹ Tho thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành, đảm bảo phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của TP. Mỹ Tho và phù hợp với Nghị quyết 13 ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 78 ngày 18-6-2022 của Chính phủ, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời nhằm trao đổi, thống nhất nội dung để lập Đề án Xây dựng TP. Mỹ Tho thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành. Hội thảo dự kiến có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia cũng như các địa phương, sở, ngành tỉnh.

Trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy Tiền Giang thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đề cập đến các nội dung quan trọng liên quan đến phát triển các đô thị, trong đó có Mỹ Tho. Theo đó, Tiền Giang sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và nâng cao chất lượng đô thị.

Cùng với đó là xây dựng TP. Mỹ Tho có vai trò là một trong những trung tâm dịch vụ thương mại, logistics, du lịch tại khu vực phía Bắc sông Tiền; đô thị cửa ngõ giữa TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về cây ăn trái và trung tâm dịch vụ du lịch miệt vườn.

Đồng thời, Tiền Giang sẽ phát triển các đô thị động lực đảm bảo hiện đại, thông minh và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển đô thị kinh tế biển ở Gò Công, vùng đô thị công nghiệp tập trung tại Tân Phước; phát triển dải đô thị sinh thái ven sông Tiền, đô thị ven biển; phát triển các khu, cụm công nghiệp ở các khu vực đô thị động lực; giải quyết nhà ở trên các kinh, rạch và cải thiện môi trường đô thị ven sông…

Nhìn ở một khía cạnh khác, theo nghiên cứu của Ths. Lê Ái Siêm, với vị thế sông ngòi và cù lao, Mỹ Tho cũng là điểm du lịch từ rất sớm, vào thời Mỹ Tho đại phố. Ở vào vị thế như thế, Mỹ Tho là một thắng địa, một vùng đất quan trọng để phát triển kinh tế và văn hóa. Nhận ra điều này, người Pháp đã xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho đầu tiên của Đông Dương, xây dựng bến tàu Lục tỉnh, Hãng Xáng, Trường Collège de Mytho - một trường công lập đầu tiên ở Nam bộ…, với mục đích khai thác tài nguyên và tài lực vùng châu thổ trù phú bậc nhất của Đông Dương.

Ths. Lê Ái Siêm cũng chia sẻ thêm, Mỹ Tho vốn là đô thị cổ, có 2 con sông (sông Tiền và Bảo Định), 2 cù lao trên sông (Tân Long và Thới Sơn), có những ngôi chùa cổ (Bửu Lâm, Vĩnh Tràng, Thiên Phước), có nhà Bạch Công tử, rạp cải lương đầu tiên của Việt Nam (Rạp Thầy Năm Tú)… Những cù lao, con sông, chùa cổ, đình cổ, trường cổ ấy chứa đựng trong nó những câu chuyện rất đẹp, rất hay đối với người phương xa. Với những lợi thế này, chúng ta nghĩ nên hướng Mỹ Tho đến một đô thị du lịch, trong đó có các loại hình như: Du lịch hoài niệm, du lịch làng nghề và ẩm thực, du lịch tâm linh, du lịch cảnh quan, văn hóa… Mỹ Tho ở vào vị trí đặc biệt, là vùng đất từng được cổ nhân lựa chọn làm nơi sinh sống và phát triển thành đô thị đến nay vừa tròn 345 năm, là một đô thị cổ nhất vùng châu thổ sông Cửu Long. Sự lựa chọn ấy không sai lầm, đến thế hệ chúng ta cần phải được kế thừa và phát triển để thành một đô thị đáng sống.

TẠO ĐỘNG LỰC MỚI

Trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển hiện nay, Mỹ Tho cũng đã và đang lựa chọn những hướng đi thích hợp. Đặc biệt, Mỹ Tho cũng đã xác định các yếu tố trọng tâm cho chặng đường 2020 - 2025 theo hướng phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ bất động sản nhằm tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế và phát triển đô thị trung tâm. Đây cũng là các ngành dịch vụ có lợi thế so sánh chất lượng cao của thành phố. Một trong những điểm nhấn quan trọng là TP. Mỹ Tho cũng đã và đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Du lịch là lợi thế của Mỹ Tho.

Du lịch là lợi thế của Mỹ Tho.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, TP. Mỹ Tho đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh cũng đặt ra quan điểm, mục tiêu là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại.

Đồng thời, phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Bên cạnh đó, tập trung phát triển Mỹ Tho thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành, trung tâm du lịch, thương mại - dịch vụ, logistics khu vực Bắc sông Tiền; khai thác lợi thế của đô thị ven sông, xây dựng không gian xanh; phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của một đô thị có bề dày hình thành và phát triển…

Để đạt được mục tiêu đề ra, Mỹ Tho cần tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; phát triển ngành thương mại, dịch vụ thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, Mỹ Tho cần tập trung khai thác tối đa tiềm năng du lịch sông nước với lợi thế nằm trên tuyến đường thủy du lịch TP. Hồ Chí Minh đi Phnôm Pênh, tập trung quy hoạch cảnh quan ven sông và kết nối khu vực đô thị với cảnh quan ven sông. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng và chất lượng dịch vụ du lịch Thới Sơn; đầu tư hạ tầng mở mới tuyến du lịch rạch Bà Ngọt, rạch Gò Cát gắn với bảo tồn, khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, phát huy các làng nghề truyền thống, làng bún, hủ tiếu, làng hoa. Hướng đến phát triển du lịch trên đoạn sông Bảo Định theo mô hình các tuyến du thuyền trên sông và hệ thống cơ sở vật chất du lịch hai bên bờ và tiếp tục duy trì các hoạt động lễ hội, xúc tiến lập Đề án Tổ chức Phố đi bộ tại Công viên Tết Mậu Thân…

Một trong những khía cạnh khác là việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng đô thị thông minh của Mỹ Tho cũng được ưu tiên nhằm tạo nên không gian sống tiện ích và môi trường làm việc hấp dẫn để thu hút dân cư; đầu tư mở rộng các không gian công cộng; thu hút nguồn lực đầu tư. Đồng thời, Mỹ Tho sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối giữa khu vực nội ô với các phân khu chức năng, kết nối giữa thành phố với các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận, kết nối với TP. Hồ Chí Minh; phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình liên kết vùng như: Cầu Rạch Miễu 2; đường tỉnh 864; trục động lực TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang; hình thành các trục song hành với Quốc lộ 50 kết nối TP. Mỹ Tho với khu vực biển Gò Công.

Theo đó, TP. Mỹ Tho ưu tiên đầu tư các tuyến đường: Đường Hùng Vương nối dài, đường kết nối từ đường huyện 35 vào thành phố, đường Nguyễn Văn Giác nối dài, đường Vành đai 2, đường Vành đai 3, đường Nguyễn Công Bình nối dài, các tuyến đường kết nối với đường kè sông Tiền, các cầu qua sông Bảo Định, hoàn chỉnh tuyến và cải thiện điều kiện mặt đường các trục đường tỉnh trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Mỹ Tho cũng nghiên cứu triển khai thực hiện tốt các dự án khu dân cư như: Khu dân cư hai bên đường Nguyễn Công Bình, Khu đô thị Đông Bắc thành phố, Khu đô thị Mỹ Hưng… nhằm từng bước phát triển chuỗi đô thị ven sông Tiền…

ANH PHƯƠNG

(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202406/tp-my-tho-huong-den-trung-tam-tong-hop-chuyen-nganh-bai-2-huong-den-do-thi-dang-song-1014191/