Bài 2: Khắc tên mình trên núi đá Mường Khương

Mấy năm trở lại đây, nhắc đến huyện Mường Khương là người ta nhắc đến quả quýt như một đặc sản của vùng đất này. Người Mường Khương thì vẫn luôn tự hào mình sống ở nơi vùng cao núi nhọn nhưng lại là “vựa quýt” lớn nhất tỉnh biên giới Lào Cai. Đúng là câu chuyện thật khó tin khi ở vùng đất chỉ toàn sương mù, núi đá nhấp nhô, trồng ngô, lúa nương còn nhiều năm mất mùa, huống chi trồng cây ăn quả như cây quýt.

Cách đây 12 năm, nếu không đến tận nơi tôi đã không tin người dân tộc thiểu số vùng cao huyện Mường Khương trồng được quýt trên núi đá, mà cây quýt lại cho những mùa vàng trĩu quả, thu nhập cả trăm triệu đồng. Người đầu tiên trồng quýt ở thung lũng Sả Hồ, thị trấn Mường Khương là vợ chồng chị Vàng Thị Lan, dân tộc Pa Dí.

Chị Vàng Thị Lan nhớ lại những ngày tháng gian nan: Khi mới vào đây lập nghiệp, hai vợ chồng tôi hăm hở bỏ ngô trồng mía. Năm đầu thu được chục triệu đồng nên phấn khởi trồng tiếp. Những vụ sau cây mía đốt cứ ngắn lại, thân chỉ to như cây ngô, chua loét, chả ai mua. Bao công sức tan như đám sương trên đỉnh núi. Không đầu hàng thất bại, năm 2003, nhà tôi lại tiếp tục mua cây quýt giống bên Trung Quốc về trồng trên núi đá. Đến năm thứ 4, cây quýt mới bói vài quả, bố mẹ và bà con bảo chẳng ai dại như vợ chồng Lan - Thành, mua cây lạ về trồng, cuối cùng mất tiền, mất cả công…

Khi đó, nghĩ đến phải chặt bỏ cả nghìn cây quýt, chồng tôi như người mất hồn. Tôi động viên chồng không được nản chí, cây quýt sẽ cho quả ngọt. Vài năm sau đó, khi cây quýt đã sai quả, phủ kín vùng núi đá này, đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng, thì lại bị bệnh lạ tấn công. Hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo, tìm hỏi khắp nơi, cuối cùng cũng tìm ra thuốc cứu được vườn quýt của gia đình. Nhưng cứu mình không thì không đủ, vợ chồng chị Lan còn chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ, cứu được cả vùng quýt lớn.

Sau hơn hai thập kỷ kiên trì gắn bó với cây quýt, trải qua bao thăng trầm, đến nay những vườn quýt ngọt đang đem lại cho gia đình chị Vàng Thị Lan nguồn thu cả tỷ đồng mỗi năm, giúp gia đình chị trở thành một trong số ít hộ sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương của huyện nghèo Mường Khương. Một điều đặc biệt, từ mô hình trồng quýt của gia đình chị Lan, rất nhiều hộ dân người Pa Dí ở Mường Khương đã học theo, nỗ lực vượt khó, làm giàu từ cây quýt và các mô hình kinh tế tổng hợp.

Đến thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương, chúng tôi được gặp anh Sền Pờ Diu, cũng là một trong những hộ người Pa Dí đầu tiên trồng quýt trên núi đá xứ Mường. Anh Diu bảo trước đây, để thoát khỏi đói nghèo, gia đình anh đã làm đủ mọi nghề như trồng ngô, cấy lúa, nuôi lợn, nấu rượu, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Năm 2004, gia đình anh Diu mạnh dạn bỏ ngô chuyển sang trồng quýt. Đến nay gia đình có 5 ha quýt với 6.000 cây, mỗi năm thu hoạch 30 tấn quả, bán được từ 300 đến 400 triệu đồng.

Mỗi mùa quýt chín, khu vườn nhà anh Diu đông vui như ngày hội. Anh Diu cùng vợ là chị Pờ Thị Sen vui vẻ dùng điện thoại thông minh quay video, chụp ảnh vườn quýt đăng lên mạng xã hội facebook, zalo, tiktok để quảng bá, giới thiệu đặc sản quýt Mường Khương. Nhờ đó, có ngày gia đình gửi đi các tỉnh cả tấn quýt thơm. Ngoài trồng quýt, gia đình anh Diu còn trồng thêm cây ổi, cây sa nhân tím, đem lại tổng thu nhập gần 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 6 lao động trong thôn.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Pờ Vản Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mường Khương tươi cười: Từ những mô hình trồng quýt đầu tiên của đồng bào Pa Dí, Bố Y, hiện nay toàn huyện Mường Khương có 815 ha quýt, với 1.500 hộ trồng quýt. Trong đó, thị trấn Mường Khương trở thành vùng trồng quýt lớn nhất huyện với 350 hộ trồng quýt, trên 260 ha. Mỗi ha quýt cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ dân làm giàu.

Đặc biệt, thị trấn Mường Khương chỉ có khoảng 200 hộ người Pa Dí, nhưng có nhiều hộ sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, tập trung ở thôn Chúng Chải A, Chúng Chải B, Sa Pả, tổ dân phố Mã Tuyển. Tiêu biểu như hộ sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương có hộ ông Làn Mậu Thành; cấp tỉnh có 2 hộ Sền Pờ Diu và Pờ Mìn Cường; cấp huyện có 9 hộ: Pờ Seng Phù, Pờ Chín Sài, Vàng Pà Tỉn, Thào Sần Tư, Tung Pin Cường, Tung Pin Lần, Pờ Chín Phà, Tráng Lền Tờ, Thào Sần Tờ và 17 hộ sản xuất - kinh doanh giỏi cấp xã.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Pờ Vản Tiến hỏi chúng tôi: "Nhà báo có biết làm thế nào để nhận ra người Pa Dí không? Nếu có dịp đến các thôn, bản ở Mường Khương, cứ thấy gia đình nhà nào đi làm sớm nhất, chiều về muộn nhất, đó là người Pa Dí".

Nói vui vậy thôi, nhưng quả thực bà con người Pa Dí ở Mường Khương nổi tiếng chịu khó, chăm chỉ làm ăn, có những gia đình kinh tế khá giả những vẫn chắt chiu từng chút để cuộc sống ấm no hơn nữa. Người Pa Dí cũng rất thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất, là những “cánh chim đầu đàn” về phát triển kinh tế của nhiều thôn, bản. Bà con không chỉ trồng quýt, mà còn chăn nuôi gia súc, chế biến nông sản xuất khẩu, chế biến thực phẩm đặc sản như lạp xường, thịt sấy, tương ớt…

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Đăng Năm, Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Khương nhận xét: Không biết có phải vì cuộc sống đá núi khắc nghiệt đã mài dũa nên sự chịu khó, can trường của cộng đồng này hay không? Bởi lẽ, không riêng gì cây quýt, người Pa Dí ở thị trấn còn xung phong, đi đầu trong mọi phần việc, kể cả là triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai với cây trồng chủ lực là cây chè. Điểm chung ở những thôn, bản có người Pa Dí sinh sống là họ không cam chịu đói nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở cộng đồng này rất thấp. Nét nổi bật ở họ là tinh thần cố kết bền chặt, một người biết sản xuất sẽ dạy những người khác làm theo; khi một gia đình ở thôn có việc cả cộng đồng chung tay..

Cùng với biến khát vọng làm giàu trở thành hiện thực, đồng bào Pa Dí trên mảnh đất Mường Khương còn nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Lần này đến Mường Khương, chúng tôi có dịp vào thăm thôn Bản Sinh, xã Lùng Vai. Đồng chí Hoàng Việt Dư, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lùng Vai cho biết: Xã có 14 thôn, bản, trong đó Bản Sinh là thôn duy nhất có người Pa Dí sinh sống.

Ngược dòng lịch sử, từ những năm 1940, đã có khoảng chục hộ dân người Pa Dí di chuyển từ xã Tung Chung Phố xuống xã Lùng Vai, sinh sống ở ven suối Bản Sinh. Tuy dân số ít, nhưng cộng đồng người Pa Dí lại rất đoàn kết, gắn bó, có ý chí làm giàu và tích cực hưởng ứng xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, thôn Bản Sinh có 70 hộ dân thì 40 hộ người Pa Dí.

Anh Pờ Văn Minh, người Pa Dí, Trưởng thôn Bản Sinh phấn khởi nói: Trong những năm qua, đồng bào Pa Dí ở Bản Sinh là nòng cốt của các phong trào thi đua phát triển kinh tế, với các mô hình trồng chè, trồng dứa, trồng lúa Séng cù, nuôi cá. Các hộ: Tráng Bản Tờ, Pờ Chín Hùng, Pờ Chín Phà mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn chè, dứa; hộ Pờ Chín Sơn, Tráng Vản Sài trồng chè, trồng lúa Séng cù mỗi năm thu 100 - 200 triệu đồng…

Bản Sinh bây giờ đã không còn là “thung lũng trồng gừng” như cái tên được đặt thuở ban đầu. Thung lũng ấy giờ được phủ xanh bởi lúa ngô, nương chè bên những tuyến đường bê tông kiên cố. Ngay đầu thôn, nhiều ngôi nhà xây mới mang dáng dấp của những biệt thự “mọc lên”. Từ năm 2004, Bản Sinh là thôn văn hóa đầu tiên của xã Lùng Vai và duy trì suốt 20 năm qua. Đặc biệt, Bản Sinh cũng là thôn nông thôn mới kiểu mẫu của xã.

Kết quả đó không chỉ riêng người Pa Dí làm nên mà còn phản ánh vai trò của ban công tác mặt trận trong việc tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân ở thôn, bởi lẽ ở Bản Sinh còn các dân tộc khác cùng chung sống như người Nùng, người Giáy. Ông Tráng Sẩu Chiến, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn và cũng là người con của đồng bào Pa Dí phấn khởi nói: Cộng đồng các dân tộc nơi đây giương cao ngọn cờ đại đoàn kết, trong đó, người Pa Dí luôn gương mẫu đi đầu.

Đến thị trấn Mường Khương, thật không thể tin có một thôn người Pa Dí sinh sống trên đỉnh núi là thôn Sa Pả, đường lên dốc ngược cheo leo. Anh Pờ Khái Củi, Trưởng thôn Sa Pả cho hay: Chỉ 8 năm trước, ngày trời mưa muốn lên các thôn Sa Pả 9, 10, 11 chỉ có cách đi bộ. Hôm nào trời nắng, người vững tay lái mới đi xe máy lên thôn được. 3 thôn ở thế 3 chân kiềng giống như 3 ốc đảo trên núi ít người biết tới. Vậy nhưng từ năm 2016, 2017, thôn có điện lưới quốc gia, đường lên thôn được bê tông hóa, giúp đổi thay vùng đất này.

Có mặt ở thôn Sa Pả hôm nay, chúng tôi hòa chung niềm phấn khởi của bà con. Vui nhất là xe ô tô có thể lên tới tận nơi. Trên đường lên thôn, chúng tôi gặp từng chuyến xe công nông nối nhau chở đá, cát, sỏi, xi măng để bà con xây nhà. Buổi tối ở Sa Pả điện sáng lung linh chẳng khác gì các tổ dân phố phía dưới thị trấn. Đây chỉ là câu chuyện nhỏ của nhiều nơi nhưng là niềm mơ ước của bà con suốt bao nhiêu năm qua.

Thôn Sa Pả có 61 hộ dân, trong đó 59 hộ là người Pa Dí. Đời sống người dân đã ấm no hơn nhiều nhờ bà con tích cực chuyển đổi từ trồng ngô kém hiệu quả sang trồng một số cây mới như quýt, sa nhân tím, chè. Trung tâm thôn Sa Pả mỗi năm lại có thêm nhiều nhà xây khang trang đẹp như dưới phố.

Có đến những bản, làng người Pa Dí, mới thấu hiểu hết những gian khó mà đồng bào phải đối mặt và vượt qua trong hành trình vẽ nên diện mạo quê hương. Những bản, làng chon von trên sườn núi, đỉnh đồi, đất canh tác ít và cằn sỏi đá giờ có điện sáng soi, nhà nhà kiên cố. Những gốc lúa vẫn lên ở chân ruộng khô cằn, nứt nẻ; những gốc quýt rẽ đất, tách đá mà vươn xanh rồi đơm hoa, kết trái. Nghị lực như chính chủ nhân.

Khúc tráng ca trong cuộc chiến đẩy lùi đói nghèo và xây dựng quê hương đã được cộng đồng người Pa Dí viết lên bởi sự đoàn kết, cần cù, như những câu hát mà chị em phụ nữ người Pa Dí ngâm nga mỗi buổi lao động trở về nhà: "Nào mình không sợ gì cả/ Đi đi chị em ta cùng đi/Địu cây xanh về ủ làm phân/Phân để bón cho ngô lúa tươi tốt/Mình mới có cuộc sống ấm no…".

Bài cuối: Vang mãi những khúc ca

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-2-khac-ten-minh-tren-nui-da-muong-khuong-post387671.html