Bài 2: Khẳng định vai trò nòng cốt, 'điểm tựa' vững chắc của nhân dân (Tiếp theo và hết)

Xác định công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ 'chiến đấu trong thời bình', cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn nỗ lực vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, thực hiện nhiệm vụ bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm, với mọi khả năng của mình, góp phần khẳng định vai trò nòng cốt, xung kích của Quân đội, đồng thời để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân...

Dân cần bộ đội có, dân khó có bộ đội

Bão lũ đã đi qua nhưng mỗi khi nhớ lại, chị Hoàng Thúy Quỳnh, trú tại tổ 18, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) không khỏi bàng hoàng. Đặc biệt, chị rất xúc động khi được cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang cứu giúp vào đúng lúc chị gặp nguy hiểm. Ngày 17-9, chị viết thư gửi Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình, trong đó có đoạn: “Đêm 10-9, mưa lớn khiến TP Tuyên Quang ngập trên diện rộng, nhà tôi cũng bị ngập hết tầng 1. Trong nhà, bố mẹ tôi đã lớn tuổi, một con nhỏ và tôi đang mang thai tháng thứ 9. Lúc đó tôi đau bụng, sợ sinh con trước ngày dự kiến, mực nước trong nhà vẫn dâng rất nhanh khiến tôi hoảng sợ. Tôi chỉ biết gọi điện cầu cứu tới Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang. Rất nhanh chóng, các anh lập tức lên phương án cứu hộ, đồng thời liên tục động viên gia đình. Mặc dù trời mưa rất to, cả thành phố ngập sâu, rất nguy hiểm nhưng bộ đội vẫn cố gắng tiếp cận để đưa gia đình tôi lên xuồng cứu hộ đến nơi an toàn... Trong gian khó luôn ấm áp tình quân-dân. Bộ đội Cụ Hồ thời nào cũng tận tụy, kiên trung, luôn sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc nhân dân”.

Có dịp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3, số 4 và mưa lũ sau bão ở một số địa phương, điều chúng tôi tâm đắc nhất là bộ đội đã vượt qua muôn vàn gian khó, hiểm nguy, có mặt kịp thời ở bất cứ đâu người dân cần, cả trước, trong và sau bão lũ, “luôn sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân”, đúng như suy nghĩ của chị Hoàng Thúy Quỳnh. Không thể kể hết các hành động, việc làm, sự kiện để minh chứng điều này, những điều chúng tôi đề cập chỉ là vài nét chấm phá...

Lữ đoàn Công binh 249 (Binh chủng Công binh) buộc rọ đá gia cố đường dẫn, chuẩn bị bắc cầu phao thay thế tạm cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: TUẤN HUY

Lữ đoàn Công binh 249 (Binh chủng Công binh) buộc rọ đá gia cố đường dẫn, chuẩn bị bắc cầu phao thay thế tạm cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: TUẤN HUY

Trong bão số 3, xảy ra sự cố vỡ đoạn đê sông Lô tại thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang). Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Âu Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng chia sẻ: “Rất may là nhờ bộ đội kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn, nếu không có thể sẽ gây thiệt hại về người”. Trước đó, khoảng 20 giờ 30 phút ngày 10-9, đoạn đê sông Lô tại thôn Sài Lĩnh bị vỡ. Nhưng từ sáng, khi phát hiện sự cố rò rỉ thân đê, bộ đội đã kịp thời có mặt phối hợp với các lực lượng tại chỗ vừa giúp địa phương gia cố đê, vừa chủ động di dời hàng chục hộ dân, giúp giảm thiểu thiệt hại khi đê vỡ, đặc biệt là không có thiệt hại về người. Ngay khi vỡ đê, Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang còn huy động gần 280 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân phối hợp cùng các lực lượng khác tiếp tục giúp người dân di dời tài sản, đóng bao cát, huy động hàng trăm áo phao, phao bơi phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn... Tương tự, thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) là địa bàn có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất. Chủ động dự báo trước tình hình, bộ đội, dân quân đã phối hợp với các lực lượng tại chỗ kịp thời di dời toàn bộ 36 hộ dân trong thôn đến nơi an toàn. Vì vậy, khi lũ quét, sạt lở đất xảy ra khiến 5 nhà dân bị vùi lấp hoàn toàn, 31 nhà dân bị sạt lở nhưng không có thiệt hại về người.

TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh là nơi tâm bão số 3 đổ bộ. Chủ động các biện pháp phòng, chống bão, bộ đội đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện thông báo cho các chủ tàu thuyền nắm bắt về diễn biến tình hình bão, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, giúp dân chằng chéo tàu thuyền, nhà cửa, phối hợp với các lực lượng khác di dời người dân, khắc phục hậu quả sau bão...

Sự cố sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) gây thiệt hại nặng về người. Để góp phần khắc phục hậu quả, Quân khu 2 đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện như ô tô, xuồng máy... triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm, cứu vớt nạn nhân. Hiện nay, Bộ đội Công binh đang tích cực chuẩn bị để lắp đặt cầu phao nhằm bảo đảm giao thông, giúp người dân thuận lợi trong giao thương, đi lại. Đặc biệt, trận lũ quét xảy ra sáng 10-9 đã vùi lấp hàng chục nhà dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), khiến hàng chục người tử vong và mất tích. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, lúc nắng nóng, lúc mưa to... nhưng hàng trăm chiến sĩ vẫn dầm mình trong bùn lầy, quyết tâm tìm bằng được thi thể các nạn nhân, góp phần giảm bớt nỗi đau của bà con có người thân gặp nạn...

Lữ đoàn Công binh 249 (Binh chủng Công binh) kiểm tra kỹ thuật, lên phương án bắc cầu phao thay thế tạm cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: TUẤN HUY

Lữ đoàn Công binh 249 (Binh chủng Công binh) kiểm tra kỹ thuật, lên phương án bắc cầu phao thay thế tạm cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: TUẤN HUY

Khi nước lũ rút cũng là lúc hầu hết các địa phương phải đối mặt với nỗi lo mất vệ sinh môi trường, phát sinh dịch bệnh vì lượng bùn đất, rác thải tồn đọng quá lớn. Nhiều nơi rác chất thành đống to, la liệt trên hè phố, dưới lòng đường, bùn lầy từ 20 đến 50cm. Thấu hiểu, chia sẻ với người dân, các đơn vị Quân đội đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ra quân tổng vệ sinh môi trường. Cùng với dọn dẹp trên các tuyến đường, bộ đội còn ưu tiên vệ sinh trường học, bệnh viện, các cơ quan, công sở, giúp đỡ các gia đình chính sách...

Chứng kiến các tuyến phố ngập bùn đất, hàng “núi” rác thải nhưng chỉ sau 2 ngày, nhờ có bộ đội đã gọn gàng, sạch sẽ hơn, ông Trần Ngọc Thực, 65 tuổi, ở tổ 16, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang bày tỏ: “Nếu không có bộ đội thì không biết chúng tôi sẽ xoay xở thế nào. Bộ đội thời chiến thì đi trước, thời bình thì luôn gần dân, hết lòng vì dân, thật đáng quý...”. Với ông Nguyễn Thế Tráng, 69 tuổi, thương binh hạng 4/4, trú tại tổ dân phố Hồng Yên, phường Hồng Hà, TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) thì việc bộ đội xuất hiện cứ như một giấc mơ. Nhà ông bị ngập gần hết tầng 1, khi nước rút đã để lại cảnh tượng ngổn ngang, đầy bùn đất. Đúng lúc ông Tráng lo lắng nhất thì bộ đội xuất hiện giúp gia đình cọ rửa, kê dọn đồ đạc, quét dọn bùn đất, khôi phục đồ nghề làm giá đỗ-sinh kế chủ yếu của gia đình. Xúc động trước tình cảm của bộ đội, ông Tráng rơm rớm nước mắt: “Bộ đội tốt với người dân quá...”.

Nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, toàn quân tổ chức trực gần 359.000 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có gần 75.000 bộ đội, hơn 284.000 dân quân tự vệ), hơn 10.100 phương tiện các loại. Hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra chưa khắc phục xong thì bão số 4 đổ bộ vào khu vực miền Trung. Quân đội tiếp tục sẵn sàng gần 282.000 cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 5.440 phương tiện để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống và triển khai nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương.

Sự hy sinh thầm lặng

Thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn nỗ lực vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, “gác việc riêng lo việc chung”, chịu đựng sự hy sinh thầm lặng mà không nhiều người biết.

Ở tất cả các đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đều phải trực 100% quân số. Nhiều cán bộ, chiến sĩ nhà cũng bị ngập, thiệt hại, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng vẫn ở lại đơn vị ưu tiên cho nhiệm vụ chính trị. Khi xảy ra sự cố vỡ đê ở thôn Sài Lĩnh cũng là lúc nhà của Đại úy QNCN Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên đồ bản kiêm thủ kho vật chất cứu hộ-cứu nạn, thuộc Ban Tác huấn, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang ngập nặng hơn. Vợ anh bị mắc kẹt tại nơi làm việc đã nhiều hôm do đường ngập, ở nhà chỉ có bố mẹ già và hai con nhỏ, thế nhưng anh vẫn hết mình vì công việc, vì sự an nguy của đồng bào. Chia sẻ với chúng tôi, Đại úy QNCN Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ: “Tôi phải cố gắng vượt qua hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì càng lúc khó khăn thì người dân càng cần bộ đội. Không chỉ riêng tôi, tất cả đồng đội tôi đều như thế. Gia đình tôi ở nhà, nếu khó khăn nữa sẽ có cán bộ, chiến sĩ đến giúp đỡ...”.

Câu chuyện của Thượng úy Tạ Đức Quí, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) hoãn ăn hỏi do phải thực hiện nhiệm vụ chống bão số 3, dù hai gia đình đã “chốt” lịch, tráp lễ đã được chuẩn bị, người thân đã được mời cũng nói lên phần nào sự hy sinh thầm lặng của các anh. “Tôi nghĩ đã là người lính thì nhiệm vụ luôn phải được đặt lên trên hết. Phòng, chống lụt bão là nhiệm vụ "chiến đấu trong thời bình". Hơn nữa, đồng bào trên địa bàn còn đang chìm trong biết bao đau thương, mất mát, mình sao có thể an tâm để lo hạnh phúc cá nhân?!”, Thượng úy Tạ Đức Quí nói về lý do dẫn đến quyết định hoãn lễ ăn hỏi của mình như vậy.

Theo chân bộ đội thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả, hiểm nguy không thể diễn tả hết bằng lời. Nhưng vượt lên tất cả, bằng trách nhiệm của người lính, bằng tình cảm với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua tất cả. Có lẽ hình ảnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 297 (Quân khu 2) miệt mài dọn dẹp bùn rác có hôm đến tận 21 giờ; do thiếu nước, đến bữa ăn, bộ đội chỉ có thể rửa sạch hai bàn tay, bùn đất vẫn dính đầy quần áo, ủng... khiến nhiều người dân TP Yên Bái không thể quên. Quá trình làm việc, một số chiến sĩ bị tai nạn nhưng vẫn không chùn bước, như trường hợp Binh nhất Nguyễn Mạnh Thắng, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 297 trong quá trình lội bùn đất sâu 30-40cm để dọn dẹp thì bị mảnh thủy tinh nhọn xuyên qua ủng, đâm sâu vào lòng bàn chân. Trên đường đi viện điều trị, tiêm phòng uốn ván, Thắng vẫn “xin” chỉ huy đơn vị: “Điều trị xong phải tiếp tục cho tôi quay lại giúp nhân dân nhé!”.

Và cũng đã có những hy sinh, mất mát! Quá trình thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3, Thiếu tá QNCN Tăng Bá Hưng, sinh năm 1978, nhân viên lái xe thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 653 (Cục Hậu cần Quân khu 3) đã anh dũng hy sinh. Ông Phạm Văn Tiến ở tổ dân phố Xuân Áng, thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão (TP Hải Phòng) chia sẻ: “Bão số 3 khiến nhiều cây xanh, cột điện bị gãy đổ. Thiếu tá QNCN Tăng Bá Hưng đã không quản vất vả, hiểm nguy tích cực giúp dân khắc phục hậu quả và không may hy sinh. Chúng tôi vô cùng tiếc thương và cảm phục tinh thần vì nhân dân quên mình của đồng chí Hưng...”.

Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao quà của Bộ Quốc phòng ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão số 3 (Ban Vận động cứu trợ Trung ương tiếp nhận). Ảnh: Minh Khánh

Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao quà của Bộ Quốc phòng ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão số 3 (Ban Vận động cứu trợ Trung ương tiếp nhận). Ảnh: Minh Khánh

Nỗ lực phấn đấu, không ngừng luyện rèn

Những việc làm của Bộ đội Cụ Hồ đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương. Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Những năm qua, lực lượng vũ trang luôn là điểm tựa vững chắc của chính quyền và người dân. Tôi rất ấn tượng khi trong bão số 3 và mưa lũ sau bão, Sư đoàn 316 đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ giúp Tuyên Quang gia cố đê, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả. Chỉ trong thời gian ngắn, 68 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 113 (Binh chủng Đặc công) đã giúp địa phương di dời gần 700 hộ dân của 3 xã thuộc huyện Yên Sơn phòng ngừa sự cố hồ thủy điện Thác Bà; Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang cũng đã huy động gần 8.470 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng hàng chục phương tiện để phòng, chống, giúp đỡ người dân. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của bộ đội...”.

Trực tiếp đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão lũ ở Tuyên Quang và Hà Giang, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã động viên, đồng thời yêu cầu các lực lượng Quân đội luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện để giúp dân khi cần, khẳng định vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Qua công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục ghi nhận, khẳng định vai trò nòng cốt, xung kích của Quân đội. Kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 của Tuyên Quang; lực lượng Quân đội, Công an phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả mưa bão, nhấn mạnh "sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt" trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Kiểm tra công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng vũ trang tham gia công tác khắc phục hậu quả bão lũ...

Qua tìm hiểu thực tiễn và trao đổi với một số đồng chí lãnh đạo các địa phương, các đơn vị Quân đội, chúng tôi nhận thấy, kinh nghiệm hay thời gian qua cũng là những giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để Quân đội tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, trước hết là phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để mọi cán bộ, chiến sĩ nỗ lực luyện rèn, có động cơ đúng đắn, cống hiến hết mình; huấn luyện thành thục các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, tham mưu đúng, trúng cho cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý mọi tình huống.

Cùng với đó, phải chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cán bộ, chiến sĩ, làm tốt công tác chính sách đối với quân nhân hy sinh, bị thương khi làm nhiệm vụ; gia đình quân nhân bị thiệt hại do mưa lũ và kịp thời làm tốt công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, việc cần kíp trước mắt cũng như lâu dài là Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư các trang bị, phương tiện đồng bộ, hiện đại theo Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 20-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, bảo đảm Quân đội hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, vững vàng điểm tựa của nhân dân.

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, Bộ Quốc phòng phát động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị trong toàn quân hướng về đồng bào vùng lũ lụt bằng cả tinh thần và vật chất hàng trăm tỷ đồng; riêng huy động các doanh nghiệp Quân đội ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 3 gây ra, với tổng số tiền 40 tỷ đồng chuyển đến Ban Vận động cứu trợ Trung ương (Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội: 20 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội: 10 tỷ đồng; Tổng công ty Đông Bắc: 10 tỷ đồng). Ngoài ra, Cục Tài chính đã tham mưu với Bộ Quốc phòng dự phòng 447 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-khang-dinh-vai-tro-nong-cot-diem-tua-vung-chac-cua-nhan-dan-tiep-theo-va-het-795925