Bài 2: Khát vọng 'thông mạch' cao tốc bắc-nam
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, 30 km đầu tuyến thuộc dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (từ Diễn Châu đến Quốc lộ 46) chính thức được thông xe đưa vào khai thác, phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân. Cuối tháng 6 vừa qua, đoạn cuối tuyến 19 km từ Quốc lộ 46B đến nút giao Quốc lộ 8A tiếp tục hoàn thành, trở thành 'mảnh ghép' cuối cùng hoàn tất quá trình đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn 1 (2017-2020) với tổng chiều dài khoảng 654 km.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, với dấu mốc này, tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đã đạt 2.021 km. Đây là thành tích lớn, chỉ trong khoảng 4 năm, nước ta đã xây dựng được gần 860 km đường cao tốc, trong khi gần 20 năm trước chỉ mới xây dựng được hơn 1.100 km.
"Viên đá" dò đường
Nhiều cán bộ lão thành ngành giao thông còn nhớ rõ, sau năm 1975, ở miền bắc không còn một tuyến đường bộ nào đạt cấp kỹ thuật. Những năm 80 của thế kỷ 20, hệ thống đường bộ cả nước mới có khoảng 48.000 km, trong đó, hệ thống quốc lộ hơn 10.600 km.
Quốc lộ 1 xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu giao thông trên tuyến huyết mạch bắc-nam, cửa ngõ Hà Nội đi các tỉnh phía nam thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng. Trước tình cảnh đó, ngành giao thông quyết định đầu tư xây dựng con đường 4 làn xe dài hơn 30 km từ Pháp Vân đến Cầu Giẽ, sau đó tiếp tục nối thông đi Ninh Bình, tháo gỡ tình trạng ùn tắc liên miên tại cửa ngõ Thủ đô.
Ngày 3/2/2010, tuyến cao tốc đầu tiên của đất nước dài hơn 40 km từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Trung Lương chính thức đưa vào khai thác, giúp rút ngắn thời gian từ thành phố về Tiền Giang chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì gần 2 giờ trên Quốc lộ 1 như trước đây. Đây chính là "viên đá" dò đường, đặt nền móng cho khát vọng mở đường cao tốc của Chính phủ và ngành giao thông.
Thời điểm năm 2010, cả nước mới có 89 km đường cao tốc, đến cuối năm 2023, cả nước đã khai thác 1.892 km đường cao tốc và chỉ riêng trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải cùng một số địa phương đã hoàn thành, đưa vào khai thác 475 km đường cao tốc, gần bằng cả giai đoạn 2016-2020.
Dễ nhận thấy, mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 là bước nhảy vọt về hạ tầng giao thông nhưng cũng là nhiệm vụ rất nặng nề. Tổng chiều dài của các tuyến đường cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021-2025 gấp khoảng 4 lần giai đoạn trước, tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 cũng gấp khoảng 4 lần. Trong thời gian tới, nguồn vốn được xác định vẫn ưu tiên tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là các công trình đường cao tốc để tăng kết nối vùng, phát triển kinh tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, tuy chưa có nghiên cứu, phân tích cụ thể nào về hiệu quả của các công trình đường bộ cao tốc đối với sự phát triển của vùng, địa phương, song thực tế cho thấy, mỗi tuyến đường cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác đều đang "biến thời gian thành tiền bạc". Điển hình như Quảng Ninh, địa phương sở hữu chiều dài tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam, nhờ phát triển hạ tầng mạnh mẽ, giao thông kết nối đồng bộ từ đường bộ đến đường biển, hàng không, tỉnh đã rất thành công trong phát triển kinh tế, trở thành một điểm đến hấp dẫn về đầu tư, thương mại, du lịch,...
"Các tuyến cao tốc đã chứng minh rõ nét vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía bắc và các sân bay quốc tế như Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn,… Khi hệ thống đường cao tốc hình thành và kết nối, còn tiết giảm chi phí đầu tư các cơ sở hạ tầng khác, giúp giảm 85-95% sự cố và tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ nằm gần kề đường cao tốc. Với những lợi ích đó, việc nỗ lực "thông mạch" toàn tuyến cao tốc bắc-nam trong thời gian ngắn nữa có ý nghĩa hết sức to lớn", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng chia sẻ.
Tháng 9/2014, Quảng Ninh khởi công xây dựng 20 km đường cao tốc đầu tiên trên địa bàn, kết nối trực tiếp từ đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng về Hạ Long, tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng, cũng là tuyến đường cao tốc đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho Quảng Ninh thực hiện bằng nguồn ngân sách địa phương và hình thức đối tác công-tư (PPP). Tiếp theo, Quảng Ninh xây dựng tuyến cao tốc thứ 2 nối Hạ Long với Vân Đồn và sau đó từ Vân Đồn nối tới Móng Cái, hoàn thành đồng bộ trục cao tốc xương sống của tỉnh dài gần 176 km.
Kết nối vùng miền
Thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tháng 6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90-NQ/CP về Chương trình hành động, mục tiêu đến năm 2030, sẽ hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia. Riêng lĩnh vực giao thông, là các trục đường bộ cao tốc bắc-nam, trục giao thông đông-tây, các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không quốc tế lớn, các tuyến đường sắt kết nối cảng biển lớn, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, kết nối hiệu quả các đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng,...
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, bên cạnh hơn 2.000 km đường cao tốc đã khai thác, trên khắp mọi miền đất nước, tổng số các dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công khoảng 1.700 km từ các dự án thuộc trục bắc-nam đến các dự án kết nối theo trục đông-tây, kết nối khu vực tây bắc, khu vực Tây Nguyên,... Trong đó, có khoảng 1.200 km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, nâng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 3.000 km. Đây là tiền đề quan trọng giúp ngành giao thông và các địa phương hoàn thành vượt mức mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 5.000 km đường cao tốc.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định: "Bám sát các mục tiêu tại các nghị quyết của Đảng trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã xác định phương hướng tập trung ưu tiên cho các công trình trọng điểm, quan trọng, tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên vùng để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn về giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và logistics. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể, bảo đảm kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia".
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ khẩn trương tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phương án đầu tư, huy động nguồn lực để sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm kết nối các địa phương, liên vùng và khu vực, quốc tế; ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, các trục cao tốc đông-tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, các tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu, Thủ Thiêm-Long Thành,...
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đang tiếp tục triển khai đầu tư 35 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 2.074 km; trong đó, có 10 dự án đang thi công như: Bến Lức-Long Thành, vành đai 4 Vùng Thủ đô, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Hữu Nghị-Chi Lăng,... Bên cạnh đó, 13 dự án đường cao tốc (dài gần 700 km) cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cân đối nguồn vốn như: Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Bảo Lộc-Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài,… cùng 9 dự án (dài 678 km) đang lập chủ trương đầu tư như Thái Nguyên-Chợ Mới, Cổ Tiết-Chợ Bến, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh...
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định, với tiến độ triển khai theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi, dự kiến sẽ đạt khoảng 5.189 km. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành, khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc bắc-nam phía đông trong năm 2025; khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, Bộ tiếp tục hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm nay.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tổ chức quán triệt và triển khai có hiệu quả Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
(Còn nữa)
------------------------------------
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-2-khat-vong-thong-mach-cao-toc-bac-nam-post847155.html