Bài 2: Khâu quyết định là nhân lực tinh, gọn
Trong số những yếu tố được chăm lo đầu tư để xây dựng lực lượng tiến thẳng lên hiện đại thì nguồn lực con người giữ vai trò quyết định. Đó cũng là nguyên nhân căn cốt để lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) tiến hành nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo sức bật mạnh mẽ để tiến thẳng lên hiện đại.
Xây dựng nguồn nhân lực 4.0
Được xem là “bệnh viện tuyến cuối” của ngành thông tin quân sự, bởi vậy, việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, được Đảng ủy, chỉ huy Trung tâm Kỹ thuật thông tin Công nghệ cao (KTTTCNC) đặc biệt coi trọng. Nhờ những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên (CB, NV) trung tâm ngày càng được nâng cao, tạo đà vững chắc để đơn vị hoàn thành mục tiêu tiến thẳng lên hiện đại. Đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển phần mềm, Thiếu tá, TS Lê Hoài, sinh năm 1984, là một trong những cán bộ trẻ tài năng của trung tâm. Được điều động về trung tâm công tác sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Liên bang Nga năm 2014, Lê Hoài được lãnh đạo, chỉ huy trung tâm tạo điều kiện lựa chọn vị trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường và chuyên ngành đào tạo. Anh còn được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao tham gia các đề tài, dự án quan trọng; tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày ở nước ngoài để bổ trợ kiến thức, trải nghiệm thực tế và nâng cao hiểu biết, cập nhật công nghệ mới. Năm 2017, TS Lê Hoài được bổ nhiệm làm trưởng ban và năm 2018 được bổ nhiệm phó trưởng phòng.
Cũng trưởng thành từ sự quan tâm rèn giũa của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, Thiếu tá, Thạc sĩ Phùng Quang Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật Chuyển mạch-Truyền số liệu (Trung tâm KTTTCNC) tâm đắc: “Chúng tôi không chỉ được lựa chọn vị trí làm việc đúng sở trường mà còn được tiếp cận những trang thiết bị rất hiện đại. Mặt khác, cán bộ trẻ cũng thường xuyên được đơn vị cử đi đào tạo, tập huấn, làm việc với chuyên gia nước ngoài... Đó là điều kiện lý tưởng mà ai cũng mong đợi để hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ”.
Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, cấp ủy, chỉ huy các cấp thuộc Trung tâm KTTTCNC đã duy trì nghiêm túc nền nếp, kế hoạch bồi dưỡng, huấn luyện, lấy tự đào tạo, tự nghiên cứu là giải pháp chủ yếu. Cùng với đó, chủ động tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ nền tảng, công nghệ mới, cử cán bộ tham gia các khóa chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước. Đơn vị cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) chỉ huy cấp phòng, ban, cán bộ kỹ thuật đầu ngành; thực hiện đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng và đào tạo sau đại học, gắn xây dựng ĐNCB kỹ thuật đầu ngành với bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ chỉ huy, đáp ứng nguồn nhân lực cho đề án xây dựng, phát triển trung tâm giai đoạn 2015-2020; chú trọng xây dựng lực lượng kỹ sư đầu ngành có trình độ hội nhập khoa học công nghệ với khu vực ASEAN.
Nhờ những giải pháp trên, tỷ lệ cán bộ có trình độ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, phương pháp nghiên cứu hiện đại, kỹ năng chuyển giao công nghệ của Trung tâm KTTTCNC đã được nâng lên. Công tác biên soạn tài liệu, các quy trình công nghệ, tiêu chuẩn quân sự được thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện khai thác hệ thống, bảo quản, bảo dưỡng và chuyển giao kỹ thuật trang bị thông tin công nghệ cao cho các đơn vị thông tin toàn quân, đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật theo phân cấp. Hiện, trung tâm có 20 kỹ sư chính, 2 kỹ sư cao cấp, 6 nghiên cứu viên chính, 3 nghiên cứu viên cao cấp; 30 cán bộ đạt chuẩn CCNA, CCNP. Về trình độ học vấn, có 6 tiến sĩ, 40 thạc sĩ, nhiều đồng chí có trình độ ngoại ngữ cao... đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ hiện đại hóa hệ thống TTLL quân sự.
Cũng từ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà chất lượng ĐNCB các cấp ở Lữ đoàn 205 được nâng lên rõ rệt. Hằng năm, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn và cấp ủy các cấp đã tăng cường kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của ĐNCB, nhất là cán bộ cấp phân đội để kịp thời bổ sung kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Cùng với đó, tập trung xây dựng lực lượng nhân viên chuyên môn kỹ thuật (NVCMKT) đủ về số lượng, có chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hệ thống TTLL quân sự. Trong 10 năm qua, lữ đoàn đã rà soát gửi đi đào tạo tại các nhà trường hơn 150 lượt nhân viên; thực hiện luân chuyển NVCMKT giữa các cơ quan, đơn vị hằng năm để rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao chất lượng. Theo Thượng tá Đỗ Trọng Huấn, Chính ủy Lữ đoàn 205: ĐNCB, NV có trình độ càng cao thì TTLL càng chính xác. Nhận thức sâu sắc điều đó nên anh em trong đơn vị có tinh thần tự học rất cao, nhất là trong trau dồi ngoại ngữ và biên soạn tài liệu. Đặc thù làm việc theo ca nên việc thường xuyên tổ chức huấn luyện tập trung gặp nhiều khó khăn, vì vậy, CB, NV đã nêu cao tinh thần tự học tập nghiên cứu, học từ thực tiễn, từ đồng đội và những người đi trước”.
Qua tìm hiểu ở các cơ quan, đơn vị trong Binh chủng TTLL, chúng tôi nhận thấy, chủ trương đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao được thực hiện nhất quán: Con người phải được ưu tiên hàng đầu trong quá trình hiện đại hóa lực lượng, bởi nếu con người “cũ kỹ, lạc hậu” thì dù trang bị phương tiện hiện đại đến đâu cũng sẽ trở nên vô dụng. Trên tinh thần đó, ngay từ đầu, Đảng ủy binh chủng chủ trương “đi tắt, đón đầu” về xây dựng con người. Thiếu tướng Trần Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy binh chủng khẳng định: “Để hiện đại hóa con người, chúng tôi chủ trương xây dựng binh chủng học tập, binh chủng điện tử; phát động phong trào tự học tập trong toàn lực lượng TTLL. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, tổ chức bồi dưỡng ĐNCB, NVCMKT, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, tăng cường tự đào tạo, gửi đi đào tạo trong và ngoài nước, ưu tiên xây dựng lực lượng cán bộ chỉ huy, quản lý và NVCMKT đầu ngành; đầu tư cơ sở vật chất, trang bị để khuyến khích cán bộ tự học tập nâng cao trình độ”.
Từ năm 2011 đến nay, binh chủng có hơn 1.500 lượt cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng, hơn 150 lượt cán bộ đi đào tạo nước ngoài; 139 cán bộ đào tạo nước ngoài về binh chủng; cử 158 đoàn đi học tập, công tác ở nước ngoài theo các dự án đổi mới, hiện đại hóa hệ thống TTLL quân sự. Binh chủng còn huy động hơn 3,1 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ đi đào tạo sau đại học và mở các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, công nghệ thông tin... Chất lượng ĐNCB, nhất là chất lượng về chính trị, trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực tổ chức chỉ huy và hoạt động thực tiễn, hiệu quả công tác nghiên cứu, sản xuất, chế thử không ngừng được nâng lên, làm chủ trang bị, kỹ thuật mới hiện đại, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay, 100% cán bộ được đào tạo qua trường, 98,8% có trình độ cao đẳng trở lên (tăng 6,6% so với năm 2011), trong đó đại học là 72,6% (tăng 3,4%), thạc sĩ là 17,2% (tăng 9,94%), tiến sĩ là 2,46% (tăng 1,83%).
Xây bộ máy “tinh, gọn, mạnh”
Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh là mục tiêu và cũng được xem như giải pháp hiệu quả trong xây dựng đơn vị tiến thẳng lên hiện đại ở Binh chủng TTLL. Theo đó, binh chủng đã tham mưu đề xuất với bộ ban hành biểu tổ chức biên chế cơ quan Bộ tư lệnh, thực hiện giảm đúng 10% quân số so với quân số biên chế theo Chỉ thị số 114/CT-BQP của Bộ Quốc phòng. Tham mưu, đề xuất với bộ ban hành quy định tổ chức, quân số của binh chủng năm 2019 (giảm 0,48% so với năm 2010); báo cáo đề xuất với bộ ban hành các thông tư quy định liên quan đến công tác xây dựng lực lượng. Từ năm 2011 đến 2020, đã hoàn thành xây dựng mới, tổ chức lại 14/14 biểu tổ chức biên chế thời bình các cơ quan, đơn vị trực thuộc, 10/10 biểu tổ chức biên chế thời bình các đơn vị thông tin toàn quân. So với yêu cầu mục tiêu đề ra, đã chú trọng kiện toàn hệ thống tổ chức, xây dựng cơ sở pháp lý, nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chiến lược.
Quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, thông tư, hướng dẫn, quy định của cấp trên, những năm qua, Thường vụ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong binh chủng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ĐNCB có số lượng, cơ cấu hợp lý. Thông qua luân chuyển cán bộ, điều động học viên tốt nghiệp để tăng cường cán bộ cho các đơn vị thiếu nhiều, nhất là đơn vị phía Nam, đơn vị đứng chân trên địa bàn trọng điểm, đơn vị làm nhiệm vụ trọng yếu, vùng biển, đảo, vùng sâu, vùng xa; đề nghị cho cán bộ đi đào tạo chuyển loại; điều chỉnh chức danh thừa sang chức danh thiếu; tuyển dụng, tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị với các ngành đang thiếu... Do vậy, từng bước giảm được tỷ lệ cán bộ thừa, thiếu theo chức danh.
Thường vụ, Đảng ủy binh chủng, cấp ủy các cấp còn lãnh đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp, bảo đảm sự kế thừa, phát triển, chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ, có tính khả thi cao với nhiều nguồn, nhiều độ tuổi, trong đó thường xuyên có 1/3 độ tuổi trẻ. Thông qua quy hoạch đã phát hiện, lựa chọn được nhiều cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực tốt, có triển vọng, có khả năng lãnh đạo, chỉ huy quản lý để tạo nguồn cán bộ chủ trì, chủ chốt trong binh chủng, đồng thời xây dựng được nguồn cán bộ tại chỗ vững chắc cho các đơn vị. Số cán bộ được sắp xếp bổ nhiệm đạt hơn 75% so với quy hoạch; tỷ lệ cán bộ trẻ là lãnh đạo, chỉ huy đều tăng ở các cấp, riêng cán bộ cấp lữ đoàn và tương đương có tuổi đời 40-45 là 30% (tăng 8,7% so với năm 2011); tỷ lệ cán bộ cư trú tại chỗ ở các đơn vị phía Nam đạt 85,1% (vượt 15,1% so với nghị quyết). Công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại, điều động, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, nâng lương cán bộ bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, đúng quy trình, nguyên tắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ sau khi được điều động, bổ nhiệm đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có tín nhiệm cao.
Trong công tác quy hoạch sử dụng, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ NVCMKT, binh chủng đã quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về việc sắp xếp, bố trí, sử dụng theo tổ chức biên chế của bộ ban hành, tập trung ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm TTLL thường xuyên, SSCĐ, các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa và địa bàn trọng điểm. Tổ chức chặt chẽ công tác luân chuyển QNCN giữa các đơn vị, kịp thời điều chỉnh quân số ở đơn vị thừa cho đơn vị thiếu biên chế. Đội ngũ NVCMKT cơ bản có số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp, trình độ chuyên môn ngày càng tăng; nhiều đồng chí có trình độ chuyên môn giỏi, là đầu ngành, mũi nhọn của các đơn vị. Đến nay, tỷ lệ NVCMKT đầu ngành, mũi nhọn của binh chủng chiếm 20,8%. Binh chủng thường xuyên quan tâm, chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao công nghệ, gửi đi học tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài quân đội, tổ chức thi nâng bậc thợ kỹ thuật, nghiệp vụ... để nâng cao trình độ và đánh giá, phân loại, lựa chọn quy hoạch sử dụng đội ngũ NVCMKT. Về cơ bản, công tác xây dựng đội ngũ NVCMKT thông tin đã hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu chiến lược đề ra.
(còn nữa)