Bài 2: Khi địa danh chưa phải là 'địa chỉ đỏ' (tiếp theo và hết)

Các địa danh Đồng Lộc, Truông Bồn... đã trở nên quen thuộc, biểu tượng của TNXP trong kháng chiến chống Mỹ. Ngã ba Cò Nòi với chiến tích anh hùng, có thể nói đây là nơi tiêu biểu của TNXP trong kháng chiến chống Pháp. Thế nhưng hành trình để địa danh này thành một 'địa chỉ đỏ' nơi cửa ngõ Tây Bắc vẫn còn ngổn ngang nhiều việc, cần sự vào cuộc trách nhiệm và quyết liệt của các cấp, các ngành mà trước hết là của tỉnh Sơn La...

“Chúng tôi rất chạnh lòng...”

Có mặt tại cuộc Hội thảo: “Ngã ba Cò Nòi anh hùng-Tầm vóc và giá trị lịch sử” do Tỉnh ủy Sơn La và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5-5-2017 vừa qua, bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La bày tỏ: “Dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng chúng ta làm phép thử giữa 2 địa danh được xem là bản hùng ca in đậm khí phách của TNXP Việt Nam đại diện cho hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để thấy rõ có một sự khác biệt trong đó. Nếu Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) được quy hoạch đầu tư, tôn tạo trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng trong cả nước, hàng năm đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Còn với Ngã ba Cò Nòi được biết đến như là một biểu tượng của TNXP thời chống Pháp, mặc dù đã được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia, được quy hoạch tôn tạo trở thành một điểm tham quan du lịch về nguồn. Tuy nhiên việc đầu tư, tôn tạo và khai thác còn chưa xứng tầm; lượng khách biết và đến tham quan còn rất hạn chế. Nghĩ đến điều đó, chúng tôi rất chạnh lòng...”.

Các hiện vật trong Nhà trưng bày Khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi còn rất sơ sài, đơn giản.

Sau nhiều năm chờ đợi, Hội thảo khoa học: "Ngã ba Cò Nòi anh hùng-Tầm vóc và giá trị lịch sử" đã được tổ chức nhân kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lời chia sẻ của Giám đốc Linh trùng với suy nghĩ và cảm nhận của chúng tôi khi đến thắp hương và tham quan di tích này. Khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi được xây dựng đúng vị trí “tọa độ lửa” năm xưa, khánh thành ngày 7-5-2002 khá đồ sộ, địa thế đẹp nhưng ít khách viếng thăm. Nhiều người dân ở huyện Mai Sơn cũng biết rất ít về di tích này. Nhà trưng bày cạnh Tượng đài rất sơ sài, chỉ có vài bức ảnh, mấy bài phát biểu photo cũ nát, hiện vật hầu như không đáng kể. Qua tìm hiểu, được biết, Di tích Ngã ba Cò Nòi với tổng diện tích là 252.020m2 nhưng hiện nay đã bị một số hộ dân sinh sống xung quanh lấn chiếm làm nơi ở và kinh doanh. Hệ thống giao thông hào, lán trại, vết tích các hố bom hầu như đã bị san lấp để canh tác, sản xuất nông nghiệp...

Trước thực trạng đáng lo ngại này, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng với UBND huyện Mai Sơn tổ chức đo đạc, khoanh vùng các khu vực bảo vệ. Theo ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tỉnh đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thỏa thuận chủ trương lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định hiện hành, Bộ không nhất trí thỏa thuận cho phép lập quy hoạch tổng thể mà yêu cầu thực hiện luôn việc lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích này.

Sau khi có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La, huyện Mai Sơn đã phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành quy trình lập dự án. Song, vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, theo Luật Đầu tư nếu không có nguồn vốn đã được phê duyệt thì không được lập dự án đầu tư. UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương bổ sung kinh phí triển khai lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Mặt khác, Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi được lập hồ sơ từ năm 2004, do hồ sơ được lập, trình phê duyệt với thời gian ngắn (để kịp đón bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ) nên chưa đầy đủ. Trong cuộc làm việc mới đây, Cục Di sản Văn hóa cũng khẳng định, hồ sơ di tích xây dựng đã lâu nên rất sơ sài. Vì vậy, địa phương cần bổ sung thêm các cứ liệu lịch sử, như: Các hố bom, lán trại, nhà kho... là các yếu tố gốc cấu thành di tích, để việc xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo đạt hiệu quả, phát huy được giá trị của di tích.

Ngã ba Cò Nòi - ngã ba thiêng

Chúng ta đều biết, di tích nói chung, di tích lịch sử quân sự nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục truyền thống. Hiến chương Vơ-ni của Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế ICOMOS đã nêu: “Các di tích lịch sử của các thế hệ con người thấm đượm một thông điệp từ quá khứ đến ngày nay như những nhân chứng sống... Bổn phận của chúng ta là phải chuyển giao cho các thế hệ mai sau muôn ngàn di tích đó với đầy đủ vẻ rực rỡ huy hoàng đích thực của chúng”.

Được đến nhiều di tích lịch sử trên khắp các vùng miền Tổ quốc, chúng tôi thấy Di tích Ngã ba Cò Nòi có những điểm đặc biệt, thiêng liêng nhưng rất tiếc việc tuyên truyền, quảng bá về địa danh này vẫn còn hạn chế. TS Nguyễn Văn Sáu, Học viện Chính trị cho rằng, trên bình diện tổng thể, tuy cuộc kháng chiến chống Pháp đã được phản ánh khá rõ nét trong chương trình giáo dục phổ thông, cao đẳng và đại học nhưng những trang sách có đề cập đến Ngã ba Cò Nòi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn quá ít và trong nhiều bộ giáo trình quan trọng của các trường, kể cả chuyên ngành đào tạo lịch sử của các trường cũng không đề cập đến nội dung quan trọng này. Sẽ rất thiếu nếu chỉ đề cập đến những chiến thắng vang dội về mặt quân sự trên chiến trường Điện Biên Phủ mà không đề cập đến Ngã ba Cò Nòi. Bởi lẽ, có chiến thắng ở Ngã ba Cò Nòi mới có chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cũng đề nghị, cần có một cuộc vận động sáng tác về văn học, nghệ thuật, báo chí với đề tài Ngã ba Cò Nòi để tìm hiểu và quảng bá sâu rộng về di tích, địa danh đặc biệt này.

Điều cấp bách nữa là, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành có liên quan bố trí nguồn kinh phí để UBND huyện Mai Sơn lập dự án và thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Tranh thủ các nhân chứng lịch sử đã từng chiến đấu, công tác tại trọng điểm này để bổ sung thêm các cứ liệu lịch sử; sưu tầm hiện vật, hình ảnh; xây dựng và tổ chức lại nhà trưng bày. Trong đó, phải khẩn trương xác minh và lập danh sách các đồng chí đã hy sinh tại Ngã ba Cò Nòi...

Lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cũng cho rằng, sau khi được xếp hạng quốc gia, di tích đã được bàn giao về UBND huyện Mai Sơn quản lý. Do không có biên chế để trông coi, quản lý và khai thác nên việc phát huy giá trị rất khó khăn, dẫn đến tình trạng di tích bị xuống cấp. Cho nên, cần kíp phải phân bổ ngân sách và biên chế để thành lập Ban quản lý di tích, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, phát huy tốt giá trị di tích.

Chiều muộn, nắng nhạt dần trên các nương ngô, nương mía nơi ngã ba thiêng, huyền thoại. Bất giác như nghe trong gió núi tiếng vọng từ những câu chuyện xưa dội về. Lại văng vẳng đâu đây, lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”...

“Công tác nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch đầu tư tu bổ, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng nói chung và Di tích Ngã ba Cò Nòi nói riêng triển khai còn thiếu hiệu quả. UBND tỉnh Sơn La cần thực hiện việc rà soát lại khoanh vùng bảo vệ di tích, cắm mốc bảo vệ di tích trên thực địa, chỉnh trang tình trạng xuống cấp về kỹ thuật các hạng mục công trình như: Tượng đài, sân, kè, bồn hoa... Đặc biệt cần giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích là các hố bom trong khu vực di tích, không để việc canh tác, san lấp, trồng cây lương thực làm đầy hoặc mất dấu vết các hố bom. Việc đề xuất mặt bằng tổng thể tu bổ, tôn tạo di tích cần tránh việc bê tông hóa di tích...”.

(Trích bài tham luận của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tại Hội thảo “Ngã ba Cò Nòi anh hùng- Tầm vóc và giá trị lịch sử").

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG TIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/bai-2-khi-dia-danh-chua-phai-la-dia-chi-do-tiep-theo-va-het-506811